Thực hiện chương trình nông thôn mới, người dân xã Hòa Phú rất tích cực hiến đất làm đường giao thông
Một thời cà phê trá hình “nở rộ”
Thời điểm năm 2007 đến 2012, nói đến xã Hòa Phú, có lẽ ai cũng biết đây là địa bàn cà phê trá hình “mọc” lên như nấm dọc Đường tỉnh 827. Đoạn qua địa bàn xã, tiếp giáp TP.Tân An chỉ dài 500m nhưng có hơn 20 quán cà phê ôm, đèn mờ, kích dục cho khách,...
Hồi đó, cứ mỗi lần khi màn đêm buông xuống, những quán cà phê trá hình chớp chớp đèn nháy lại trở nên nhộn nhịp khi có nhiều thanh niên ăn chơi, đua đòi đến tìm “của lạ”. Không những vậy, có nhiều thanh niên vô tình qua đây không biết cà phê trá hình nên dừng lại hỏi đường đi thì ngay tức khắc, bị các em ăn mặc hở trên, hở dưới chạy ra níu kéo, mời chào vào trong thử... cho biết. Nếu thanh niên nào “bỏ của chạy lấy người” thì lập tức nhận được những câu chửi tục tĩu của các em vừa mới có những câu chào mời “ngọt lịm”.
Không chỉ tệ nạn cà phê kích dục, thời gian đó, ở địa bàn xã cũng xảy ra những vụ việc đánh bạc, đá gà. Những tệ nạn này làm mất đi sự bình yên của một vùng quê vốn yên bình. Theo chị Nguyễn Thị Dương, ngụ ấp 2, thời “nở rộ” các quán cà phê trá hình thì chuyện la lối um xùm, đánh nhau xảy ra thường xuyên. Tình trạng này làm người dân ở địa phương rất bức xúc. Đối với những người có con đang tuổi học sinh lại càng lo lắng gấp bội vì sợ con em mình bị lây nhiễm thói hư, tật xấu. Nhiều phụ huynh cũng đề nghị chính quyền giải tán các quán cà phê trá hình.
Trong một thời gian nổi lên là “điểm đen” tệ nạn xã hội, ai cũng thấy, cũng biết nhưng vẫn không thể giải tán được. Cứ mỗi lần chính quyền ra quân dẹp tệ nạn thì chỉ ổn định vài ba hôm rồi sau đó, đâu lại vào đấy! Hơn nữa, việc giải quyết tệ nạn xã hội trong những năm ấy cũng không được bài bản, kế hoạch và cũng không được quan tâm mặn mà, quyết liệt nên hiệu quả không cao.
Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn xa... Nói đến Hòa Phú là người ta lại nói về chuyện tệ nạn cà phê ôm, kích dục; nói đến cung đường 827 qua địa bàn xã, người ta lại gọi là cung đường nhiều cạm bẫy và cám dỗ. Nhưng cũng từ tiếng đồn ấy, những người đứng đầu xã Hòa Phú trăn trở, suy nghĩ và quyết tâm phải chấm dứt tình trạng này.
Tuyến đường bêtông qua ấp 3, ấp 4 được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ảnh: Thùy Hương
Thành quả từ quyết tâm
Thế rồi, quyết tâm phải chuyển biến bằng việc làm thiết thực được Đảng ủy, UBND xã đề ra. Cuối năm 2012, Đảng ủy xã triển khai Nghị quyết chuyên đề xây dựng mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp để xóa tệ nạn xã hội và chuyển hóa địa bàn”.
Nhớ lại chuyện cũ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết, trong những mục tiêu cụ thể đặt ra yêu cầu, với cán bộ xã không có năng lực, bỏ bê, thờ ơ với nhiệm vụ thì được thay thế. Mục tiêu quyết tâm phấn đấu, quí I giảm 30% tất cả tệ nạn xã hội, 6 tháng xóa sổ 70% quán cà phê đèn mờ, tiếp viên ăn mặc hở hang câu khách; cuối năm, giải quyết dứt điểm các quán, tụ điểm đá gà, thanh, thiếu niên tụ tập ban đêm gây rối.
“Có những lúc, chúng tôi phải bàn bạc mấy ngày liền tại hội trường để lắng nghe ý kiến từ ấp đến ngành, đoàn thể. Khi mọi chuyện được thông suốt thì chúng tôi cũng thống nhất làm và làm” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Hòn nhớ lại.
Quyết tâm đã có nhưng khi bắt tay vào “dẹp” thì quả là không dễ! Cái khó nhất là chủ các quán cà phê từ nơi khác đến thuê đất thời gian 1-2 năm. Khi chính quyền bắt quả tang vi phạm, lập biên bản xử lý thì chủ này lại sang cho chủ khác tiếp tục hành nghề. Để giải quyết tận gốc, xã tiến hành khảo sát và lên danh sách các chủ đất. Từ đây, đoàn thể, người lớn tuổi, phụ nữ,... đều đến nhà gặp gỡ, vận động chủ đất “nói không” với các em chân dài đến thuê đất làm ăn bằng “vốn tự có”.
Ban đầu gặp không ít khó khăn vì một số hộ mất nguồn thu, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm đất”, cuối cùng, họ cũng hiểu được phải có trách nhiệm xây dựng làng, xã văn minh, sạch đẹp; phòng, chống tệ nạn xã hội và đặc biệt, không vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng xấu đến con em ở địa phương. Thế rồi, 100% gia đình có đất trong khu vực này ký bản cam kết bài trừ việc kinh doanh cà phê trá hình.
Từ sự quyết tâm và có kế hoạch cụ thể, chính quyền địa phương dẹp được toàn bộ quán cà phê trá hình trên trục đường 827 qua địa bàn. Kết quả này được người dân hoan nghênh, đánh giá cao.
Giờ đây, về xã Hòa Phú sẽ thấy bộ mặt quê hương đổi mới, chuyện cà phê trá hình một thời chỉ là quá khứ, thỉnh thoảng chỉ được nhắc lại khi có ai hỏi về việc xã quyết tâm đẩy lùi tệ nạn xã hội. Ngược lại, chúng tôi nghe được rất nhiều chuyện mới tốt đẹp. Hòa Phú hiện nổi tiếng ở khía cạnh khác, đó là chuyện điển hình trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và hiến đất làm đường, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Liên tục 3 năm liền, Hòa Phú đều kéo giảm tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội bị “xử” dứt điểm; phong trào nhân dân tham gia vây bắt, truy bắt, tố giác tội phạm ngày càng phát huy, các tuyến đường chính được lắp đặt camera an ninh,... Năm 2014, Hòa Phú được UBND tỉnh tặng cờ thi đua; năm 2015, 2016, được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc. Hòa Phú được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2014 và đang xây dựng về đích xã nông thôn kiểu mẫu vào năm 2020. Đảng ủy xã 3 năm liền đạt trong sạch, vững mạnh xuất sắc.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ ấp 1 cho biết, từ năm 2013 đến giờ, tình hình an ninh, trật tự ở xã ổn định, người dân rất phấn khởi và yên tâm. Theo Công an xã Hòa Phú, là địa bàn giáp ranh TP.Tân An và xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nên lực lượng thực hiện rất tốt công tác phối hợp trong giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm.
Đại tá Phạm Văn Hùng - Trưởng Công an huyện Châu Thành cho rằng, để Hòa Phú đạt những kết quả như hôm nay là nhờ có sự tập trung quyết liệt của địa phương. Hiện nay, Hòa Phú là đơn vị lá cờ đầu trong phong trào phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đây là sự quyết tâm của lãnh đạo xã có sự đồng thuận của người dân./.
Vũ Quang