Hiện nay, học nghề là lựa chọn phù hợp cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Cách đây 10 năm, khi đang học lớp 11, anh Võ Văn Được, ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, quyết định nghỉ học để chuyển sang học nghề. Bởi anh nhận thấy sức học của bản thân yếu, không có cơ hội đậu đại học; hơn nữa, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm cũng khó khăn.
Sau khi thuyết phục được gia đình, anh Được đăng ký học trung cấp nghề Điện lạnh tại Trường Cao đẳng Nghề Long An (nay Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính). Với chi phí học tập thấp cùng sự siêng năng học tập, anh Được nhận được nhiều suất học bổng và tìm được việc làm ở một công ty (Cty) tại TP.HCM ngay sau khi tốt nghiệp, với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Anh Võ Văn Được (bìa phải) trao đổi với khách hàng
Anh Được trải lòng: “Năm 2011, mức lương của tôi 8 triệu đồng/tháng là rất cao. Song, tôi xác định mục đích làm việc ở Cty là lấy kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề và tích lũy vốn để tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, năm 2015, tôi trở về Long An vừa làm việc ở một Cty, vừa nhận sửa chữa máy lạnh, máy giặt. Sau một thời gian, tôi chuyển sang làm bảo trì tại một số Cty lớn, Điện máy Xanh,... Còn giờ đây, tôi đã mở được Cửa hàng điện lạnh Thành Được tại phường 5, TP.Tân An với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng”.
Không chỉ khẳng định lựa chọn hướng đi đúng trên con đường lập thân, lập nghiệp, anh Được còn truyền ngọn lửa đam mê học nghề cho nhiều lao động nông thôn. Anh Được vừa tạo điều kiện cho nhiều thanh niên nông thôn học nghề miễn phí, vừa hỗ trợ tiền trọ, chi phí ăn uống trong suốt quá trình học. Anh Lê Quốc Thắng, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, bộc bạch: “Vì gia đình nghèo, tôi nghỉ học từ năm lớp 8 để đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi mơ ước học được cái nghề, có việc làm ổn định nhưng không có tiền. May mắn, tôi được anh Được cho học nghề miễn phí, hỗ trợ nhà trọ và tiền ăn, uống. Chỉ sau 1 năm tiếp cận thực tế, tôi sửa được nhiều thiết bị như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,... Khi tay nghề cứng, tôi được trả lương. Giờ đây, mơ ước học được cái nghề đã thành sự thật, tôi vui và biết ơn anh Được nhiều lắm!”.
Anh Võ Văn Được (giữa) không chỉ thành công trên con đường học nghề mà còn dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Ảnh: Lê Ngọc
Thấy anh Được thành công trên con đường học nghề, họ hàng của anh cũng mạnh dạn cho con em chuyển sang học nghề thay vì cố gắng vào đại học. Và sau khi học nghề, những người này đều có việc làm ổn định, thậm chí có một số người còn tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này khẳng định, xã hội đã có cái nhìn tích cực về học nghề, dần thay đổi quan niệm “trọng thầy hơn thợ”.
Đường ngắn, tương lai rộng mở
“Thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng, tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình. Sau 3 năm đi làm, thu nhập như vậy là ổn rồi. Vì vậy, nếu chọn lại, tôi vẫn chọn học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS” - anh Nguyễn Minh Hoàng, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, khẳng định.
Năm 2012, anh Hoàng học nghề Điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc (nay Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Cần Giuộc). Trước khi đăng ký học nghề, anh tự tìm hiểu các ngành nghề thị trường cần, mức lương và xác định học nghề là hướng đi đúng. Bởi học nghề, sau khi ra trường có việc làm ngay, các doanh nghiệp đều cần công nhân có tay nghề, rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Anh Nguyễn Minh Hoàng đã mạnh dạn chuyển sang học nghề. Nhờ vậy, anh có việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc
Anh Hoàng cho biết: “Gia đình có hai anh em, trong đó anh Nguyễn Minh Luân tốt nghiệp THPT sang học trung cấp nghề Cắt gọt kim loại nhưng phải mất 5 năm. Để không tốn nhiều thời gian và chi phí, sau khi học hết lớp 10, tôi đăng ký học trung cấp nghề, hệ 3 năm. Khi ra trường, tôi cũng có bằng trung cấp nghề và chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT”.
Anh Nguyễn Minh Luân (anh trai anh Hoàng) cho biết: “Mặc dù chỉ học nghề nhưng 2 anh em tôi có điều kiện lo cho gia đình, không thua kém các bạn học cao đẳng, đại học. Vì vậy, tôi khuyên các bạn trẻ hãy mạnh dạn học nghề khi vừa tốt nghiệp THCS; đồng thời, gia đình cũng nên định hướng rõ ràng, không nên quá xem trọng bằng cấp, gây áp lực cho con em”.
Ngày nay, việc không học tiếp THPT và vào đại học không còn quá nghiêm trọng bởi thực tế có nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn chưa tìm được việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên học nghề đã thành đạt. Điều này khẳng định, học nghề là một trong những hướng đi phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Hiện nay, trường liên kết với hơn 100 doanh nghiệp đưa học sinh đi thực tập và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong đó, trường liên kết cùng một số doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy và tham gia chấm điểm các môn học thay vì chỉ nhận học sinh, sinh viên thực tập như trước đây. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 95%”.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng
Năm 2009, sau khi ra trường, tôi được giới thiệu vào làm việc tại Công ty Cổ phần Dây cáp điện Thịnh Phát (huyện Bến Lức) và gắn bó cho đến nay. Trong quá trình làm việc, tôi tranh thủ thời gian học liên thông đại học. Nhìn lại 10 năm làm việc và học tập, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ với cuộc sống hôm nay bởi có được công việc ổn định, thu nhập bình quân 22 triệu đồng/tháng, nhất là có được một gia đình hạnh phúc”.
Anh Nguyễn Văn Toàn (cựu học sinh Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính)
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần công nhân có tay nghề. Với những lợi ích của học nghề, tôi định hướng cho con trai tốt nghiệp THCS thì chuyển sang học nghề. Sau khi ra trường, tôi sẽ cho con đi làm việc cho doanh nghiệp một thời gian lấy kinh nghiệm rồi về nhà mở cơ sở kinh doanh để có điều kiện chăm sóc gia đình”.
Bà Lưu Kim Hoa, ngụ xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường
|
Lê Ngọc