Cách đây 74 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Dưới ngọn cờ hiệu triệu của Đảng, quân và dân Nam bộ nói chung, Tân An - Chợ Lớn nói riêng đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Những người dân Nam bộ yêu nước tích cực hưởng ứng “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”. Sài Gòn khi ấy trở thành mặt trận lớn, trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả mọi đồ vật như bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động làm chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Với vị trí sát với Sài Gòn, người dân Tân An đã tích cực tham gia, góp sức với nhân dân Sài Gòn chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 là một mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, cổ vũ công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Thời khắc này ghi đậm dấu ấn của sức mạnh lòng dân, sức mạnh của lòng yêu nước, quật cường, của tinh thần đoàn kết, “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, sức mạnh của chính nghĩa trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Chiến tranh chống thực dân Pháp tái chiếm nước ta lan rộng ra cả Nam bộ, căn cứ lòng dân “Đồng Tháp Mười” trở thành pháo đài vững chắc dù địa hình trống trải không có núi cao, rừng sâu. Chính tại nơi này, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền của tỉnh, khu, thành phố Sài Gòn và cả Nam bộ vẫn hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân.
9 năm kháng chiến chống thực dân, 21 năm chống đế quốc, sức mạnh lòng dân tiếp tục được phát huy, không một phương tiện chiến tranh, vũ khí hiện đại nào làm lung lay được lòng dân đối với cách mạng. Với vị trí sát Sài Gòn - đô thị của chính quyền tay sai, sống trong mưa bom, bão đạn và sự kìm kẹp của quân thù nhưng người dân Long An vẫn một lòng hướng về Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Long An đã viết nên truyền thống 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Hào khí Nam bộ kháng chiến như bản anh hùng ca bất tử, là nguồn động lực cho chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, hào khí Nam bộ kháng chiến và sức mạnh lòng dân tiếp tục tạo động lực vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến công khai phá Đồng Tháp Mười và giữ vững tuyến biên giới Tây Nam. Hào khí Nam bộ kháng chiến cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào công cuộc đổi mới, tạo kỳ tích trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sức mạnh lòng dân được thể hiện qua phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân cùng hiến công, hiến của, hiến đất xây dựng thành công 77 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến cuối năm nay, có 2 xã sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Từ lòng dân, nhiều công trình KT-XH được ra đời từ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh nhà ngày càng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ lòng dân, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao;...
Từ mốc son sáng ngời về ngày Nam bộ kháng chiến 23/9, phát huy sức mạnh lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm hiệp lực, nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển quê hương, đất nước./.
Long An