Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 09:04

Giữ gìn, phát huy Nhạc lễ Nam bộ

Vẫn “thịnh hành” trong cúng tế, đám tang nhưng người hành nghề nhạc lễ ngày nay quá cẩu thả, dễ dãi dẫn đến làm mất dần giá trị của dòng nhạc này vì không đúng bài bản như thuở ban đầu. “Số phận” nhạc lễ Nam bộ truyền thống rồi sẽ về đâu trước thực trạng bát nháo như hiện nay?

Về đâu Nhạc lễ Nam bộ?

“Thoát thai” từ nhã nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam bộ theo chân những di dân, hình thành ở vùng đất phương Nam từ những ngày đầu khai khẩn đất hoang. Trải qua bề dày lịch sử hình thành và phát triển, ngày nay, những người am tường về nhạc lễ Nam bộ truyền thống không còn nhiều. Trong số những “báu vật” ấy có Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ba Tu - người con của quê hương Cần Đước.

NSƯT Ba Tu nói về bài bản trong Nhạc lễ Nam Bộ truyền thống

Trong ngôi nhà nhỏ ở quận 7, TP.HCM, NSƯT Ba Tu, 82 tuổi, nói về dòng nhạc lễ với niềm say mê. NSƯT Ba Tu nhấn mạnh: “Nhạc lễ dùng trong 4 hình thức: Quan, hôn, tang, tế; trong đó, cao nhất là chốn cung đình với việc “quan” và thấp nhất là việc tang. Dù hình thức nào, nhạc lễ cũng là loại hình thể hiện sự cung kỉnh, tôn kính. Khi tấu những bài bản không phải để chơi mà cùng với các nghi lễ, đó là tấm lòng, tình cảm của con người với các vị thần thánh, tổ tiên và đã trở thành tập tục, truyền thống của người Nam bộ. Nhạc lễ vì thế luôn cần được trân trọng”.

Nhưng, nhạc lễ Nam bộ có được trân trọng hay không còn tùy vào người nghe và người hành nghề. “Nghe nhạc lễ không phải để cho sướng tai, mà phải hiểu sự cung kỉnh trong từng hơi điệu. Đó là giá trị của nhạc lễ. Nhưng, điều đáng buồn, người biết nghe nhạc lễ bây giờ không nhiều, người hành nghề nhạc lễ cũng không giữ bài bản xưa” - NSƯT Ba Tu buồn bã nói.

Khi được hỏi, ở Long An còn Ban Nhạc lễ nào giữ đúng bài bản như thuở xưa không, NSƯT Ba Tu thở dài, lắc đầu: “Chắc chắn không còn. Đa số đều bị biến tướng, nhất là trong đám tang”. Một số đám tang, thay vì diễn tấu lớp Thét lúc khách bắt đầu đốt nhang thì Ban Nhạc lễ lại chơi bài “Lòng mẹ”. Lúc đưa tang, những giai điệu tấu lên từ Ban Nhạc lễ bây giờ nghe không còn bi thiết như trước khi pha cải lương, một số bài tân nhạc, thậm chí có các tiết mục xiếc. Điều này làm nhạc lễ mất dần giá trị và bị mai một.

Không những mất dần giá trị mà sự biến tướng của nhạc lễ ngày này còn không thể giáo dục được người nghe sự hiểu biết về hình thức nhạc lễ. “Với những người biết nhạc lễ, ngồi ở nhà, nghe giai điệu diễn tấu của ban nhạc là biết lúc đó, ở đám tang đang diễn ra nghi thức cúng cơm, tế, lạy hay đưa tang. Nhạc và lễ phải đi đôi, hòa vào nhau như thế. Điều này đòi hỏi người hành nghề phải chơi đúng bài bản, không bát nháo như hiện nay” - NSƯT Ba Tu ví dụ.

Sự lệch lạc của nhạc lễ hiện nay một phần vì thị hiếu người nghe. Do không hiểu giá trị nhạc lễ nên khi nhà có tang, gia chủ thường thuê ban nhạc lễ đến “để cho có với người ta” mà không hề biết rằng, nhạc lễ là để phục vụ cúng tế. Hơn nữa, người thuê ban nhạc lễ bây giờ đa phần đều không hiểu, nghe nhạc lễ như “vịt nghe sấm”. Chính vì không biết nghe nên nhạc lễ ngày càng dị bản.

Anh Đỗ Vân Phong, ngụ phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An bộc bạch: “Sinh ra từ gia đình có truyền thống hát bội với 4 đời làm nghề, tôi từng học bài bản nhạc lễ nhưng ngày nay, việc giữ nguyên vẹn giá trị rất khó. Các ban nhạc lễ được thuê phục vụ đều làm theo ý gia chủ. Và, ngày nay, hầu hết họ đều chuộng tân nhạc. Hành nghề nhạc lễ vừa là nối nghiệp tổ tiên nhưng cũng là kế mưu sinh nên phải thuận theo thị hiếu người nghe”.

Huyện Cần Đước thường xuyên mở lớp tập huấn nhằm góp phần giữ gìn và phát huy nhạc lễ Nam bộ

Dẫu biết “đánh rơi” giá trị nhạc lễ, lòng cũng thấy buồn nhưng anh Đỗ Vân Phong không thể làm khác khi người nghe bây giờ “lờ mờ” với nhạc lễ truyền thống. “Nhạc lễ đúng bài bản bây giờ có chăng chỉ còn trong việc tế ở các đình, miếu; còn lại trong việc tang thì hầu hết đều biến tướng” - Nghệ nhân dân gian (NNDG) Tấn Khoa, ngụ xã Bình An, huyện Thủ Thừa, người có kinh nghiệm mấy chục năm hành nghề nhạc lễ, chia sẻ.

Làm gì để giữ gìn, phát huy?

Nếu nói nhạc lễ bây giờ biến dạng vì thị hiếu người nghe thì chưa đúng. Bởi, Ban Nhạc lễ khi đến phục vụ tang, tế, lúc rảnh rỗi có thể chơi tân nhạc, cổ nhạc phục vụ người nghe. Điều này không có gì sai nhưng khi các nghi lễ cúng tế diễn ra thì nhạc lễ bắt buộc phải tấu đúng bài bản để giữ nguyên giá trị.

Vì thế, trước sự “lệch chuẩn” của nhạc lễ Nam bộ, những người một đời gắn bó như NSƯT Ba Tu luôn đau đáu nỗi niềm về việc giữ gìn và phát huy. Muốn “trả” nhạc lễ Nam bộ về đúng giá trị, theo NSƯT Ba Tu, ngành chức năng - những đơn vị có trách nhiệm bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian, truyền thống phải “mặn mà” với nhạc lễ. Từ đó, quan tâm mở các lớp tập huấn, mời những “bậc thầy” của dòng nhạc lễ về dạy bài bản cho các Ban Nhạc lễ.

Nhằm góp phần chấn hưng dòng nhạc lễ, tháng 4/2017, huyện Cần Đước, tỉnh Long An mở lớp tập huấn cho các Ban Nhạc lễ do NSƯT Ba Tu và nhà nghiên cứu dân gian Võ Trường Kỳ đứng lớp.

Tuy không thể truyền dạy tất cả bài bản nhưng qua các buổi học, người hành nghề nhạc lễ cũng biết những bài bản cơ bản của nhạc lễ phục vụ trong cúng tế. Nhưng, động thái “phục hồi” giá trị nhạc lễ như huyện Cần Đước không có nhiều trong tỉnh.

Ngoài Liên hoan các Ban Nhạc lễ diễn ra cách đây vài chục năm thì hiện tại, tỉnh chưa có động thái gì về việc gìn giữ và phát huy giá trị nhạc lễ trong khi những “báu vật” của dòng nhạc lễ như NSƯT Ba Tu bây giờ không còn nhiều, đều lớn tuổi. Nếu không có động thái tích cực nhằm bảo tồn, dòng nhạc lễ - vốn quý báu gắn với sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân Nam bộ, nhất định ngày càng bị mai một, thất truyền.

NSƯT Ba Tu thực hành Nhạc lễ trong buổi tập huấn cho các Ban Nhạc lễ ở huyện Cần Đước

Còn những người hành nghề nhạc lễ được học bài bản, hiện tại có NNDG Tấn Khoa, NNDG Trung Dung, anh Đỗ Vân Phong,... nhưng lại chơi riêng lẻ, mỗi người một nơi.

“Những người biết bài bản không tập hợp thành ban nhạc nên việc giữ nguyên giá trị nhạc lễ theo đúng bài bản rất khó. Chẳng hạn, với vai trò một nhạc công trong Ban Nhạc lễ, khi chơi với các nhạc công trẻ tuổi khác thì buộc mình cũng phải chơi theo họ dù biết sai với bài bản nhạc lễ. Vì vậy, để nhạc lễ phát huy giá trị, những người hành nghề am hiểu bài bản nhạc lễ cần tập hợp thành ban, chơi đúng điệu, đúng bài thì hiệu quả sẽ lan tỏa từ người chơi đến người nghe”- NNDG Tấn Khoa bộc bạch.

“Phải xem nhạc lễ là loại hình luôn cần được trân trọng, giữ gìn. Phải chấn chỉnh để đưa nhạc lễ trở về như thuở ban đầu thì loại hình này sẽ không còn tình trạng ngày càng “lạc” như hiện nay” - đó là lời nhắn nhủ nhưng cũng là nỗi niềm của NSƯT Ba Tu về việc giữ gìn, phát huy giá trị nhạc lễ Nam bộ truyền thống./.

Phải xem nhạc lễ là loại hình luôn cần được trân trọng, giữ gìn. Phải chấn chỉnh để đưa nhạc lễ trở về như thuở ban đầu thì loại hình này sẽ không còn tình trạng ngày càng “lạc” như hiện nay.

NSƯT Ba Tu nhắn nhủ

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết
  • Bài viết khá hay, nhờ Thùy Hương mà nhiều người biết "đôi chút" về nhạc lễ. Giữ gìn nhạc lễ nghĩ rất gian nan.

    Bùi Minh Điển - Cách đây 8 năm