Tiếng Việt | English

21/10/2020 - 12:25

Duyên nợ với đồ cổ

Có một thầy giáo hơn nửa đời người luôn dành thời gian đi khắp nơi sưu tầm đồ cổ nhằm phục vụ công tác giảng dạy và lưu giữ văn hóa xưa cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là thầy Đỗ Tiến Dũng - giáo viên Trường Tiểu học Long Trạch 2 (xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Thầy Dũng giới thiệu cho người cùng sở thích về ý nghĩa của từng món đồ cổ

Thầy Dũng giới thiệu cho người cùng sở thích về ý nghĩa của từng món đồ cổ

Căn nhà của thầy Dũng nằm ngay ngã tư Xoài Đôi thuộc xã Long Trạch, huyện Cần Đước - một vị trí thuận lợi để kinh doanh, buôn bán. Thậm chí chỉ cho thuê mặt tiền, gia đình thầy cũng có thể thu về hàng chục triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà, thầy lại dành trọn vẹn vị trí đó chỉ để trưng bày đồ cổ, giữ gìn văn hóa xưa và phục vụ người cùng sở thích.

Thầy Dũng trải lòng: “Ban đầu, mục đích tôi sưu tầm đồ cổ chỉ là phục vụ việc dạy học. Lâu dần, tôi cảm nhận đồ cổ là "nhân chứng" của lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần; đồng thời, nó mang cái hồn của một dân tộc, giai đoạn lịch sử,... Từ đó, niềm đam mê sưu tầm đồ cổ trong tôi lớn dần lúc nào không hay”.

Nhìn bên ngoài căn nhà của thầy Dũng rất bình thường như bao căn nhà khác, thế nhưng bên trong đang chứa đựng cả một thế giới đồ cổ. Đó là những món đồ có tuổi đời hàng chục đến hàng ngàn năm như bộ sưu tập xu cổ Việt Nam từ năm 968 đến 2003, tiền xưa, vé số xưa, hộp quẹt Zippo cổ, thiết bị âm thanh, nông cụ làm đồng của các dân tộc,...

Để thỏa niềm đam mê đồ cổ, thầy Dũng phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc dạy học để mua được các món đồ cổ yêu thích. Ngoài ra, thầy còn rong ruổi khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc sưu tầm đồ cổ và dành thời gian gặp gỡ giới sưu tầm đổ cổ để nâng cao
kiến thức.

Căn nhà thầy Dũng đang chứa đựng cả một

Căn nhà thầy Dũng đang chứa đựng cả một

Căn nhà thầy Dũng đang chứa đựng cả một

Căn nhà thầy Dũng đang chứa đựng cả một

Căn nhà thầy Dũng đang chứa đựng cả một "thế giới" đồ cổ

Điều đặc biệt tạo nên động lực và giúp thầy theo đuổi đam mê đến hôm nay chính là sự động viên, ủng hộ từ gia đình. Vợ thầy Dũng chia sẻ: “Mỗi người có một sở thích riêng, chồng tôi có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Gia đình tôi từ con dâu đến con rể ai cũng là giáo viên nên hiểu được giá trị của các món đồ cổ đem đến trong tiết học và giá trị văn hóa của chúng. Với lý do đó, tôi luôn ủng hộ chồng sưu tầm đồ cổ, thậm chí còn cùng chồng tham gia các hội chơi đồ cổ và hộp quẹt Zippo tại TP.HCM”.

Đến nay, gia tài của thầy Dũng có hàng ngàn món đồ cổ. Song, đối với thầy nói riêng, người đam mê đồ cổ nói chung, sở hữu được số lượng đồ cổ nhiều không quan trọng bằng việc người chơi khám phá ra thông điệp của từng món đồ cổ đem lại. Giờ đây, ngôi nhà của thầy Dũng trở thành điểm lưu giữ nét xưa và có nhiều người lui tới để giao lưu, học hỏi. Ở đó, họ như được sống lại những năm tháng xưa, bởi trên các món đồ cổ được thầy Dũng ghi tỉ mỉ thời gian ra đời và những câu chuyện từng bị phai mờ theo thời gian.

Đối với nhiều người, có thể những món đồ cổ này chẳng đáng giá hay không có tác dụng gì nhưng với những người say mê và có sở thích sưu tầm, nó trở thành những “báu vật” vô giá. Thầy Dũng chia sẻ thêm: “Đối với người chơi đồ cổ, tìm được món đồ mình thích là vô giá. Ở đây có nhiều món tôi chỉ chơi chứ không bán. Theo tôi, tiền có thể kiếm được nhưng giá trị văn hóa, tinh thần chưa chắc tiền đã mua được. Đây cũng là một cách để tôi gìn giữ văn hóa và lưu giữ sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại; đồng thời, nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn lên trong sự trân trọng và biết ơn những bậc tiền nhân. Do đó, tôi quyết định sẽ tặng tất cả đồ cổ này cho bảo tàng khi mình qua đời”.

Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi đồ cổ từ lâu như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Và, điều quý giá nhất với người chơi đồ cổ nói chung, thầy Dũng nói riêng chính là cái tâm và chữ nhẫn trên hành trình khám phá những đặc trưng về văn hóa của các thời kỳ lịch sử chứ không phải là những món đồ mà họ đang có./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết