Tiếng Việt | English

27/10/2015 - 09:28

Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Góp phần giáo dục truyền thống cho học sinh

Thời gian gần đây, Đền thờ Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực (di tích xếp hạng cấp Quốc gia), ở Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, không còn xa lạ với học sinh (HS) ở các cấp học trong tỉnh. Đây là nơi góp phần giáo dục thế hệ trẻ học tập, tiếp thu kiến thức cơ bản về lịch sử địa phương, tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh đi trước.


Tượng đài AHDT Nguyễn Trung Trực, tại Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ

Nhiều trường học trên địa bàn huyện không chỉ đơn thuần là giáo dục qua những tiết học của môn Lịch sử, nghe giảng những kiến thức trên lớp, HS còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, bằng các hình thức trực quan, sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập, thông qua Lễ giỗ của AHDT Nguyễn Trung Trực, nhân kỷ niệm 147 năm ngày hy sinh của ông (12-9 âm lịch) HS được tham quan, tìm hiểu về chiến công ở Vàm Nhựt Tảo, đây là bài học bổ ích.

Tham quan các hiện vật được trưng bày

Đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực, còn là nơi lưu giữ những giá trị chứng cứ lịch sử, người thật, việc thật những bằng chứng phản ánh chính xác các giai đoạn của lịch sử. Điều này sẽ giúp HS dễ học và dễ nhớ hơn qua sự kết hợp giữa học tập kiến thức ở trường và tham quan thực tế. Em Phạm Quốc Toàn, lớp 9A1 Trường THCS thị trấn Tân Trụ, đã đến đây được 4 lần, được thắp hương tại Đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực, em rất tự hào với lịch sử vẻ vang của quê hương. Em Nguyễn Thị Hương Giang, cũng học lớp 9A1 cùng bạn là Bùi Thúy Trang Đài, xem hiện vật được trưng bày, minh họa rất sinh động, góp phần khắc phục tình trạng dạy và học “chay”, giúp các em yêu thích các sự kiện, nhân vật lịch sử.

Giám đốc Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa - Nguyễn Văn Thành, cho biết: Giáo dục truyền thống cho HS là việc làm thiết thực, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ mới, đang được các trường chú trọng. Bởi từ những giá trị truyền thống, lịch sử hào hùng của quê hương sẽ khơi dậy niềm tin, lòng tự hào dân tộc, từ đó giúp HS phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Một hoạt động giáo dục truyền thống mang tính thiết thực, hiệu quả cao, tạo điều kiện cho HS có cơ hội học tập, đối chiếu với những gì mình đã học qua sách vở với tư liệu, hình ảnh thật, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước cho HS trong công cuộc đổi mới và hội nhập, mà sinh thời Bác Hồ từng dạy:

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”./.

Lê Cánh

Chia sẻ bài viết