Nơi tuyến đầu, đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng vũ trang gác lại niềm riêng để dốc sức chống Covid-19. Điều này đi vào những vần thơ chống dịch thật cảm động
Lời hiệu triệu đồng tâm hiệp lực
Đường phố những ngày này bớt vắng vẻ hơn khi quy định cách ly xã hội được “gỡ” đối với nhiều địa phương. Còn những ngày trước đó, phố xá đìu hiu, cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu tạm “then cài, cửa đóng”. Người dân ai ở nhà nào đều ở yên nhà nấy, không ra đường khi chẳng có việc cần thiết. Cuộc sống trở nên chậm hơn! Nhưng, không vì thế mà người dân cảm thấy khó chịu, phiền hà, ngược lại, tất cả đều đồng lòng thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Hơn nữa, toàn dân đều đồng thuận, hoan nghênh những cách làm của Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian qua để phòng, chống dịch”.
Hoan hô bác Tổng ra chỉ thị
Anh Phúc, anh Đam quyết liệt làm
Toàn dân ủng hộ chống giặc dịch
Đất nước an toàn lại tiến lên!
Những vần thơ của tác giả Nguyễn Văn Được (TP.Tân An, tỉnh Long An) như lời khẳng định cho sự ủng hộ những chủ trương, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong “cuộc chiến” với Covid-19. Từ những chủ trương đúng, lòng dân đoàn kết nên dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tín hiệu vui là liên tiếp những ngày qua, nước ta chưa ghi nhận ca mắc mới, số ca được điều trị khỏi tăng từng ngày.
Tuy nhiên, đó chỉ là thành công bước đầu. Để “chiến thắng” Covid-19, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân không nên chủ quan, lơ là, “ngủ quên trên chiến thắng”. Một lần nữa, những vần thơ của tác giả Nguyễn Văn Được như một lời nhắc nhớ với chúng ta:
Chiến thắng cô rô mới bước đầu
Mọi người đừng có quá chủ quan
Mà hãy tiếp tục trận chiến mới
Chiến thắng cuối cùng mới vinh quang!
“Cuộc chiến” bước vào giai đoạn mới, rất cần sự chung tay, tiếp sức của các tầng lớp nhân dân, không phân biệt trí thức hay người lao động bình thường. Mỗi người một hành động nhưng cùng một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Người dân nâng cao nhận thức, tiếp tục là “hậu phương” vững chắc cho những người ở tiền tuyến. Sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực sẽ là sức mạnh thực hiện mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh và đưa kinh tế phát triển như ý thơ của tác giả Nguyễn Văn Được đã thể hiện:
Rất cần mọi người chung tay lại
Trong đó có bạn, có chúng ta
Quan tâm cổ vũ các tuyến đầu
Hỗ trợ hết mình các bạn ơi!
Khi Tổ quốc cần, ta tiến lên
Bác sĩ, kỹ sư, nhà chính trị
Nhân dân, doanh nghiệp và chiến sĩ
Đồng tâm hiệp lực quyết một lòng
Thẳng tiến thực hiện mục tiêu kép
Kinh tế đất nước tiếp tục phát
Giặc dịch dẹp xong để dân an
Vinh quang Tổ quốc ắt về ta!
Dịch bệnh qua đi, lòng dân an ổn, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Vì vậy ngay lúc này, chúng ta hãy “Lặng lẽ để hồi sinh. Cho những ngày thắng dịch” như nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã viết trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội.
Chống dịch bằng tình yêu thương và lòng nhân ái
Trong lúc cả nước cùng chống dịch, mỗi người góp sức bằng một việc làm. Việc làm ấy đôi khi thật nhỏ như lời xin lỗi vì buộc phải thực hiện cách ly xã hội, may tặng khẩu trang, đặt cây "ATM gạo" cấp phát cho người nghèo,... nhưng đong đầy tình nghĩa. Những hành động ấy đi vào thơ như những hình ảnh đẹp, điều tử tế giữa mùa dịch mà tác giả LHQ đã viết trên diễn đàn Toàn dân đánh giặc:
Đất nước tôi trên khắp nẻo đường
Cùng chung tay để làm điều tử tế
Một bà cụ sợ khẩu trang tái chế
Nhặt nhạnh thu gom dùng kéo cắt làm đôi.
Có tin không? Phó Thủ tướng nước tôi
Đã xin lỗi Nhân dân vì cách ly bất tiện!
Cả thế giới có nước nào chứng kiến?
Cây gạo ATM từ thiện có ba miền.
Nếu “hậu phương” có nhiều “hành động đẹp” để chung sức chống dịch thì ở tuyến đầu, những “chiến sĩ” blouse trắng cùng lực lượng vũ trang cũng gác lại những nỗi niềm riêng, đêm ngày bên nhau chống dịch. Thật cảm động biết bao khi đọc những câu thơ của tác giả Vũ Quốc Tuấn:
Bao nhiêu người chưa được đoàn viên
Mất ngủ, quên ăn nơi tuyến đầu chống dịch
Người chiến sĩ vùng biên đã bao lần lỗi hẹn
Cùng người yêu gác lại chuyện trăm năm.
Có những người trên đầu trắng vòng khăn
Khi không thể về quê tiễn đưa người quá cố
Xin lập vội chiếc bàn thờ nho nhỏ
Thắp nén nhang nơi phòng tuyến cách ly.
hay
Nếu anh không về trong buổi chiều nay
Em đừng buồn và âu lo quá nhé
Nhớ đón con và động viên cha mẹ
Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên...
Bao nhiêu người cũng rất muốn đoàn viên
Nhưng Covid đang tràn lan đất nước
Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được.
Cao cả biết mấy tinh thần hy sinh vì nghĩa lớn. Chuyện trăm năm của anh lính vùng biên, nỗi nhớ thương vợ con, nỗi buồn mất cha xin tạm gác vì “cuộc chiến” này còn gian nan, vất vả, còn cần lắm những người “sống vì mọi người” để mang đến bình an, đẩy lùi đại dịch. Rồi, nơi tuyến đầu dẫu bao khó khăn, nguy hiểm nhưng các “chiến binh” vẫn vui cười lạc quan, tin ngày chiến thắng:
Em đừng hỏi vì sao cận kề với nguy hiểm
mà anh vẫn vui tươi
Chẳng phải bởi anh là bác sĩ
Dù là ai anh vẫn lạc quan như thế
Em ơi.
Có mặt ở trên đời là hạnh phúc
Nhưng không phải bất chấp để sống riêng mình...
Trở lại trường sau đợt nghỉ chống dịch gặp học sinh
Em sẽ kể cho các con nghe những điều bình thường giản dị
Về công việc của người chiến sĩ
Khoác áo blouse...!
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng Hà)
Đất nước tôi là thế đó, chống dịch bằng tình yêu thương giữa người với người, bằng nghĩa đồng bào và lòng nhân ái. Giữa đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái lại một lần nữa được nhân lên như sức mạnh trường tồn của dân tộc để cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thách thức, đi đến thành công./.
Thùy Vy