“Phủ sóng” vắc-xin
Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, toàn tỉnh Long An bước vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch chưa từng có trong tiền lệ với số ca mắc trong cộng đồng tăng liên tục. Trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của dịch bệnh, tỉnh khẩn trương triển khai đồng bộ những giải pháp phòng, chống dịch. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ nghiêm thông điệp “5K”, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai nhanh chóng. Bởi “5K + vắc-xin” được xem là “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tích cực tham gia các đợt tiêm vắc-xin, đội ngũ y tế, tình nguyện viên được ví như những người âm thầm tạo miễn dịch cộng đồng
Với quyết tâm góp sức “phủ sóng” vắc-xin phòng Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế, tình nguyện viên âm thầm làm việc không kể ngày đêm trong các đợt chiến dịch tiêm chủng, trong đó có bác sĩ (BS) Trần Lê Minh Thái - Phó Trưởng phòng Khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An.
Gặp BS Thái tại điểm tiêm chủng lưu động trên địa bàn phường 6, TP.Tân An, chứng kiến những vất vả của anh cùng các đồng nghiệp, chúng tôi càng hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, BS Thái làm việc liên tục, hầu như không có thời gian nghỉ tay. Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu công việc này từ ngày 29-7-2021. Do là điểm tiêm lưu động nên thiếu nhiều thứ nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn tiêm chủng. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, tạo miễn dịch trong cộng đồng”.
Những ngày cao điểm của chiến dịch tiêm vắc-xin, BS Thái cùng đội tiêm chủng làm việc hết công suất. Có những ngày tiêm hết số lượng vắc-xin được phân bổ, đội xin ý kiến cấp trên để được phân bổ thêm, giúp người dân được tiếp cận vắc-xin trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong vai trò đội trưởng đội khám sàng lọc, BS Thái thường xuyên cập nhật các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để có những chỉ định phù hợp. Những ngày đầu triển khai tiêm chủng, một số người có tâm lý so sánh, lựa chọn vắc-xin. Do đó, BS Thái cùng các thành viên Đội tiêm chủng lưu động ân cần giải thích về những lợi ích cũng như hiệu quả của các loại vắc-xin và tuyên truyền, vận động người dân đủ điều kiện về tuổi, sức khỏe nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Trần Lê Minh Thái khám sàng lọc kỹ càng và hướng dẫn theo dõi các phản ứng sau tiêm cho người dân
Công việc thường xuyên đi sớm, về khuya, vợ BS Thái cùng công tác trong ngành Y, cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch nên cuộc sống gia đình của anh ít nhiều có những xáo trộn. BS Thái chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu tôi tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin, khi đó bệnh viện nơi bà xã tôi công tác đang phong tỏa, bà xã thực hiện cách ly tại bệnh viện và sau đó hỗ trợ chăm sóc các F0 nên không thể về nhà. Hai con gái của chúng tôi ở nhà tự chăm sóc nhau. Thương các con nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cùng cố gắng”.
Tình nguyện vì cộng đồng
Góp phần vào việc “phủ sóng” vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh không thể không kể đến đội ngũ tình nguyện viên đã không ngại khó khăn, vất vả, xung kích vì cộng đồng. Trịnh Thị Ngọc Hân (SN 2003, ấp Rạch Bộng, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) là một trong những tình nguyện viên nhỏ tuổi, tích cực xông pha lên tuyến đầu tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đây, Ngọc Hân chưa từng nghĩ sẽ tham gia công việc tình nguyện này nhưng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, em muốn góp sức mình cùng địa phương trong “cuộc chiến” chống dịch. Nghĩ là làm, khi Đoàn Thanh niên xã Tân Lân thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ngọc Hân đăng ký tham gia ngay.
Chia sẻ về công việc tình nguyện của mình, Ngọc Hân cho biết: “Công việc của em là đo huyết áp, điều phối hỗ trợ các nhân viên y tế, nhập thông tin và những công việc hậu cần khác. Đội tiêm lưu động thường bắt đầu công việc từ 7 giờ cho đến khi không còn người dân đến tiêm hoặc hết vắc-xin. Nhiều khi đội tiêm đến rất sớm nhưng đã thấy người dân đến rất đông và xếp hàng trật tự. Sau khi tiêm, em và các thành viên của đội nhận được nhiều lời cảm ơn của người dân. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp cả đội vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trịnh Thị Ngọc Hân là một trong những tình nguyện viên nhỏ tuổi, tích cực xông pha lên tuyến đầu tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Lần đầu tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19, Ngọc Hân không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Cảm giác khó chịu khi mặc đồ bảo hộ kín mít và làm việc suốt nhiều giờ liền khiến em cảm thấy mệt mỏi, tuy nhiên, em rất vui vì làm được việc có ý nghĩa.
Ngoài hỗ trợ trong các đợt tiêm vắc-xin, Ngọc Hân còn tích cực tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Mỗi ngày tham gia công tác phòng, chống dịch, Ngọc Hân có thêm một trang nhật ký tình nguyện đầy ý nghĩa, vun đắp thêm hành trang vào đời.
Ngọc Hân tâm sự: “Khoác lên người đồ bảo hộ, mang những phần quà trao đến người dân trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của tuổi trẻ. Được các anh chị đoàn viên, nhân viên y tế bồi dưỡng kiến thức phòng, chống dịch và sự ủng hộ nhiệt tình từ cha mẹ nên em cảm thấy vững vàng hơn”.
Sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ y tế, tình nguyện viên là minh chứng rõ nhất cho ý thức trách nhiệm, tinh thần quyết tâm dập dịch. Qua đó, góp phần tích cực vào “cuộc chiến” ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục các hoạt động KT - XH của tỉnh./.
Thùy Minh