Tiếng Việt | English

07/03/2017 - 21:06

Học sinh hào hứng với phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Thời gian qua, Trường Tiểu học Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) áp dụng tốt phương pháp “Bàn tay nặn bột” (PPBTNB) trong giảng dạy, giúp học sinh (HS) hứng thú trong học tập.

Học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Kiến Bình say mê nghiên cứu môn Khoa học

Mục tiêu của PPBTNB là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê nghiên cứu khoa học cho HS tiểu học. Ngoài ra, phương pháp này còn chú trọng đến việc hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết. Năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Kiến Bình mạnh dạn áp dụng PPBTNB vào môn Tự nhiên và Xã hội và môn Khoa học.

Được sự khuyến khích của Ban Giám hiệu, giáo viên tự tìm tòi, học hỏi. Sau thời gian áp dụng tốt PPBTNB, không chỉ giúp HS ham học hỏi, khơi gợi tính tò mò mà còn giúp tiết học thêm sinh động.

Cô Hồ Mộng Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học Kiến Bình chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định PPBTNB là lấy HS làm trung tâm của quá trình nhận thức, đồng thời, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên. Thế nên, để có thể cung cấp những kiến thức toàn diện và kỹ năng thực hành mới cho HS, đội ngũ giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ. Ngoài ra, có những tình huống bất ngờ được HS đặt câu hỏi mà giáo viên chưa trả lời được ngay hôm đó, chúng tôi hẹn lại tiết học sau tiếp tục giải đáp, có như vậy mới khơi gợi được sự sáng tạo của HS”.

Các em HS mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến, từ đó rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Em Phan Thị Kiều Oanh (HS lớp 4) cho biết: “Em rất thích môn Khoa học. Trong tiết học này, em được khám phá, trao đổi và tìm ra nhiều cái hay. Bên cạnh đó, em còn mạnh dạn đóng góp ý kiến và nêu lên cảm nghĩ của mình về một hiện tượng, sự vật đang xảy ra, thậm chí có lúc, em còn tranh luận với bạn bè để tìm ra cái đúng”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiến Bình - Lê Như Uyển cho biết thêm: “Hiện nay, toàn trường có 12 lớp với trên 300 HS. Trong đó, HS từ lớp 1 đến lớp 3 được học theo PPBTNB ở môn Tự nhiên và Xã hội; lớp 4 đến lớp 5 học ở môn Khoa học. Bên cạnh những kết quả, việc áp dụng phương pháp này còn gặp nhiều khó khăn như trường chưa có phòng học riêng dành cho việc áp dụng PPBTNB, vì vậy mất thời gian cho giáo viên và HS khi sắp xếp bàn ghế phù hợp với tiết học; các trang thiết bị, dụng cụ dạy học chủ yếu là giáo viên tự làm nên chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học,... Thời gian tới, trường tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tham mưu các cấp, các ngành đầu tư trang thiết bị để PPBTNB ngày càng phát huy hiệu quả”./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết