Tiếng Việt | English

29/09/2021 - 08:59

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Các cấp, các ngành đang triển khai, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống. Trong đó, DN hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng,... Đến nay, tại Long An, dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.

Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ DN từ cấp trên được địa phương cụ thể hóa, nhanh chóng thực hiện, góp phần hỗ trợ tích cực cho DN như Nghị quyết 68/NQ-CP về gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân, DN với quy mô 26.000 tỉ đồng; Nghị định 52/2021/NĐ-CP hướng dẫn về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; ngân hàng hỗ trợ cho vay, cho chậm đóng lãi, không phạt chậm nộp;...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải thăm, khảo sát doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Tân Kim (huyện Cần Giuộc)

Theo đại diện Công ty (Cty) TNHH Giống cây trồng Thuận Thành (huyện Đức Hòa), dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của Cty. Những chủ trương, chính sách từ các cấp có ý nghĩa đặc biệt, góp phần chia sẻ khó khăn với Cty. Vừa qua, Nghị quyết 68 đã hỗ trợ 26 lao động (LĐ) của Cty với mức 3.710.000 đồng/người. Bên cạnh đó, các khoản vay đến thời hạn trả lãi cũng được ngân hàng cho chậm nộp và không bị phạt,... Chính sự hỗ trợ này đã giúp Cty giảm bớt khó khăn.

Tương tự, Giám đốc Tài vụ Cty TNHH Nguyên Khôi Toàn Lộc (huyện Bến Lức) - SuJhiHan cho biết: Cty phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Ngay lúc này, những chính sách hỗ trợ từ cấp chính quyền: Thuế; gói hỗ trợ, cho vay từ ngân hàng;... có ý nghĩa đặc biệt, vừa kịp thời chia sẻ khó khăn, vừa thể hiện quan điểm luôn đồng hành với DN, vừa ủng hộ, động viên, tiếp thêm động lực để DN vượt khó. Cty kiến nghị khi chủ trương, chính sách được ban hành, các cấp lãnh đạo cần có sự chỉ đạo, giải pháp tổ chức triển khai rộng rãi và hiệu quả nhất. Cty đầu tư 2 dự án với tổng số vốn 20 triệu USD, trong điều kiện bình thường có khoảng 800 LĐ làm việc. Hy vọng tình hình dịch bệnh sớm kiểm soát để Cty trở lại hoạt động.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An - Đào Văn Nghiệp thông tin: Ngân hàng chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Chính phủ, NHNN đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong triển khai, thực hiện; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các hội, hiệp hội trên địa bàn.

Đồng thời, chúng tôi thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn gắn với tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19; tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri (cùng đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Long An), đối thoại DN (do UBND tỉnh tổ chức). Qua đó, lắng nghe, ghi nhận, giải trình ý kiến của cử tri, DN đầy đủ, kịp thời; chủ động xử lý các vấn đề liên quan về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo NHNN, UBND tỉnh.

Về tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, năm 2020: 81.958 tỉ đồng, tăng 17,41% so với cuối năm 2019 (định hướng của NHNN năm 2020 tăng 14%); nợ xấu chiếm 0,57% tổng dư nợ. Đến cuối tháng 8-2021 tổng dư nợ: 92.725 tỉ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2020 (định hướng của NHNN năm 2021 tăng 12%); nợ xấu chiếm 0,61% tổng dư nợ.

Ngân hàng chủ động tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 8-2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch: 26.500 tỉ đồng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của TCTD là 205 tỉ đồng với 1.160 khách hàng. Cho vay mới: 26.763 tỉ đồng; dư nợ 7.034 tỉ đồng với 4.566 khách hàng.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đến cuối tháng 8/2021, số tiền lãi đã giảm cho khách hàng trên 83 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2021, số lãi ước giảm cho khách hàng khoảng 263 tỉ đồng. Hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục rà soát hồ sơ, giảm lãi suất cho khách hàng vay theo đúng quy định.

Phục hồi theo chuỗi liên kết

Thông tin từ UBND tỉnh, bên cạnh triển khai nhanh chóng các chủ trương, chính sách hỗ trợ từ cấp trên, tỉnh tổ chức phương án “3 tại chỗ”, ưu tiên và tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân, LĐ,... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh ban hành Kế hoạch 2962/KH-UBND về việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn.

Ngân hàng cho vay hỗ trợ, cho chậm đóng lãi, không phạt chậm nộp,... chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh họa)

Cộng đồng DN đánh giá, chính quyền tỉnh Long An cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh là một tín hiệu tích cực, khả quan. Mặc dù vậy, nếu chỉ có mỗi Long An mở cửa thì chưa thể phục hồi sản xuất, kinh doanh mà cần phải có sự liên kết hoạt động theo chuỗi. Từ đó, cộng đồng DN mong muốn một cơ chế, chính sách chung để phục hồi kinh tế.Địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM cần có tiếng nói chung, có sự kết nối, đồng bộ mới tạo nên đòn bẩy thật sự để phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group, Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN Đồng bằng sông Cửu Long - Võ Quốc Thắng, nếu cứ đóng cửa mãi thì chắc chắn DN sẽ rất khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều DN bị dừng hoạt động, “chết lâm sàng”, KT-XH sẽ tụt giảm sâu và mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Vì vậy, thời điểm này, rất cần những chủ trương, chính sách kịp thời, mục tiêu rõ ràng, quy định tiêu chí cụ thể, nhằm định hướng và kích thích DN tham gia xây dựng kế hoạch tái sản xuất. Cần có chính sách vận hành lại toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề, hướng đến phục hồi toàn diện nền kinh tế. Chính sách tái sản xuất cần hài hòa và quan trọng phải có tính kích thích sự vận hành đồng bộ của cả nền kinh tế, không phân biệt lĩnh vực, ngành nghề.

Trong quá trình vận hành cần sẵn sàng đối mặt với thách thức, đồng thời bảo đảm các tiêu chí về an toàn dịch bệnh. Điều này cần sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền, DN và cả người LĐ trong việc ban hành các tiêu chí phòng, chống dịch, cam kết thực hiện với phương châm “DN tái sản xuất và chống dịch an toàn, hiệu quả”, “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Bên cạnh đó, địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các giải pháp an toàn như xây dựng Bản đồ Covid toàn quốc phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương giữa các địa phương cả nước trong điều kiện mới; các chính sách di chuyển giữa các “vùng xanh - vàng - đỏ” trong một địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác cần rõ ràng và đồng bộ; nhanh chóng triển khai, thực hiện đồng bộ chính quyền điện tử tại các địa phương;...

Tương tự, Giám đốc Cty Hòa Thành Long An - Võ Thanh Tú cho rằng: Việc sản xuất, kinh doanh cần phải có một chuỗi kết nối với nhau, từ nguồn nguyên vật liệu, vận hành, phụ tùng, vận tải,... Vì vậy, việc mở cửa của tỉnh rất tích cực nhưng chưa đủ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đề xuất địa phương cần xem xét, phối hợp tỉnh, thành trong khu vực tìm giải pháp cụ thể, thống nhất, có chính sách chung, đồng bộ, xây dựng chuỗi liên kết để vực dậy kinh tế./.

Long An xác định quan điểm rất rõ là tự thân không thể phát triển được mà phải có sự liên kết của vùng, đặc biệt là TP.HCM. Nếu TP.HCM chưa kiểm soát được dịch, kinh tế chưa phục hồi thì Long An cũng rất khó trong quá trình phát triển kinh tế của mình. Do đó trước mắt, Long An mới chỉ có chính sách để phục hồi, tháo gỡ khó khăn bước đầu trong sản xuất, kinh doanh cho DN. Tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh.

Trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 10/2021, sẽ tập trung khắc phục những khó khăn do dịch bệnh; định hướng những nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt. Giai đoạn 2 bắt đầu từ đầu tháng 11/2021, dự kiến toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc-xin từ đủ 14 ngày và cơ bản đáp ứng các điều kiện của trạng thái “bình thường mới”, tỉnh sẽ mở ra các khung để phát triển kinh tế mạnh hơn, các hoạt động còn khống chế trước đó sẽ dần được tháo gỡ. Trong quá trình thực hiện, Long An xác định phải gắn với sự phát triển chung của khu vực và TP.HCM.

Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay, UBND tỉnh thành lập 10 đoàn công tác do trực tiếp lãnh đạo các sở, ngành đến các khu, cụm công nghiệp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Ngoài các đoàn công tác thì có 1 tổ do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì để tháo gỡ chung cho DN, nếu các đoàn công tác không giải quyết được thì chúng tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo. Hiện các đoàn này đến thẩm định lại các phương án hoạt động mà DN đã đăng ký; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đi vào hoạt động gắn với phát triển kinh tế của tỉnh”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết