Tôi có người bạn học chung lớp Đại học sư phạm, ước mơ của cô ấy là được đứng trên bục giảng. Ấy vậy mà ra trường khó khăn lắm mới xin được việc thì chỉ được một thời gian cô nàng lại xin chuyển nghề. Giáo viên đứng trên bục giảng đâu phải mỗi chuyện dạy học và giờ bạn tôi đã thấm thía áp lực với một người thày là rất lớn, từ nhiều phía.
Mỗi thầy giáo nên là tấm gương để học sinh yêu mến và noi theo. Ảnh: Trà Xanh
Một lần bị học sinh cấp I chống đối, bạn tôi vốn hiền lành nhưng lúc đó đã nổi giận và đuổi học sinh ấy ra khỏi lớp. Vừa hối hận vừa lo lắng, cô ấy đã mất cả buổi hoang mang đi tìm vì sợ đứa bé gặp tai nạn giao thông. Sau vụ đó, bạn tôi tự thấy mình không đủ kiên nhẫn và không phù hợp với nghề giáo nên đành rời bỏ ước mơ nhiều năm của mình.
Vẫn biết là lương giáo viên vốn không cao nhưng lại chịu áp lực từ lãnh đạo nhà trường, từ phụ huynh và xã hội… vì vậy khi gặp những học sinh cá biệt vào những thời điểm nhất định, sự kiềm chế sẽ rất khó giữ. Nhưng dù thế nào thì việc “học trò trở thành nạn nhân của các thầy cô ngay trên bục giảng chỉ vì thầy cô nóng nảy thiếu kiềm chế” là điều không thể chấp nhận được, nhất là khi vụ việc kiểu này có xu hướng gia tăng gần đây.
Em Đỗ Lân Anh (học sinh lớp 8) bị thầy giáo Đoàn Văn Học (giáo viên vật lý trường THCS Định Hòa) đánh gẫy tay phải bó bột. Trong ảnh, em đang điều trị tại bệnh viên. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngày 22/2/2016 vừa qua, thầy giáo Đoàn Văn Học ở Thanh Hóa đã dùng gậy đánh học sinh làm cậu bé bị gẫy tay phải bó bột. Trước đó, tháng 5/2015, thầy Võ Thế Lân ở Thừa Thiên Huế cũng bị thôi giảng dạy vì nhiều lần dùng tay, gậy tre đánh học sinh. Đau lòng nhất là em Phước Hải - học sinh lớp 6 Trường Phan Bôi, TP HCM chỉ vì không thuộc bài bị cô giáo phạt bằng roi. Em này có tiền sử động kinh, vì quá sợ hãi mà tử vong hồi tháng 1/2015.
Các em bị thầy giáo dạy nhạc cầm thước gỗ đánh ở trường tiểu học Phước Sơn, Bình Phước. (Ảnh do gia đình cung cấp.)
Đến đây tôi bất giác nhớ đến những buổi đầu tiên đi học mẫu giáo của con gái mình. Con bé khóc nhiều nên bị cô giáo trừng mắt lên và quát: “Câm ngay!”. Nó đã sợ hãi đến nỗi run lẩy bẩy và không thở được đến tím tái mặt mũi. Sau khi phản ánh, cô giáo phụ trách dù hứa sẽ không tái phạm nhưng vẫn bảo rằng: “Với trẻ con phải dọa, không dọa chúng nó không nghe”.
Từ một đứa bé vui vẻ, con tôi bỗng trở nên tự ti và nhút nhát. Con không hát được bài nào đến đầu đến cuối. Hỏi thì con kể: Cô bảo con không phải hát nữa và cho con về chỗ vì cả lớp không chờ được.
Gia đình tôi quyết định chuyển trường cho cháu. Ngày đầu tiên đến trường mới, khi được mẹ giải thích rằng cô giáo mới sẽ yêu con như mẹ yêu con, sẽ không quát mắng và dọa dẫm con thì nó đã lao tới ôm cô giáo mới và reo lên: Con yêu cô!
Suy nghĩ “Thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp với xã hội hiện nay. Ảnh: Trà Xanh
Suy nghĩ “Thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp với xã hội hiện nay. Những hành động bạo lực với trẻ em dù là thể xác hay tinh thần đều đáng bị lên án vì vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền trẻ em và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách và tương lai những đứa trẻ.
Người dùng bạo lực với trẻ em là giáo viên thì càng không thể chấp nhận được. Vì họ được đào tạo sư phạm từ ghế nhà trường và đủ hiểu về quyền hạn, nghĩa vụ của mình. Ngành giáo dục cần phải chọn lọc thật kỹ và chỉ giữ lại những giáo viên có trình độ sư phạm tốt. Những giáo viên không biết kiềm chế, không đủ trình độ sư phạm và đơn giản là tự thấy không còn phù hợp thì tốt nhất hãy như tôi và bạn của tôi: Chủ động tìm một công việc nào khác hợp lý hơn./.
Trà Xanh/VOV.VN