Tiếng Việt | English

22/11/2022 - 21:40

Giảm nghèo nhờ trồng cây mai vàng

Nhờ cây mai vàng mà đời sống người dân xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An không ngừng nâng lên, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Diện mạo nông thôn xã Tân Tây thay đổi từ cây mai vàng

Đến thăm Làng nghề trồng mai Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những con đường bêtông sạch đẹp, xe ôtô, xe tải chạy bon bon; 2 bên đường, những vạt mai phủ một màu xanh mướt. Trưởng ban Đại diện Làng nghề trồng mai Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Nhờ cây mai vàng mà vùng quê nghèo trở nên trù phú, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Trước đây, nhiều hộ từng là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng giờ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con học hành thành tài, nắm trong tay tiền tỉ”. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hoàng đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Điệp (ấp 3).

Được biết, trước đây, ông Điệp thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Gia đình ông có 5.000m2 đất trồng lúa nhưng thường gặp tình trạng “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại, trong khi phải nuôi 3 người con đi học. Từ khi chuyển sang trồng mai, kinh tế ngày càng khấm khá hơn, gia đình ông vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con học hành thành tài.

Ông Điệp bộc bạch: “Xã Tân Tây là vùng rốn phèn, trồng lúa cho năng suất thấp. So với trồng lúa, trồng mai lợi nhuận gấp 20 lần. Ngoài trồng mai, tôi còn trồng và kinh doanh mai giống nên có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ cây mai vàng mà gia đình không còn chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau”, xây dựng được căn nhà tường khang trang. Nếu trồng lúa với diện tích 5.000m2, gia đình tôi khó thoát nghèo, không biết bao giờ mới xây được căn nhà tường này”.

Cây mai vàng giúp hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống

Theo các lão nông trồng mai nơi đây nhẩm tính, bình quân 1ha đất trồng được 1.800 gốc mai, chi phí khoảng 150 triệu đồng, 4 năm sau bắt đầu bán với giá dao động từ 3-5 triệu đồng/cây. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm, cây mai vàng cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/ha. Với thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa nên trong thời gian ngắn, vùng quê nghèo khó năm nào đã vươn mình phát triển, xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (xã Tân Tây) chia sẻ: “Trồng mai không lo về khâu tiêu thụ hay rớt giá bởi trồng càng lâu thì giá trị kinh tế càng cao. Nhiều người có kinh tế ổn định thì trồng mai để trên 5 năm mới bán, còn hộ khó khăn hơn thì trồng khoảng 4 năm là bán. Mai Tân Tây bán quanh năm, nhộn nhịp nhất vào gần Tết Nguyên đán. Khi cây mai phát triển, nhiều dịch vụ “ăn theo” cũng phát triển như nghề chăm sóc, bứng mai, chở mai,... Riêng nghề chăm sóc mai đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày, thậm chí cả triệu đồng/ngày. Qua đó, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Xuân Hảo cho biết: “Thời gian tới, nông dân trồng mai phát triển theo hướng bonsai và làm các tiểu cảnh để du khách đến tham quan, du lịch. Có thể khẳng định, cây mai vàng góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Khi đời sống người dân khấm khá sẽ có điều kiện tham gia đóng góp kinh phí xây dựng quê hương như hiến đất làm cầu, đường giao thông nông thôn,... Qua đó, giúp địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao”.

Trước đây, Tân Tây là vùng bưng nghèo, nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm. Hiện nay, vùng đất này đã vươn mình thành Làng nghề trồng mai Tân Tây nổi tiếng khắp cả nước. Những nông dân trồng lúa ngày trước trở thành chủ vườn mai, nắm trong tay tiền tỉ. Điều này càng khẳng định cây mai vàng góp phần giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết