Theo đó GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Hóa học. Ông là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học Kỹ thuật.
GS Phan Thanh Sơn Nam (phải) và PGS Nguyễn Sum tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2017 (Ảnh:VietNamNet)
Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.
Điểm đặc biệt là một công trình khoa học này được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do 5 tác giả là người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm khi được trích dẫn 21 lần.
GS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ông là GS trẻ nhất năm 2015, khi 36 tuổi.
Còn PGS.TS Nguyễn Sum ở lĩnh vực Toán học. Ông được trao giải thưởng vì một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới. Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.
Điều đặc biệt là cả hai nhà khoa học này được bình chọn dựa vào thành tích cùng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.
Tạp chí Asian Scientist của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Bản in chính thức được xuất bản từ năm 2014. Đây là năm thứ 3 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong danh sách công bố lần đầu tiên năm 2016, Việt Nam cũng có 2 nhà khoa học nữ được lọt vào danh sách là TS Trần Liên Hà Phương (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) và TS Đặng Thị Oanh (Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc ĐH Thái Nguyên). Năm ngoái PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Khoa Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng được lọt tốp này ở mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học nông nghiệp.
Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.
Tốp 100 nhà nghiên cứu do Tạp chí Asian Scientist bình chọn ở nhiều lĩnh vực khác nhau gồm Thiên văn học và Vũ trụ, Toán học, Hóa học, Nông nghiệp, Sinh học, Kỹ thuật, Địa chất, Vật Lý… GS Phan Thanh Sơn Nam là một trong 9 người được vinh danh ở lĩnh vực Hóa học; Còn PGS Nguyễn Sum là 1 trong 4 người được vinh danh ở lĩnh vực Toán học./.
Lê Huyền/Vietnamnet.vn