Tiếng Việt | English

10/02/2024 - 08:29

Giữ gìn truyền thống, hướng tới tương lai

Huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang hướng tới mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh. Song song với việc phát triển kinh tế là gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống quý báu, nhằm giúp người Châu Thành hiểu và yêu hơn vùng đất quê nhà.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang tham quan nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu

Châu Thành là vùng đất được khai phá sớm ở Nam bộ, giàu truyền thống văn hóa, anh hùng. Thuộc khu vực giao thông đường thủy thuận lợi nên từ thế kỷ thứ XIX, nơi đây đã trở nên trù phú, tập trung dân cư đông đúc, có sự giao lưu, phát triển văn hóa, kinh tế khá ổn định.

Mảnh đất Châu Thành còn là quê hương của nhiều nhà yêu nước lỗi lạc, anh hùng cách mạng: Nguyễn Thông, Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, Trần Văn Giàu,... Đây còn là cố hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người tạo nên bước ngoặt to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ.

Xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo

Những giá trị to lớn đó vẫn được huyện Châu Thành gìn giữ cho đến hôm nay qua các di tích lịch sử, di sản văn hóa được bảo tồn, phát triển. Toàn huyện hiện có 1 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Làm Chay tại đình Tân Xuân; 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia: Cụm nhà cổ (xã Thanh Phú Long), Khu lưu niệm Nguyễn Thông (xã Phú Ngãi Trị), đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu) và 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh khác. Bên cạnh đó, Châu Thành là huyện duy nhất trong tỉnh có nhà ghi ơn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhà bia Trung đội nữ Pháo binh.

Nhằm tạo nền tảng cho quá trình xây dựng và phát triển giá trị văn hóa con người Châu Thành trong thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị to lớn của các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Từ khi nhận phân quyền quản lý vào năm 2017, huyện Châu Thành tập trung công tác trùng tu, tôn tạo, xây dựng các khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn. Hầu hết kinh phí đều được xã hội hóa. Từ năm 2018 đến nay, có 7 khu di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 35 tỉ đồng. Trong đó phải kể đến đình Tân Xuân, nơi tổ chức Lễ hội Làm Chay.

Lễ hội Làm Chay được xem là “hồn cốt” của người dân Châu Thành

Đình Tân Xuân và Lễ hội Làm Chay vốn được xem là “hồn cốt” trong đời sống tinh thần của người dân Châu Thành. Năm 2018, khi đình xuống cấp nghiêm trọng, địa phương cùng Ban Quản trị đình xã hội hóa kinh phí trùng tu. Mái đình trăm năm tuổi được xây dựng mới trên nền ngôi đình cũ đem lại niềm vui cho người dân trong huyện.

“Với chúng tôi, đình Tân Xuân được xây dựng mới có ý nghĩa rất quan trọng. Đình khang trang, lễ hội mỗi năm được tổ chức thành công thì người dân Châu Thành có cuộc sống ấm no, thuận lợi. Năm nay, khu vực thả ghe đăng cũng được quy hoạch và sửa chữa, tôi mong rằng Lễ hội Làm Chay năm 2024 sẽ quy mô, náo nhiệt và trật tự hơn” - bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) nói.

Ngôi mộ gió tại Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 mang câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng “vị quốc vong thân”

Không chỉ có đình Tân Xuân, Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu, Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 cũng được xây dựng mới từ nguồn kinh phí xã hội hóa, góp phần giáo dục truyền thống, vun bồi tình yêu quê hương trong người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi công trình đều có nhiều hạng mục, vừa trang nghiêm, vừa có giá trị về mặt thông tin.

Nếu Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 có khu mộ gió cùng câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng “vị quốc vong thân” thì Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu lại có khu vực trưng bày cuộc đời, thân thế của Giáo sư. Từng hiện vật, hình ảnh, sách do chính Giáo sư viết giúp người xem phần nào hiểu rõ về những cống hiến to lớn của Giáo sư cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục của nước nhà.

Định hướng tương lai

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh của người dân trong và ngoài huyện. Để tiếp tục phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, UBND huyện Châu Thành chủ trương triển khai nhiều hoạt động trong năm 2024: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh các di tích; Số hóa và tạo lập mã QR tại các khu di tích, tạo thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu ý nghĩa lịch sử, quá trình hình thành của các di tích; đẩy mạnh tuyên truyền cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của đất và người Châu Thành.

Đặc biệt, UBND huyện vừa quyết định thành lập Tổ thuyết minh các khu di tích. Đó là đội ngũ chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh tại các khu di tích lịch sử - văn hóa khi có khách tham quan đến. Việc đào tạo đội ngũ thuyết minh viên thể hiện quan điểm của huyện về quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch tại các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện.

Ông Hà Minh Tuấn khẳng định: “Để phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, cần đưa công tác quản lý các di tích vào nền nếp, nâng cao trách nhiệm, xác định công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các di tích là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Châu Thành vốn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đó là niềm tự hào và động lực mạnh mẽ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành trong hành trình xây dựng quê hương. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân, phát triển văn hóa, con người Châu Thành nói riêng và Long An nói chung./.

Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân, phát triển văn hóa, con người Châu Thành nói riêng và Long An nói chung.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết