Tiếng Việt | English

31/01/2017 - 07:55

Gìn giữ nét xưa

Từng bỏ thời gian “rong ruổi” đến tận những vùng đất xa xôi của Tổ quốc; từng “lê la” hàng tháng, thậm chí cả năm trời để tìm hiểu về đồ cổ, những người có sở thích “độc, lạ” này đều không ngại gian khó. Với nhiều người khác, những món đồ này như vật “bỏ đi” nhưng với những ai thích sưu tầm đồ cổ, nó lại trở nên vô giá. Và câu chuyện sưu tầm từng món đồ cổ dù nhỏ hay lớn cũng là cả một quá trình tìm kiếm công phu.

Niềm đam mê

Nhìn dáng vẻ bề ngoài “xuề xòa”, ít ai biết được anh Nguyễn Phát Thành, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An lại là một tay chơi đồ cổ.

Chiếc xe máy “cà tàng” nhiều năm không đổi, quần áo không hề trau chuốt nhưng anh Thành lại dành tiền phục vụ cái sở thích mà nhiều người cho là “xa xỉ”. Trong ngôi nhà cấp 4 của anh, từ ngõ vào đến phòng khách, thậm chí là ngoài vườn, anh đều trưng bày đồ cổ. Những món đồ này là những vỏ ốc, chén, đèn, xe cổ,... nhưng nhiều nhất là đồng hồ và tiền cổ, được anh bố trí khắp lối đi. Thậm chí, có những món đồ mà anh mua về, “tuổi thọ” của nó có khi gấp đến vài lần tuổi của chủ nhân.


Chiếc xe đạp - món đồ cổ anh Phạm Hoài Phong phải mất gần 1 năm mới sưu tầm được

Anh chia sẻ: “Mê đồ cổ ngấm vào máu tôi từ lâu. Để thỏa mãn sở thích của mình, tôi phải bỏ thời gian, công sức và tốn rất nhiều tiền bạc. Thậm chí có thể tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt, ăn uống nhưng với đồ cổ thì tôi không tiếc tiền,... Lúc đầu, nhiều người nói, tôi điên mới đi mua những thứ người ta bỏ đi nhưng tôi không quan tâm. Tôi chỉ biết, khi nhìn thấy đồ cổ là mắt mình sáng hẳn lên và vui đến lạ!”.

Nhờ sở thích “kỳ lạ” đó mà đến nay, bộ sưu tập đồ cổ của anh lên đến cả trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Thế nhưng, thỉnh thoảng, anh chỉ trao đổi các món đồ cùng vài người bạn chứ tuyệt nhiên chưa bán dù không ít người trả giá khá cao cho nhiều món đồ của anh.

Đối với nhiều người, có thể những món đồ cổ này chẳng đáng giá hay không có tác dụng gì nhưng với những người say mê và có sở thích sưu tầm, nó trở thành những “báu vật”. Họ nâng niu, giữ gìn, chăm chút như những “kỷ vật” của đời mình.

Hành trình sưu tầm

Dù chỉ là “tay ngang” mới tập tành chơi đồ cổ được vài năm nay nhưng anh Phạm Hoài Phong, ngụ phường 6, TP.Tân An sở hữu được một lượng đồ cổ không nhỏ. Với anh, chỉ cần nhìn thấy đồ xưa là anh thích và bằng mọi cách phải tìm kiếm, mang về. Tuy nhiên, anh nói không phải món đồ xưa nào cũng dễ sưu tầm, thậm chí nhiều lần, anh bị lừa mua đồ “dỏm” vì chưa có kinh nghiệm.


Zippo - món đồ được anh Lê Minh Thắng thích nhất trong những đồ xưa

Anh chia sẻ: “Sau vài lần thất bại vì mua không đúng đồ, tôi vẫn không nản lòng. Mỗi khi nghe bạn bè nhắc đến có món đồ xưa, thậm chí ở tận Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... là tôi quên mọi chuyện, lên xe đi săn lùng. Để mua được một món đồ, không ít lần, tôi phải bỏ công sức, thời gian làm quen, tiếp chuyện, thậm chí năn nỉ đủ đường. Khi thấy tôi kiên trì quá nên chủ nhà bán luôn. Trong những món đồ cổ tôi sưu tầm được, có chiếc xe đạp thời Pháp của một bác lớn tuổi tại TP.Tân An. Hàng ngày, bác hay chạy chiếc xe đó trên đường. Biết được, tôi lân la hỏi chuyện. Lúc đầu, bác thẳng thừng từ chối vì chiếc xe này là kỷ vật của ba bác để lại nên có nhiều kỷ niệm. Không bỏ cuộc, mỗi ngày, tôi canh giờ giấc bác sinh hoạt và tiếp xúc, trò chuyện. Gần cả năm trời thuyết phục, bác bán cho tôi”.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phong trào sưu tầm đồ cổ tại Long An chưa phổ biến như các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, vẫn có những người có điều kiện sưu tầm. Đây là việc làm có ý nghĩa, bảo vệ hiện vật thời xưa. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Đến nay, bộ sưu tập của anh có nhiều chiếc đồng hồ cổ, đèn, máy hát và đĩa nhạc thời xưa,... Dù trải qua dấu bụi thời gian nhưng tất cả đều vẫn sử dụng được. Trong một ngày không xa, anh Phong ấp ủ dự định mở “phiên chợ đồ xưa”. Qua đó, để mọi người, nhất là những ai mê đồ cổ có thể chiêm ngưỡng, mua sắm, trao đổi cùng nhau. Đó cũng là cách để mọi người nhìn lại quá khứ.

Một thoáng hoài niệm

Là người con Long An lên Sài Gòn lập nghiệp, trong những lần kinh doanh từ Nam ra Bắc, anh Lê Minh Thắng có nhiều mối quan hệ và bổ sung vào “gia tài” đồ cổ của mình. Anh nói, bộ sưu tập đồ cổ của anh không theo chủ đề nào cả mà được mua về một cách ngẫu hứng với một lý do rất đơn giản: Hoài niệm về quá khứ. Vì vậy, món nào niên đại càng lâu, anh càng quý. Trong hàng trăm món đồ xưa của anh Thắng, có nhiều loại bình gốm, sứ, đồng,... lâu nhất là bình gốm có từ thời Lê mà anh sở hữu được. Anh cũng “bật mí” rằng, những vật dụng này thường làm bằng phương pháp thủ công và chất liệu đặc trưng nên thời nay, nhiều người muốn làm giả cũng rất khó.

Ngoài ra, anh Thắng còn là thành viên câu lạc bộ xe cổ nên sưu tầm khá nhiều chiếc xe có kiểu dáng từ những thập niên trước. Tuy nhiên, món đồ cổ được anh yêu thích và ưa chuộng nhất chính là những chiếc hộp quẹt Zippo. Chính vì lẽ đó, anh cố gắng truy lùng chiếc hộp quẹt Zippo cổ được sản xuất năm 1934.

Anh Thắng cho biết, trong những lần về Long An, nghe bạn bè giới thiệu, anh thường đến thưởng thức cà phê xưa giữa lòng TP.Tân An. Đến đây, anh cùng mọi người cảm nhận được không gian yên tĩnh, có chút lưu luyến, hoài niệm khi nhìn những đồ vật được trưng bày tại quán cà phê Sin. Chủ nhân của quán cà phê Sin là anh Trần Quang Đó.

Với niềm say mê và muốn lưu giữ những kỷ vật trong quá khứ, anh Đó bỏ công nghiên cứu, tìm tòi những đồ vật xưa. Sau này, anh nảy sinh ý định mở quán cà phê xưa, mang phong cách hoài cổ phục vụ khách. Hàng ngày, khách tìm đến quán Sin không chỉ thưởng thức vị đắng của ly cà phê mà còn chiêm ngưỡng những món đồ cổ được trưng bày nơi đây. Với những bạn trẻ, họ đến đây vì tò mò, thích sự khác lạ được bài trí trong quán. Còn với những người lớn tuổi, họ tìm về với nét xưa, thả hồn mình trong không gian tĩnh lặng sau những ngày làm việc vất vả.

Một số vật dụng trưng bày tại quán cà phê Sin (TP.Tân An)

Hiện nay, phong trào chơi đồ cổ tại Long An còn nhỏ, lẻ, mang tính tự phát. Hầu hết những người sưu tầm đều xuất phát từ niềm đam mê. Họ thích đồ cổ không phải vì muốn đổi đời mà đơn giản vì hoài niệm quá khứ. Đằng sau những món đồ cổ là những câu chuyện từng bị chôn vùi theo thời gian. Đó cũng là cách để nhìn nhận, nhớ về những chuyện đã qua./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết