Ở lứa tuổi này, việc tuyên truyền cần được tổ chức một cách linh hoạt và thường xuyên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để các em dễ hiểu, dễ nhớ và nắm rõ về pháp luật. Nhiều mô hình tuyên truyền hiệu quả đã được thực hiện như tổ chức cho HS biểu diễn các tiểu phẩm lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, qua đó đặt những câu hỏi liên quan để các em tìm hiểu, trả lời. Một hình thức khác cũng khá hiệu quả là tổ chức hái hoa dân chủ trong tiết chào cờ đầu tuần, tạo khí thế sôi nổi, giúp các em tìm hiểu về pháp luật. Tuy nhiên, các mô hình trên chưa được thực hiện thường xuyên. Mỗi năm học, mỗi trường chỉ tổ chức từ 1-2 lần nên HS chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức pháp luật.
Bên cạnh tuyên truyền, nhà trường cần phối hợp gia đình, địa phương để quản lý, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật của các em. Chẳng hạn, mặc dù đã được tuyên truyền không chạy xe dàn hàng 3, hàng 4 khi lưu thông trên đường nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Nếu phát hiện, thầy cô và cha mẹ phải kịp thời nhắc nhở, có thể trừ điểm thi đua hàng tuần để hình thành ở các em thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ và không vi phạm các quy định pháp luật khác. Một vi phạm khác là việc HS điều khiển xe gắn máy phân khối lớn đến trường khi chưa đủ điều kiện. Giảm vi phạm này, phụ huynh phải kiên quyết không cho con sử dụng xe máy phân khối lớn.
Giúp HS hiểu biết và không vi phạm pháp luật là cả một quá trình giáo dục, tuyên truyền lâu dài. Quá trình đó cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội./.
Hồng Nhung