Tiếng Việt | English

30/11/2016 - 11:31

Đức Hoà: Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh (HS) là mục tiêu của các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng trường đạt CQG, một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một trong những đơn vị khó khăn nhất, nhất là một số trường đạt chuẩn nhưng không đủ điều kiện để được công nhận lại.


Diện tích sân trường nhỏ hẹp, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo khó khăn trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh

Áp lực từ sĩ số học sinh

Là huyện có địa bàn rộng với 20 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, nhiều xã có khu, cụm công nghiệp, thu hút dân nhập cư đến làm việc, sinh sống khá đông. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường học nơi đây chịu áp lực về sĩ số HS. Hàng năm, toàn huyện tiếp nhận hơn 1.000 HS là dân nhập cư. HS tăng, các trường thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nên việc xây dựng trường đạt CQG đã khó càng thêm khó.

Tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo (xã Đức Hòa Thượng), ngôi trường đạt CQG năm 2012, thế nhưng, đến nay, nhiều tiêu chuẩn về trường đạt CQG không thể giữ vững. Trong đó, sĩ số HS tăng nhanh, trường không đủ diện tích đất để bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Hiện trường thiếu hơn 7.000m2 đất, thiếu 9 phòng học, các phòng chức năng, phòng giáo dục thể chất,... so tổng số HS hiện có. Trước thực trạng đó, trường chỉ có thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày với khối 3, 4 và 5. Riêng khối 1 và 2 chỉ học 1 buổi/ngày.

Cô Nguyễn Hồng Lê - giáo viên lớp 1/1, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo chia sẻ: Thiếu cơ sở vật chất, HS chỉ học 1 buổi/ngày, những HS chậm tiếp thu chịu nhiều thiệt thòi so với các trường được học 2 buổi/ngày. Do đó, trên lớp, tôi cố gắng quan tâm đều đến tất cả các em, trong đó, đặc biệt chú ý đến những em chậm tiếp thu hay thụ động. Tranh thủ các giờ ra chơi, tôi giảng kỹ lại nội dung bài học cho những em chưa nắm vững bài. Ngoài ra, trường còn tổ chức lớp phụ đạo vào thứ 7, nhằm củng cố kiến thức cho HS chậm trong tiếp thu, giúp các em theo kịp các bạn cùng lớp.

Còn Trường THCS Võ Văn Tần (thị trấn Đức Hòa) là một trong những ngôi trường chịu nhiều áp lực về sĩ số HS nhất của huyện. Trường hiện có hơn 2.700 HS với 65 lớp. Trong khi đó, tiêu chuẩn về công tác quản lý lớp học trong xây dựng trường đạt chuẩn quy định không quá 45 lớp, diện tích đất của trường so với tổng số HS cũng còn thiếu hơn 6.000m2. Do đó, HS gặp khó khăn trong sinh hoạt tập thể, sinh hoạt ngoại khóa và tập thể dục.

Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Tần - Nguyễn Văn Hùm Anh cho biết: Trường thuộc địa bàn thị trấn, dân nhập cư đông, do đó nhu cầu HS đến trường ngày càng tăng. Nhà trường chịu nhiều áp lực về sĩ số. Không chỉ số lớp tăng mà HS ở mỗi lớp cũng tăng theo, từ 40-45 HS/lớp. Lớp học đông HS, các em chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo từ 17 giờ đến 19 giờ, giúp HS củng cố cũng như bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Trước những khó khăn của các trường, huyện Đức Hòa báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính tỉnh xem xét, đầu tư mở rộng các trường ở các địa bàn có khu, cụm công nghiệp. Hiện, toàn huyện có 4 trường tiểu học và 1 trường THCS đang được đầu tư xây dựng mới. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất mở rộng đất đối với các trường còn thiếu diện tích đạt chuẩn theo quy định, đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm các phòng học, phòng chức năng và các công trình như: Hàng rào, sân đường và mua sắm, bổ sung trang thiết bị cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục ở các trường học.


Mỗi lớp có từ 40-45 học sinh

Xã hội hóa giáo dục

Với những khó khăn trong xây dựng trường đạt CQG, UBND huyện cũng đề ra các giải pháp khắc phục. Ngoài chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh, huyện còn tập trung kêu gọi xã hội hóa giáo dục trong xây dựng các trường tư thục đối với các cấp học mầm non, tiểu học, THCS trên các địa bàn có khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương, tỉnh xem xét trong việc quy hoạch, cho phép thành lập khu, cụm công nghiệp cần quy định rõ với nhà đầu tư phải quan tâm xây dựng trường mầm non, phổ thông để phục vụ nhu cầu học tập của con em công nhân, nhằm giảm áp lực cho các trường công lập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Hồng Phúc cho biết: Hiện toàn huyện chỉ có 15/65 trường đạt CQG từ cấp mầm non đến cấp THCS. Trong đó, nhiều trường khó khăn trong đạt chuẩn vì áp lực sĩ số HS và thiếu quỹ đất. Do đó, hướng tới trong xây dựng trường đạt CQG, ngoài tập trung kêu gọi xã hội hóa xây dựng các trường mầm non, phổ thông tư thục, huyện cũng báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tỉnh xem xét hỗ trợ thêm nguồn vốn khác cho huyện đầu tư trường học trong lộ trình 2016-2020. Nếu được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng trường đạt CQG giai đoạn 2016-2020 thì dự kiến nâng tỷ lệ trường đạt CQG trên địa bàn huyện là 50%.

Ngoài ra, huyện còn đề xuất các ngành chức năng xem xét, quy hoạch lại hệ thống trường lớp trên địa bàn sao cho thuận lợi, phù hợp, xóa những điểm phụ, chỉ tập trung xây dựng, mở rộng điểm trường chính nhằm giảm gánh nặng về ngân sách cho huyện trong thời gian tới; đồng thời tạo quỹ đất sạch, đầu tư có trọng điểm, tập trung cho các xã để phấn đấu đạt nông thôn mới./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết