Tăng sức cạnh tranh cho nông sản
Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước,... nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thích hợp cho việc trồng cây ăn trái nhiệt đới, có giá trị kinh tế cao. Hiện diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh trên 30.000ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh với diện tích lớn như thanh long, chanh, sầu riêng,... và cung cấp ra thị trường trên 550.000 tấn trái cây/năm. Xác định việc cấp MSVT là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thiết lập các MSVT cho những cây trồng chủ lực của địa phương.
Anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) kiểm tra sâu, bệnh trên cây sầu riêng
Sau nhiều năm sản xuất lúa không hiệu quả, anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) phải ngậm ngùi “chia tay” cây lúa để chuyển sang trồng sầu riêng. Theo anh Khoa, cây sầu riêng phải trồng từ 5 năm trở lên mới cho thu hoạch và mỗi năm thu hoạch chỉ 1 đợt, năng suất trung bình khoảng 15 tấn/ha. Với giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên là người trồng sầu riêng đã có lãi. “Vừa qua, vườn sầu riêng 1,5ha của tôi được cấp MSVT, nhờ đó, nhiều doanh nghiệp tìm đến và đề nghị ký kết bao tiêu để xuất khẩu. Hiện giá bán được cải thiện hơn trước, tôi cũng an tâm sản xuất hơn” - anh Khoa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Cường (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) có 4ha sầu riêng vừa được cấp MSVT cho biết: “Làm được MSVT thì sầu riêng sẽ đủ điều kiện xuất khẩu, khi đó doanh nghiệp sẽ mạnh dạn ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân. Người hưởng lợi sẽ là nông dân vì biết trước sản phẩm của mình được thu mua với giá bao nhiêu để cân đối sản xuất; hạn chế được tình trạng đầu tư nhiều nhưng giá bán thấp dẫn đến thua lỗ. Hiện nay, tôi đã ký kết với một công ty thu mua với giá cao hơn thị trường ít nhất
5.000 đồng/kg”.
Để giúp cây sầu riêng phát triển ổn định, ngoài việc quy hoạch lại vùng trồng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh còn kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu để đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tính đến nay, xã Tân Lập có trên 120ha sầu riêng, chủ yếu tập trung tại ấp Bằng Lăng và Trương Công Ý. Bước đầu, xã xây dựng được 2 MSVT cho 26,5ha sầu riêng, với 9 hộ tham gia, sản lượng gần 160 tấn/năm.
Nhờ được cấp mã số vùng trồng mà sầu riêng của nông dân xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh được nhiều thương lái tìm đến ký kết bao tiêu
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa thông tin: “Trong tình hình giá hàng hóa nông sản bấp bênh, khi triển khai định hướng xuất khẩu nông sản đa phần nhà vườn trên địa bàn xã đều phấn khởi. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu. Tín hiệu vui là hiện nay xã đã xây dựng được 2 MSVT cho cây sầu riêng, đây là tiền đề để xã tiếp tục triển khai trên các loại cây khác như bưởi, chanh,...”.
Tuyên truyền, tập huấn về mã số vùng trồng
Khác với cây sầu riêng, hơn 2 năm qua, thanh long đang “vật lộn” với bài toán giá cả. Những lúc thanh long xuất khẩu được thì giá tại vườn ổn định, còn thời điểm Trung Quốc ngưng thu mua thì giá thanh long rớt thê thảm.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có trên 8.330ha thanh long (giảm trên 3.322ha so với cuối năm 2021); sản lượng đạt khoảng 300.000 tấn nhưng có rất ít diện tích thanh long thu hoạch đúng thời điểm giá cao, số còn lại đều phải bán với giá rất thấp. Chính vì thế, để tạo điều kiện cho trái thanh long đủ điều kiện xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,...; đồng thời, tích cực hỗ trợ người dân thiết lập các MSVT và chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An”.
Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam khảo sát tại một kho thu mua thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn cho hay: HTX chuyên thu mua và xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc nên hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng MSVT cho cây thanh long để xuất khẩu. Do đó, khi ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai định hướng xây dựng MSVT cho cây thanh long, HTX là một trong những chủ thể đầu tiên đăng ký tham gia.
Theo ông Sơn, phần lớn sản lượng thanh long của tỉnh hiện nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Có nhiều thời điểm, hàng đến cửa khẩu nhưng không được thông quan nên thiệt hại rất nhiều. “Tham gia xây dựng MSVT, nông dân sẽ tuân thủ quy trình ghi chép nhật ký sản xuất; chuyển đổi dần việc sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân thuốc hóa học để tạo ra thanh long sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu” - ông Sơn cho biết.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 222 vùng trồng được cấp mã số. Trong đó, vùng trồng thanh long được cấp 193 MSVT, vùng trồng chuối được cấp 2 MSVT, vùng trồng dưa hấu được cấp 13 MSVT, vùng trồng xoài được cấp 5 MSVT, vùng trồng chanh được cấp 7 MSVT, vùng trồng sầu riêng được cấp 2 MSVT. Song song đó, toàn tỉnh đã cấp 144 mã số cơ sở đóng gói đối với các cơ sở đóng gói trái cây như chuối, chanh, thanh long,... để phục vụ việc xuất khẩu. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã cấp 133 mã số; các thị trường khác như Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản đã cấp 11 mã số.
Xây dựng mã số vùng trồng giúp tăng sức cạnh tranh của thanh long trên thị trường
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin, để đạt mục tiêu đề ra trong việc nhân rộng MSVT, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về MSVT, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu; tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến thiết lập, kiểm tra và giám sát, từ đó sẽ tập huấn cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ cấp và quản lý mã số.
“Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vào chuỗi sản phẩm; kiểm soát khâu xuất khẩu cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng MSVT, cơ sở đóng gói” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin thêm./.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản. Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác. Có thể xem đây là chìa khóa xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản ở cả thị trường trong nước và quốc tế”. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường |
Bùi Tùng