Tiếng Việt | English

24/04/2023 - 12:07

'Hộ chiếu' cho nông sản

Để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản “xuất ngoại”, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An và các địa phương đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số (MS) vùng trồng (VT), MS cơ sở đóng gói và xem đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thế giới.

Nông sản “xuất ngoại”

Những năm qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa dần phát triển, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, tạo ra nguồn nông sản dồi dào không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian qua, Chi cục phối hợp các cơ quan chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt triển khai đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp MSVT. 

Toàn tỉnh hiện có 2 mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Tân Thạnh

Đồng thời, Chi cục cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc nông dân ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào nhật ký canh tác; khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng, bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh có 270 lượt MSVT với tổng diện tích trên 13.445ha. Cụ thể, thanh long 226 MS; chuối 2 MS; dưa hấu 13 MS; xoài 2 MS; chanh 25 MS, sầu riêng 2 MS. Số cơ sở đóng gói trái cây được cấp MS là 147 với các loại nông sản là chuối, chanh, thanh long,... để xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản,...

Tham quan thực tế quy trình kiểm duyệt nông sản trước đóng gói để xuất khẩu tại Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (huyện Bến Lức)

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin: “Hiện, toàn huyện có trên 7.000ha chanh, tập trung ở xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình. Trong đó, nhiều diện tích đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được cấp MSVT. Đây là những điều kiện để chanh không hạt của huyện nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy liên kết và hình thành các chuỗi giá trị bền vững”.

Đổi mới tư duy cho nông dân

Để đưa hàng hóa nông sản của tỉnh vươn xa, hiện nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát tại vườn thanh long đã được cấp mã số vùng trồng tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai MSVT trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định bởi đây là lĩnh vực mới đối với cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu nên quá trình triển khai còn lúng túng. Mặt khác, nông dân chưa hiểu rõ những lợi ích MSVT mang lại nên chưa chú trọng liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung.

Cùng với đó, thời gian qua cũng xảy ra trường hợp MSVT tại một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến có trường hợp vi phạm trong khai thác, sử dụng MSVT. Ðơn cử như việc sử dụng MSVT của khu vực này nhưng lại lấy sản phẩm trái cây của khu vực khác để đưa đi tiêu thụ. Do đó, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong xây dựng MSVT. Ðồng thời, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu nông sản của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Ðể thiết lập được MSVT, nông dân cần nắm rõ các quy định về diện tích cây ăn quả tối thiểu là 10ha; đồng thời, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, nông dân phải có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt./. 

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết