Tiếng Việt | English

03/05/2024 - 07:32

Hồ Minh Phương - Tác giả đồng bưng

Tác giả Hồ Minh Phương

Con sóng nhẹ chồm lên hôn cánh hoa

Làm lắc lay mạn xuồng

Cánh hoa trăng trắng, xinh xinh

tỏa ngời đồng bưng

Mùa nước lên anh đứng đây bên xuồng.

Xin mượn 4 câu văn theo điệu Lưu Thủy Hành Vân trong bài ca Bông súng đồng bưng để giới thiệu về tác giả Hồ Minh Phương - người được giới sáng tác, nghệ sĩ cải lương và công chúng gần xa gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến - tác giả đồng bưng.

Cùng trăn trở, suy tư với quê mình qua các sáng tác

Tác giả Hồ Minh Phương sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Nơi đây là xứ sở của đồng bưng, là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và từng là căn cứ kháng chiến của quân và dân Long An. Trải qua 2 cuộc kháng chiến ác liệt, Đức Huệ là vùng “vành đai trắng”, có thể nói xứ này là xứ nghèo nhất tỉnh Long An ngày xưa. Hòa bình lập lại, Nhân dân khắp nơi về đây chung tay xây dựng quê hương. Nhưng cũng có nhiều người rời bỏ đất cằn Đức Huệ, tìm đến những miền đất hứa. Riêng tác giả Hồ Minh Phương vẫn gắn bó với vùng đất bưng biền để cùng trăn trở, suy tư và chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của xứ đồng bưng sạm nắng, mà giờ đây xóm làng đã trù phú, người dân ấm no. Tình yêu quê hương ấy cứ lớn dần trong anh theo ngày tháng. Để rồi, năm 1990, anh đã có tác phẩm đầu tay - bài Bông súng đồng bưng khi vừa tuổi 18. Bài hát như sự trả ơn với quê hương. Nói khác đi, anh muốn mượn bài ca để ca ngợi quê hương mình, mong mọi người nhớ đến và yêu thương hơn xứ đồng bưng Đức Huệ. Ngay từ lúc ra đời, bài ca này được công chúng đón nhận, trong đó có giới văn nghệ sĩ địa phương và bè bạn gần xa. Sau đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An và các tỉnh, thành phố bạn thu thanh, phát sóng phục vụ công chúng.

Vì yêu quê hương nên bài ca nào của tác giả Hồ Minh Phương cũng gắn với mảnh đất này. Cả hệ sinh thái như bông súng, bông trang, bông tràm, bông trâm, dây tơ hồng, dây bòng bong, năn, lác, bàng, mốp xanh, chuối nước hay những cánh đồng bưng, kênh, rạch, rọc Bàu Co, trấp Rùng Rình, giồng Ông Lức, giồng Ông Bạn,... đều đi vào bài ca rất đỗi chân quê, thân thương, gần gũi và lãng mạn, nên thơ. Như bài Dây bòng bong có đoạn “… Dây bòng bong không trồng mà mọc, em có chồng mà tình vẫn như không. Người khen em đẹp nết, đẹp lòng. Xe mối duyên hồng trong ngày hôn lễ…” cũng là tâm sự của phù dâu trong ngày cưới. Hay như bài ca Chuyện lòng bên con rọc có đoạn “… Bàu Co anh mới qua nơi này. Giữa đường gặp gỡ nhau làm chi, cho vấn vương lòng anh. Này, này anh ơi anh về đâu sao ngẩn ngơ nhìn. Đường qua Chân Tóc hay anh về quê Mây Dóc…” là câu chuyện tỏ tình của đôi nam nữ nhưng thật sự là anh muốn khắc họa về quê mình.

Trong bài ca Tiếng chày đêm, anh khắc họa chân dung người mẹ bưng biền. Ngoài chuyện hy sinh bản thân mình cho non nước, người mẹ còn là hậu phương vững chắc cho chồng con vững tin vào cuộc chiến. Bài hát có đoạn: “Gởi yêu thương vào từng bó bàng, vun đệm, từng chiếc nóp quê nghèo thấm đượm tình quê. Mẹ dõi theo tin chiến thắng vọng về, ngày ấy anh đi giữa mùa hoa bàng nở rộ. Chiến thắng Quéo Ba, cũng là ngày anh không trở lại, để canh chày nức nở dưới trời khuya”.

Nhưng chiến tranh rồi cũng đi qua, người người về đây xây tổ ấm. Nhưng cái thuở ban đầu xây hạnh phúc có dễ dàng gì. Bởi quê nghèo còn nước đọng phèn chua nên tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ chỉ là căn nhà được lợp bằng cọng bàng, đêm ngủ bằng đệm bàng hoặc bằng nóp. Từ ý tưởng này, anh sáng tác bài Hoa bàng nở giữa đồng bưng, có đoạn “... Ầu ơ... Trắng da vì bởi mẹ cưng. Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng. Nhổ bàng đương đệm cho ai. Nhổ bàng đương đệm... nuôi hai đứa mình...”.

Ca ngợi miền biên giới biên cương với tình người sâu nặng

Và dĩ nhiên, xứ đồng bưng của anh cũng là miền biên giới. Vì vậy, anh cũng có nhiều sáng tác ca ngợi dải đất biên cương với tình người sâu nặng. Đặc biệt, tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia được anh thể hiện qua bài ca Hương tràm biên giới: “Trận chiến hôm nay anh lại lên đường. Viết tiếp những chiến công trên miền biên giới, cho đất mẹ anh hùng rạng rỡ những mùa xuân. Cho em đẹp rạng ngời “nét đẹp vùng biên” đêm biên giới thắm tình hòa bình hữu nghị”. Tác giả Hồ Minh Phương cho biết: Huyện Đức Huệ phối hợp huyện ChanhTria, tỉnh Svay Rieng, nước bạn Campuchia, cứ 2 năm tổ chức cuộc thi “Nét đẹp vùng biên” cho phụ nữ nhằm giao lưu nhân ngày lễ, kỷ niệm hoặc tết của hai dân tộc.

Khi hỏi về phong cách viết và các tác phẩm tâm đắc, tác giả Hồ Minh Phương nói “viết bài vọng cổ chưa nhiều, chỉ vài mươi bài”. Tuy vậy, đa số các bài ca của anh đều được các đài: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, Đài Truyền hình Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thu thanh, phát sóng. Nội dung các bài ca của anh không chỉ khắc họa về quê hương mà còn là câu chuyện có thật ở xứ đồng bưng. Còn về phong cách, anh viết theo lối ngôn ngữ bình dân, thôn dã, trữ tình, đối đáp, vui tươi. Và mỗi bài ca đơn như một bài tự sự của tác giả đối với một chuyện tình yêu nào đó được góp nhặt đưa vào tác phẩm.

Nói về tác giả đồng bưng Hồ Minh Phương, soạn giả Diệp Vàm Cỏ cho rằng “là một tác giả trẻ. Ca từ trong bài hát của anh - một người rặt trai quê nhưng lại trau chuốt kỹ lưỡng, nhiều câu ca có tính văn học cao. Tác giả Hồ Minh Phương cũng biết khá rành về bài bản cải lương, điệu lý để mỗi bài ca thêm phần phong phú, hấp dẫn, nghe qua ai cũng thích, từ những bài bản lớn như Văn thiên tường, Phụng hoàng, Nam ai đến Sương chiều, Tú anh, Xang xừ líu, Nặng tình xưa và những điệu lý đang thông dụng hiện nay”.

Qua các bài hát của Hồ Minh Phương, người nghe hiểu thêm về vùng đất Đức Huệ - một địa phương vừa là đồng bưng, vừa là vùng căn cứ kháng chiến cũ, cũng là vùng biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia. Từ những năm gian khổ khi mùa lũ về, vậy mà ở đây có biết bao nhiêu câu chuyện đẹp về tình người, tình xứ sở và đất nước thân yêu. Các bài ca của tác giả Hồ Minh Phương đã mang đến cho người nghe cảm nhận rất thú vị, nhất là những thay đổi diệu kỳ của xứ này, khiến nhiều người phải thốt lên “đúng là tác giả đồng bưng”./.

Việt Sơn

Chia sẻ bài viết