Tiếng Việt | English

04/05/2017 - 18:38

Học nghề và những lợi ích

Theo nhu cầu thị trường lao động, các doanh nghiệp đang rất cần công nhân, kỹ thuật có tay nghề. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn định kiến "trọng thầy hơn thợ". Để góp phần thay đổi định kiến ấy, các trường nghề đã và đang tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức, đồng thời chứng minh bằng chất lượng đào tạo, bảo đảm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, giúp người học mạnh dạn đăng ký học nghề.

Tất bật công tác tuyển sinh

Hiện nay, các trường nghề đang tập trung công tác tuyển sinh để thu hút học sinh (HS) học nghề. Trong đó, từ tháng 3 đến nay, các trường nghề đến trực tiếp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nhằm tư vấn và thu hút HS học nghề. Tại các buổi tư vấn, HS được phổ biến về những lợi ích của học nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu thị trường lao động hiện nay, các ngành nghề xã hội đang cần, điều kiện học tập và thực hành, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp,... Nhờ vậy, HS được tiếp cận với các ngành nghề mới và có định hướng phù hợp cho tương lai.

 Giáo viên hướng dẫn cụ thể cho những học sinh chưa nắm rõ

Năm 2017, Trường Cao đẳng Nghề Long An tuyển sinh 900 chỉ tiêu, gồm hệ cao đẳng và trung cấp. Trường tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại các trường THCS, THPT, phân tích để phụ huynh và học sinh thấy được những lợi ích khi chọn học nghề. Ngoài tư vấn, tuyển sinh, Trường Cao đẳng Nghề Long An mạnh dạn bỏ những ngành nghề đào tạo không còn phù hợp và bổ sung thêm các ngành nghề mới, giúp người học có thêm sự lựa chọn theo nhu cầu, sở thích. Trong đó, các ngành nghề mới được trường bổ sung đào tạo gồm: May thời trang, thiết kế thời trang, sửa chữa thiết bị may,...

Tạo mọi điều kiện để học sinh thực hành

Học nghề, HS không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn được thực hành. Đặc biệt, HS còn có cơ hội thực hành tại các doanh nghiệp để nâng cao tay nghề, làm quen với những trang thiết bị mới, môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, sau mỗi tiết dạy lý thuyết, HS được thực hành ngay. Theo đó, giáo viên hướng dẫn cụ thể cho từng HS, giúp các em nắm vững thực hành sau khi kết thúc nội dung kiến thức. Bên cạnh những trang thiết bị sẵn có, trường còn đầu tư chế tạo các mô hình phục vụ giảng dạy và cho HS thực hành; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HS thực hành tại các doanh nghiệp để tiếp cận máy móc hiện đại, nâng cao tay nghề và có thu nhập hàng ngày. "Hiện, trường thiết lập mối quan hệ với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho HS được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp theo ngành nghề đào tạo.

Học sinh tăng cường thực hành để rèn luyện tay nghề

Ngoài ra, với mục tiêu "dạy thực hành gắn với làm ra sản phẩm", trường cũng tạo điều kiện cho HS thực hành và làm ra các sản phẩm thực tế; nhận phôi nguyên liệu của các doanh nghiệp cho HS gia công để rèn luyện tay nghề. Đồng thời, trường còn có một gara với sự điều hành và làm việc trực tiếp của giáo viên và HS" - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Đào Văn Hon chia sẻ.

Cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp

Không chỉ được tạo điều kiện trong học tập và thực hành, một số trường nghề còn cam kết 100% HS tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. "Trong quá trình tư vấn, trường phân tích rõ cho HS và phụ huynh HS hiểu về nhu cầu nguồn nhân lực của Việt Nam và các nước hiện nay, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp nghề và minh chứng bằng những số liệu giới thiệu việc làm hàng năm" - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long An - Phạm Văn Thịnh cho biết.

Còn riêng với Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, trước ngày HS tốt nghiệp, trường tổ chức ngày hội việc làm. Theo đó, các doanh nghiệp phỏng vấn và tuyển dụng trực tiếp. Riêng số HS chưa chọn được việc làm phù hợp, trường tiếp tục giới thiệu việc làm cho các em. Ngoài ra, trường còn phối hợp một số công ty thuộc lĩnh vực xuất khẩu lao động để tư vấn, định hướng cho HS tiếp cận thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt là thị trường lao động Nhật Bản. Bên cạnh bảo đảm việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp, các trường nghề còn nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt là xây dựng chương trình có sự đóng góp của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo, nêu lên những hạn chế của HS hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục. Nhờ vậy, chương trình đào tạo được sửa đổi, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Cùng với nhu cầu thị trường lao động, sự quan tâm về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, HS học nghề ngày càng có nhiều lợi thế. Hướng tới, các trường nghề tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín với xã hội bằng những minh chứng HS có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp, góp phần thay đổi định kiến "trọng thầy hơn thợ" như hiện nay./.

Học nghề - con đường "chậm mà chắc"

Học nghề - con đường "chậm mà chắc" 

Cập Nhật 21-07-2016

Sau khi tốt nghiệp THCS, thay vì học lên THPT như bao bạn bè khác, cậu học trò Lê Hoàng Nam, ở ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An quyết định học nghề mà theo Nam, con đường này “chậm mà chắc”.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết