Tiếng Việt | English

15/09/2020 - 18:25

Học nghề sáng cả tương lai

Thay vì học đại học, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS, THPT mạnh dạn “bẻ lái” sang học nghề. Và lựa chọn này giúp các bạn gặt hái được nhiều thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Anh Lê Minh Tở thành công trên con đường học nghề

Anh Lê Minh Tở thành công trên con đường học nghề

1. Năm 2004, anh Lê Minh Tở, ngụ xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chọn học nghề cơ khí chế tạo máy tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (nay Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa). Trong quá trình học nghề, anh Tở luôn siêng năng học tập, nhất là chủ động xin đi làm thêm ở các cơ sở tư nhân để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm. Nhờ vậy, ngay khi ra trường, anh đã tìm được công việc phù hợp chuyên môn đào tạo, với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng ở một công ty nước ngoài. Tại đây, anh Tở một lần nữa khẳng định được tay nghề của mình như chế tạo, cải tiến các thiết bị giúp công ty giảm chi phí sản xuất; đồng thời phát huy được vai trò lãnh đạo. Vì thế, sau một thời gian không lâu, Ban Giám đốc công ty đưa anh lên làm quản lý.

Làm việc được 10 năm, anh Tở quyết định nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Anh Tở chia sẻ: “Dù mức lương cao nhưng mình chỉ đi làm thuê, không đóng góp được nhiều cho quê hương. Vì vậy, tôi quyết định về quê lập nghiệp. Do mới về quê nên chưa có mối quan hệ, chưa khẳng định được uy tín nên tôi vừa làm việc ở một công ty gần nhà, vừa mở 2 cơ sở cửa sắt ở Long An và TP.HCM, chuyên nhận thiết kế, thi công, làm cửa sắt, cửa cuốn, cửa kéo, nhà xưởng, nhà tiền chế,... góp phần giải quyết việc làm cho 3 lao động, với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Dự kiến khi khẳng định được uy tín, tôi tiếp tục mở rộng quy mô của cơ sở để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của quê hương mình”.

“Bây giờ, tất cả công ty đều chọn lao động có tay nghề. Do đó, học nghề chắc chắn ra trường sẽ có việc làm ổn định. Cụ thể, những bạn học lớp cơ khí chế tạo CK-06 cùng với tôi đều thành tài, có sự nghiệp ổn định, nhiều bạn còn làm giám đốc, chủ doanh nghiệp lớn” - anh Tở chia sẻ thêm.

2. Hiểu được bản thân cần gì và sức học như thế nào, anh Nguyễn Thanh Lộc, ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, quyết định nghỉ học lớp 11, chuyển sang học nghề sửa chữa thiết bị may và điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (nay Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa) trước sự phản đối quyết liệt của gia đình. Anh Lộc chia sẻ: “Cha mẹ muốn tôi học hết phổ thông mới sang học nghề. Thế nhưng, tôi phân tích cho cha mẹ rằng học hết THPT sang học trung cấp nghề mất thời gian 5 năm, còn học hết lớp 10 sang học nghề chỉ mất 3 năm, cơ hội việc làm rất cao; đồng thời, học lực của bản thân cũng không tốt. Trước sự phân tích hợp tình, hợp lý trên, cha mẹ đã đồng ý cho tôi chuyển sang học nghề”.

Để khẳng định lựa chọn của mình là đúng trên con đường lập thân, lập nghiệp, anh Lộc không ngừng trau dồi kiến thức trong quá trình học và tham gia thực tập tại các công ty, doanh nghiệp. Nhờ vậy, tay nghề của anh rất cứng, được các công ty, doanh nghiệp trả lương khi thực tập và mời về làm việc trước khi được cấp bằng trung cấp nghề.

Hơn 7 năm nhìn lại con đường mình đã chọn, anh Lộc cảm thấy mình chọn con đường tương lai rất tốt, phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội. Giờ đây, anh Lộc làm việc tại một công ty gần nhà, công việc là bảo trì thiết bị may. Cũng tại công ty này, anh đã quen chị Nguyễn Thị Sương và nên duyên vợ chồng. Có được công việc ổn định, có điều kiện chăm sóc gia đình 3 thế hệ, đối với anh Lộc bấy nhiêu thôi là hạnh phúc. Có thể thấy, mạnh dạn bước trên con đường đã chọn, anh Lộc khẳng định được mình và gặt hái nhiều thành công.

Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” đã không còn phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này càng khẳng định học nghề là con đường rất ngắn để đi đến thành công. Và trường hợp của anh Tở, anh Lộc là minh chứng của hiệu quả đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết