Tiếng Việt | English

01/12/2017 - 09:12

Kỷ niệm 70 năm Ngày ra đời của Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến (01/12/1947 - 01/12/2017)

Tiếng nói Nam bộ kháng chiến từ bưng biền

Những năm 1947-1948, máy thu thanh ở Sài Gòn bỗng dưng bán chạy hơn bởi mọi người kháo nhau rằng có một đài phát thanh kháng chiến tên là “Tiếng nói Nam bộ” và còn bàn tán xôn xao: “Có đài là có chánh phủ trong bưng”, “dựng nổi một cái đài phát thanh như thế, bên kháng chiến phải giỏi lắm, phải mạnh lắm mới làm được...”. Ít ai ngờ rằng, đài phát thanh “Tiếng nói Nam bộ” trong những ngày đầu tiên ấy có thể đặt gọn trong một cái rương nhỏ, trên một cái lán bên dưới một đám tràm ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).


Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Chung quanh “Tiếng nói Nam bộ” lúc bấy giờ có biết bao câu chuyện vui và những huyền thoại được thêu dệt, tưởng tượng, suy đoán, cũng không loại trừ do cảm tình với kháng chiến nhưng có một điều chắc chắn: “Có đài là có chánh phủ trong bưng”.

Cuộc kháng chiến ở Nam bộ bước sang năm thứ hai trong bối cảnh quân Pháp tăng cường bình định Nam bộ, việc củng cố niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi trong mọi tầng lớp nhân dân trở thành nhiệm vụ chính trị bức thiết lúc bấy giờ.

Tháng 6/1947, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ chỉ đạo lắp ráp đài phát thanh “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến” để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ấy. Đây là thử thách rất lớn trong điều kiện lúc bấy giờ để đưa tiếng nói của chính quyền kháng chiến đến nhân dân Sài Gòn và tận các tỉnh ở Nam bộ. Nhiều anh em ở Xưởng Vô tuyến điện Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ ngỡ ngàng khi nhận lệnh này nhưng với quyết tâm hoàn thành cho kỳ được, đội ngũ cán bộ đài do Giáo sư Lê Văn Huấn chỉ huy lao vào đọc sách, bắt tay vào thực tế với niềm tin “thực tế lao động sẽ dạy ta”.

Các anh em tham khảo các tài liệu như Emetteur de petite puissance (sách tiếng Pháp của Cliquet), Toute la Radio, Haut parleur (báo tiếng Pháp), Radio Amateur’s Handbook (sách tiếng Anh), là loại sách vừa với túi tiền những người ưa thích vô tuyến điện, vừa phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ là không nói dông dài, cụ thể, dễ làm, phổ biến nhiều kinh nghiệm của những người làm vô tuyến điện “a-ma-tơ”, mánh lới nhà nghề để xoay xở và ít vốn.

Sau khi lắp thử bên ngoài từng mạch rồi lắp hẳn vào máy, máy gồm có 3 hộp sắt bằng tole lợp nhà cũ xin của người dân trong xã. Các cuộn cảm bằng dây đồng 3 ly, máy tăng âm và một số linh kiện khác do Giáo sư Lê Văn Huấn gửi ra từ Sài Gòn. Hai tụ xoay dùng trong tầng điện và tầng khuếch đại công suất là tụ điện của Pháp, lá bằng nhôm và cách điện bằng thạch anh, điện dung khoảng 100pF. Công đoạn dùng cục thạch anh để cho ra làn chủ sóng cũng gặp không ít khó khăn do chỉ có 3 viên nhưng 1 viên bị nứt, 1 viên có tần số tương đương cả ngàn mét không dùng được, chỉ còn 1 viên bên ngoài vỏ ghi 4.340, theo tính toán của anh em tương đương 34m56, có thể phát thanh trên làn sóng này.

Suốt mấy đêm liền, từ 19 giờ đến 21-22 giờ, các anh em kiểm tra trên làn sóng ấy xem có đài nào lên tiếng ngay đó hoặc gần đó không, may thay, chỗ đó lặng êm, nếu không, biết lấy đâu ra thạch anh phù hợp khác để xúc tiến việc lắp máy. Làn sóng 34m56 được chọn cho Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến. Sau những nỗ lực vượt qua khó khăn về điều kiện kỹ thuật, ngày 24/11/1947, đài được phát thử để các đài bạn đóng góp ý kiến. Không có đồng hồ đo độ méo âm thanh, đài phải nhờ một đồng chí (Hưỡn) ở đài VNX4 kiểm tra bằng tai, nếu tốt thì toàn Nam bộ nghe tốt (!). Riêng cây ăng-ten (bằng 2 cây sào tre) có dây nối vào để giật ngã xuống phòng khi có máy bay địch. Thông tin các nơi đưa về: Tiếng to, không méo, nghe rõ và đúng làn sóng 34m56.

Đúng 19 giờ, ngày 01/12/1947, tại một địa điểm, bên dưới một đám tràm ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh), Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến chính thức phát sóng buổi đầu tiên. Sau bản nhạc hiệu Tiến quân ca, Giáo sư Phạm Thiều - Ủy viên Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, trực tiếp đọc trên đài, phát đi lời hiệu triệu của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ đến đồng bào tiếng nói cách mạng và kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân Nam bộ. Tiếp theo là giai điệu hùng tráng của bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, rồi bài nhạc đệm Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phát xen kẽ giữa các bài bình luận, xã luận, tin trong nước, tin về vùng giải phóng, tin về cuộc đấu tranh của nhân dân vùng bị địch tạm chiếm,...

Thời gian đầu, đài chỉ phát 2 buổi/tuần, mỗi buổi 15 phút vào ngày thứ bảy và chủ nhật với cây đàn măng-đô-lin duy nhất nhưng tiếng đàn giòn tan, đầy cảm xúc. Đội ngũ cán bộ đài lúc này chỉ có khoảng 10 người, bao gồm cả cán bộ kỹ thuật, biên tập viên, phát thanh viên, người phụ trách văn nghệ, bảo vệ,... Về sau, đài lớn mạnh dần khi dời về Cà Mau với đội ngũ biên tập thời sự, chính trị và ban văn nghệ, tổng cộng lên đến 60-70 người, phát thanh hàng ngày, thời lượng tăng lên 30 phút mỗi ngày, chương trình phong phú hơn, phát cả tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông, tiếng Khmer,...

Điều thú vị là tính chất dã chiến và cơ động của đài bởi thỉnh thoảng trong chương trình có chen lẫn tiếng ếch nhái, tiếng gà gáy,... của vùng thôn dã. Tiếng nói của đài là niềm hy vọng của đồng bào nhưng là nỗi lo sợ của thực dân Pháp, vì vậy, địch thường xuyên đánh phá. Năm 1948, đài chuyển về U Minh, thuộc Khu 9; sau đó, trở lại Tháp Mười năm 1949 rồi cũng trong năm này về lại U Minh lần hai để hoàn thành sứ mệnh cách mạng khi phát thanh buổi cuối cùng tại thị xã Cà Mau, đúng vào ngày 01/12/1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến ra đời đập tan luận điệu của thực dân Pháp khi chúng huênh hoang cho rằng đã bình định Nam bộ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước hướng về kháng chiến và củng cố niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp của nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kỷ niệm 70 năm ngày ra đời của Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến trong thời đại khoa học - công nghệ hiện đại nói chung, công nghệ thông tin nói riêng phát triển như vũ bão, nhắc lại lịch sử để hiểu hơn, để sống, làm việc xứng đáng hơn trước những nỗ lực đáng khâm phục của thế hệ cách mạng đi trước khi trong đội ngũ ấy không có một kỹ sư nào, cả chuyên viên kỹ thuật cũng không, chỉ toàn những người xuất thân từ học sinh trung học, nghe theo tiếng gọi “xếp bút nghiên”, bằng tinh thần yêu nước đã hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện tưởng chừng như không thể, để tiếng nói Nam bộ kháng chiến vang lên từ căn cứ bưng biền Đồng Tháp Mười, góp phần vào thắng lợi của cách mạng.

Năm 1992, Ban Liên lạc truyền thống Sở Thông tin Nam bộ xây dựng bia lưu niệm tại địa điểm ra đời Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến bên bờ Kinh Nông Nghiệp, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh. Do bị sụt lở, xuống cấp, cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp Sở Văn hóa - Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) di dời và tôn tạo bia lưu niệm mới, đặt tại UBND xã Hậu Thạnh Đông, khánh thành ngày 13/7/2006, là địa điểm di tích trong quần thể di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ được quy hoạch xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng trong thời gian qua./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết