Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 21:15

Giữ lửa nghề kim hoàn thủ công

Trải qua thời gian, nghề kim hoàn với cách chế tác thủ công tinh tế từ đôi bàn tay người thợ đang dần nhường chỗ cho ngành kim hoàn hiện đại. Tuy vậy, tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nhiều hộ gia đình với nhiều thế hệ vẫn đang gìn giữ nghề truyền thống với những sản phẩm kim hoàn thủ công.

Ông Trịnh Hoàng Long đang hoàn thiện các công đoạn chế tác một chiếc nhẫn

Ông Trịnh Hoàng Long đang hoàn thiện các công đoạn chế tác một chiếc nhẫn

Nơi "giữ lửa" nghề kim hoàn thủ công

Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, nghề chế tác kim hoàn (nghề bạc) đã xuất hiện cách nay khoảng 80 năm, tập trung chủ yếu tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc. Nguyên liệu chế tác bằng vàng và sau này chuyển sang làm bằng bạc với các sản phẩm như dây chuyền, vòng đeo cổ, vòng tay, nhẫn đính hạt, bông tai,... theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, mặc dù trang sức ngày càng đa dạng với nhiều mẫu mã từ các kim loại quý như vàng, các loại đá quý thì trang sức bạc vẫn luôn được ưa chuộng. Trang sức bạc ngày nay được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác rất tinh xảo, bền, đẹp và giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Đối tượng sử dụng trang sức bạc từ trẻ em đến thanh niên, người lớn tuổi.

Để cho ra đời một món trang sức bạc thì phải trải qua rất nhiều quy trình công phu, từng loại trang sức có quy trình cụ thể kết hợp với các loại máy chuyên dụng để tăng năng suất, đáp ứng khối lượng khách hàng yêu cầu. Giai đoạn nào cũng đòi hỏi người chế tác phải tuân thủ quy tắc lao động, có sự cẩn thận và tình yêu với nghề.

Để tạo ra một món trang sức bằng bạc từ nhẫn, bông tai, vòng hay dây chuyền,... các thợ lành nghề phải thực hiện nhiều công đoạn từ nguyên liệu bạc thỏi rồi trải qua rất nhiều khâu mới hình thành nên sản phẩm hoàn thiện.

Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những đôi bông tai được chế tác bằng bạc dần trở thành món đồ tinh tế

Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những đôi bông tai bạc thật tinh tế ra đời

Chủ tịch UBND xã Thuận Thành – Nguyễn Hoàng Xuân Vũ cho biết: “Đến nay, ấp Thuận Tây 1 có 74 hộ làm và giữ nghề. Thực tế, nghề chế tác kim hoàn (nghề bạc) có rất nhiều khâu phức tạp, đòi hỏi người làm nghề phải có lòng đam mê và kiên trì, kinh nghiệm thì mới duy trì được nghề. Việc sản xuất thủ công tốn thời gian nhưng hiệu quả thấp, do đó, để duy trì và phát triển nghề bạc, các nghệ nhân và những người làm nghề bạc tại địa phương đã khéo léo kết hợp chế tác bằng thủ công và ứng dụng công nghệ vào sản xuất bằng những thiết bị hiện đại như lò nấu, máy kéo sợi, máy cán, đánh bóng, bơm sáp,... giúp tăng năng suất sản phẩm, giảm công lao động và chi phí sản xuất; tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống địa phương”.

Sống trọn với nghề

Ngay từ năm 15 tuổi, ông Trịnh Hoàng Long (ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành) đã được cha truyền dạy cho nghề kim hoàn truyền thống của gia đình. Chính vì là nghề cha truyền con nối nên ngay từ nhỏ, ông được lĩnh hội rất nhiều kỹ thuật khó của nghề. Với sự khéo léo, thông minh cộng với tính cần cù, ham học hỏi, sau nhiều năm, ông đã có thể thành thợ và thực hiện được những sản phẩm thủ công tinh xảo. Ông cũng chính là người đã truyền nghề cho nhiều học trò tại địa phương. Sau này, các học trò của ông trở thành những người thợ kim hoàn lành nghề, góp phần phát triển nghề ở địa phương.

Ông Long nhớ lại: “Bất cứ nghề thủ công nào thì người thợ cũng phải có đôi tay tài hoa, khéo léo, sự kiên trì cùng với óc sáng tạo, đặc biệt, với nghề kim hoàn thủ công lại càng đòi hỏi người thợ phải sống có đức và luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Tôi gắn bó với nghề gần như cả cuộc đời. Đây là một công việc thú vị vì được tự tay tạo ra những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cho mọi người và cho cuộc sống”.

Trải qua hơn 35 năm làm nghề, từ những ngày mới tập làm sản phẩm đơn giản cho đến khi thành công, điều khiến ông Long tự hào nhất là truyền nghề cho các lớp học trò.

Còn cơ sở ông Đặng Hùng Sơn lựa chọn lối đi riêng, tập trung vào các sản phẩm thủ công tinh xảo với mẫu mã tự thiết kế và có độ khó cao. Phía sau mỗi bộ trang sức, những sản phẩm lấp lánh là cả sự công phu, tỉ mỉ và sự vất vả của người thợ để "thổi hồn" vào từng sản phẩm. Có những món đồ chỉ làm mất 2-3 ngày nhưng cũng có những sản phẩm yêu cầu độ chính xác cực kỳ cao như chiếc gọng kính, mặt dây chuyền,... ông phải mất cả tuần đến 10 ngày mới xong một sản phẩm.

“Điều khiến tôi vui nhất khi làm nghề này là nhìn thấy những sản phẩm mình làm đến tay khách hàng, họ hài lòng, ngợi khen và trân trọng nó. Đó chính là nguồn động viên to lớn với người thợ kim hoàn”- ông Sơn chia sẻ.

Vừa qua, UBND tỉnh Long An có quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 công nhận nghề truyền thống chế tác kim hoàn tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc.

Các sản phẩm trang sức hình thành đều trải qua với nhiều công đoạn công phu

Các sản phẩm trang sức đều trải qua nhiều công đoạn công phu

Nghề chế tác kim hoàn truyền thống đã trải qua nhiều thăng trầm và đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, những gì thuộc về thủ công và truyền thống đang dần được thay thế bằng máy móc và các thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, những sản phẩm kim hoàn thủ công thì vẫn không gì thay thế được. Những người thợ kim hoàn như ông Long, ông Sơn đang nỗ lực từng ngày "thổi hồn" vào từng sản phẩm để giữ lấy nghề, giữ lấy những tinh hoa và kéo những giá trị truyền thống này lại gần hơn với hiện đại, với các thế hệ mai sau./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết


Hướng dẫn đọc sách online hiệu quảHiểu rõ gen z là gì