Mặc dù biết các loại hình nghệ thuật dân gian: Múa bóng rỗi, hát bội không còn thu hút người xem như trước nữa nhưng các nghệ nhân (NN), nghệ sĩ (NS) vẫn miệt mài gắn bó với nghề. Họ cố gắng giữ gìn cho thế hệ sau những “viên ngọc” quý đang có nguy cơ “rơi vỡ”!
28 năm làm cô bóng
Để hiểu rõ về nghệ thuật múa bóng rỗi, chúng tôi tìm gặp NN Lê Văn Son (cô Út Son) ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cô Út Son là một trong số ít NN múa bóng rỗi tâm huyết với nghề. Với cô Út, dường như múa bóng rỗi có một sự thu hút gì đó rất đặc biệt. “Mẹ nuôi bóng Thủ đã “chấm” Út Son từ khi Út còn nhỏ, trong những lần đến múa mâm vàng cầu bình an cho gia đình Út. Nhưng mãi đến năm 20 tuổi, Út mới thuyết phục được gia đình cho theo mẹ nuôi học nghề múa bóng rỗi. Từ đó đến nay gần 30 năm, Út Son nối nghiệp mẹ nuôi, trở thành cô bóng có tiếng không chỉ trong vùng” - NN Út Son cho biết.
Với nghệ nhân Út Son, điều mong mỏi lớn nhất là gìn giữ được bộ môn múa bóng rỗi đúng với những giá trị cổ truyền tốt đẹp của nó mà không bị “biến dạng” hay mai một theo thời gian (Trong ảnh: Nghệ nhân Út Son giới thiệu về mâm vàng)
Theo nghề, gặp không ít khó khăn, vất vả, từ thương tích trong quá trình tập luyện đến đời sống vật chất khó khăn, có cả sự chật vật để giữ gìn hồn cốt dân gian của nghệ thuật múa bóng rỗi chân chính. Cô Út Son kể, những ngày mới chập chững vào nghề, không ít lần cô bị thương do tập luyện, môi bị đau và sưng là chuyện hết sức bình thường. “Hồi mới học thì đau dữ lắm, có lần môi Út bị đau cả tuần nhưng hết đau lại tập tiếp, lâu dần thì quen” - cô Út Son cho biết. Đúng là phải có năng khiếu bẩm sinh và cả quá trình tập luyện nghiêm túc mới có thể trở thành cô bóng được, bởi cô bóng phải là người biết rỗi, biết múa mâm vàng, múa tạp kỹ thật xuất sắc để phục vụ người xem.
Nhưng nói vậy không có nghĩa biết múa tạp kỹ hay múa mâm vàng là có thể trở thành cô bóng, một cô bóng chân chính của nghệ thuật múa bóng rỗi như NN Út Son. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ, một bộ phận hết sức quan trọng của múa bóng rỗi là phần rỗi với việc đọc văn chúc theo nhạc. Lời văn chúc thể hiện sự tưởng nhớ đến người có công, khuyên răn người đời sống sao cho xứng đáng với tổ tiên và mong cầu điều an lành, hạnh phúc. Chính vì vậy, lời văn chúc phải đúng và có ý nghĩa thì nghệ thuật múa bóng rỗi mới thực sự gìn giữ được hồn cốt của mình.
Nói về điều này, NN Út Son tâm sự: “Út may mắn được mẹ nuôi là một người thầy giỏi truyền nghề, mẹ đã dạy cho Út rất tỉ mỉ về nghệ thuật múa bóng rỗi, từ lời văn chúc, nhịp phách đọc văn chúc đến trình tự, điệu bộ và ý nghĩa của từng bài múa. Mẹ nuôi đã mất, Út vẫn luôn cố gắng giữ gìn nguyên vẹn những gì mẹ truyền dạy để không làm “biến dạng” hình ảnh của múa bóng rỗi”. Theo cô Út, ngày nay, có không ít cô bóng trẻ, mới vào nghề nhưng không gìn giữ được nguyên bản các giá trị truyền thống, lời văn chúc họ đọc không đúng nhịp phách, không có ý nghĩa, cốt dùng tiếng nhạc và điệu ngân nga làm mất âm, qua chữ, không thể hiện được nội dung. Điều đó làm mất đi ý nghĩa vốn có của múa bóng rỗi.
Rồi NN Út Son trầm ngâm: “Mà đâu chỉ có vậy, bản thân người làm cô bóng còn phải biết giữ gìn hình ảnh, phong cách một cô bóng đứng đắn, đàng hoàng. Út cảm thấy buồn vì có nhiều cô bóng ngày nay không để tâm điều đó!”.
28 năm theo nghề, cô bóng Út Son chỉ biết miệt mài với nghề, dẫu biết rằng cuộc sống ngày càng khó khăn, chật vật nhưng cô Út không bận tâm. Những khi không đi múa, cô Út Son dành thời gian cắt dán mâm vàng hoặc làm vườn để trang trải cuộc sống. Với cô, giờ đây, điều mong mỏi lớn nhất là làm sao gìn giữ được bộ môn múa bóng rỗi đúng với những giá trị cổ truyền tốt đẹp của nó mà không bị “biến dạng” hay mai một theo thời gian. Cũng chính vì vậy mà NN Út Son sẵn sàng truyền nghề miễn phí, nhưng số người theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Vừa thay đổi, vừa giữ gìn
Nghệ nhân Út Son đoạt 2 giải A Liên hoan Bóng rỗi và cắt dán mâm vàng do tỉnh Tiền Giang tổ chức; Huy chương Vàng Múa mâm vàng Cửu Long ở tỉnh Nghệ An; Huy chương Vàng Diễn xướng dân gian toàn quốc. |
NN Út Son chia sẻ: “Xã hội thay đổi, thị hiếu và mối quan tâm của người dân cũng thay đổi. Múa bóng rỗi cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nếu không thay đổi để phù hợp với thị hiếu người xem thì không được, nhưng thay đổi thì cũng phải gìn giữ những giá trị cổ truyền, không được đánh mất!”. Rồi cô Út Son giải thích thêm, nhiều cô bóng vì làm theo yêu cầu, thị hiếu mà sa đà vào múa tạp kỹ, đánh mất ý nghĩa của các bài múa dâng cúng lệnh bà, biến bộ môn nghệ thuật múa bóng rỗi thành buổi diễn tạp kỹ phục vụ người xem chứ không còn ý nghĩa kết nối và tưởng nhớ đến người đi trước! Cô Út nói: “Trong múa bóng rỗi, ngoài múa mâm vàng thì cô bóng phải múa bông huệ cầu điều huệ phước, múa lục bình cầu sự bình an, múa tĩnh cầu điều yên lành cho gia chủ hoặc bổn hội,... Sau đó, nếu người xem có yêu cầu thêm thì cô bóng múa thêm tạp kỹ, muốn múa gì cũng được: Bàn, ghế, trống chầu, dao,... Nhưng những cái đó không thể dâng cúng cho bà mà chỉ phục vụ người xem, không nằm trong nghệ thuật múa bóng rỗi. Bây giờ, có nhiều cô bóng trẻ quên mất điều đó!”. Với cô Út, thấy có thêm người trẻ theo nghề là một niềm vui. Nhưng niềm vui “lớn chẳng tày gang” khi sự kế thừa trở nên khập khiễng và không còn giữ được những nét truyền thống vốn có của múa bóng rỗi. Cô Út khẳng định, để trở thành một cô bóng chân chính cần có lòng yêu nghề, năng khiếu bẩm sinh, sự tập luyện nghiêm túc và cần phải có người truyền dạy để các giá trị cốt lõi của bộ môn diễn xướng dân gian này không bị mai một theo thời gian. Chính như cô Út, mỗi lần đi múa, cô cũng biểu diễn thêm các bài múa tạp kỹ cho người xem được vui lòng. Nhưng trước hết, cô phải làm đúng, làm đủ những gì thuộc về hồn cốt của bộ môn múa bóng rỗi. Vậy đó, trong suốt gần 30 năm, NN Út Son rất nghiêm túc với nghề và quyết tâm gìn giữ giá trị truyền thống của múa bóng rỗi để từng lời văn chúc, từng bài bản múa không bị sai khác và dị biệt theo thời gian.
Và sự trăn trở đó cũng là nỗi niềm chung của những người theo đuổi các bộ môn nghệ thuật dân gian. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát bội Long An - NS hát bội Trần Thị Mai (nghệ danh Ngọc Mai) bày tỏ: “Hát bội bây giờ không còn như ngày trước. Chúng tôi chủ yếu hát trong các dịp cúng đình, miễu. Và muốn có người xem thì phải thay đổi theo yêu cầu khán giả nhưng thay đổi gì thì cũng phải giữ những đặc trưng của hát bội mới được!”. Những đặc trưng mà NS Ngọc Mai nhắc đến chính là điệu bộ, cách hát và một số cách vẽ mặt truyền thống. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ, điểm đặc trưng nổi bật của hát bội chính là tính ước lệ, điều này được thể hiện từ cách vẽ mặt nhân vật đến điệu bộ và cả lối hát. Chính tính ước lệ đó khiến cho hát bội trở nên “thụt lùi” khi xã hội ngày càng phát triển. Khán giả càng trẻ thì càng khó có thể hiểu và thấu cảm hát bội bởi tính ước lệ và ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là từ Hán Việt. Chính vì vậy, để hát bội “gần” với người xem hơn, các NS trong Câu lạc bộ Hát bội Long An cố gắng thay đổi. Từ những tạo hình nhân vật theo khuôn mẫu là vẽ mặt với nhiều màu sắc, NS chuyển sang trang điểm để trở nên xinh đẹp và gần gũi với người xem hơn. Ngoài ra, dù thu nhập từ các buổi diễn hết sức eo hẹp, NS cũng rất chú trọng đầu tư trang phục và đạo cụ biểu diễn. Để chứng minh, NS Ngọc Mai cho chúng tôi xem cây quạt lông công mới sắm với giá hơn 1 triệu đồng. Bà chia sẻ: “Lên sân khấu nhất định phải xinh đẹp, lộng lẫy thì khán giả mới thích xem, nên chúng tôi đầu tư nhiều vào trang phục diễn. Tuy trang phục diễn không hề rẻ, toàn tính bằng tiền triệu!”.
Theo nghệ sĩ Ngọc Mai, muốn có người xem thì phải thay đổi theo yêu cầu khán giả nhưng nhất định phải giữ những đặc trưng của hát bội! (Trong ảnh: Câu lạc bộ Hát bội Long An biểu diễn)
Bởi vậy, chúng tôi không hề cảm thấy ngạc nhiên khi biết những NS hát bội không thể nào sống được bằng nghề mình đam mê. Tất cả NS trong câu lạc bộ đều chỉ đến và tập hợp với nhau vì tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống và cùng trút bỏ gánh nặng cơm áo gạo tiền mà hóa thân thành vua, quan lộng lẫy! Bình thường, mọi người ai về nhà nấy, lo việc làm ăn, kinh tế!
(còn tiếp)
Bài 3: Gắn gượng với nghề
Ngọc Thạch - Phương Phương