Tiếng Việt | English

16/09/2015 - 10:18

Hội chợ-triển lãm sách quốc tế: Bước đầu đưa sách Việt ra thế giới

Qua 5 lần tổ chức hội chợ-triển lãm sách quốc tế, ngành xuất bản Việt Nam cần có những bước chuyển đổi để tạo cơ hội đưa đầu sách Việt ra thế giới.

Ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới cho biết: mỗi lần tham gia Hội chợ-triển lãm sách quốc tế là một cơ hội tốt cho các nhà xuất bản để giao lưu với đối tác nước ngoài. Đây cũng là dịp tìm kiếm và kí kết bản quyền nguồn sách từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là những ấn phẩm phục vụ việc nghiên cứu, học ngoại ngữ, văn học cho học sinh, sinh viên.

Hội sách tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc mua bán sách, thúc đẩy văn hóa đọc

Ngoài ra, Hội chợ được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm và nâng cao văn hóa đọc. Bên cạnh đó là vấn đề giao dịch bản quyền hoặc triển lãm sách. Với hội chợ lần này, tất cả các yếu tố đã được kết hợp lại tạo nên một triển lãm sách để quảng bá văn hóa đọc, thúc đẩy văn hóa đọc, quảng bá cho các nhà xuất bản đồng thời cũng là nơi trao đổi, mua bán sách.

Việc tìm kiếm các đơn hàng, kí kết bản quyền tùy thuộc năng lực mỗi nhà sách. Nhưng có một thực tế là: sau những lần giao dịch, lượng sách nhập từ nước ngoài về, được chuyển ngữ và xuất bản nhiều hơn gấp nhiều lần lượng sách Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Độc giả quốc tế biết đến sách Việt còn quá ít, ngoài một số ấn phẩm dịch nổi tiếng như Truyện Kiều (Nguyễn Du) và một số tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh. Anh Hoàng Anh Tú, tác giả của nhiều cuốn sách về tâm lý dành cho tuổi mới lớn cho rằng: chưa thể nghĩ nhiều đến việc xuất khẩu sách khi văn hóa đọc trong nước chưa phát triển. Trách nhiệm của ngành xuất bản và cả xã hội hiện nay là phải khắc phục những hạn chế này. Với một đất nước hơn 90 triệu dân, khi văn hóa đọc đang tốt dần lên, chắc chắn chúng ta sẽ có những cuốn sách đưa ra thế giới trong một tương lai gần. Chính thị trường sẽ đòi hỏi những tác phẩm có chất lượng. Khi càng nhiều người tham gia thị trường xuất bản thì chúng ta càng có cơ hội để chọn ra sản phẩm tốt. Dù có làm gì đi nữa thì vẫn cần phải có một cái nền đủ vững chắc trước.  

Không ít đầu sách nước ngoài vào Việt Nam nhưng ngược lại sách Việt ra thế giới chưa nhiều

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thì Việt Nam đang từng bước trở thành thành viên của các Hiệp hội Xuất bản trong khu vực và quốc tế, tham gia tích cực một số hội chợ sách quốc tế. Thông điệp để sách Việt Nam ra với thế giới là mã số sách chuẩn quốc tế, đảm bảo uy tín của sách Việt cũng như phục vụ việc quản lý sách có bản quyền.

Trong 3 năm trở lại đây việc thực thi mã số sách quốc tế đã được triển khai, là điều kiện bắt buộc phải có trên tất cả các xuất bản phẩm. Mỗi một mã số sách trên một cuốn sách là một thông điệp người làm xuất bản gửi đến bạn đọc. Nếu một thời gian dài sách Việt Nam không giới thiệu ra nước ngoài thì bạn đọc quốc tế sẽ không đón nhận. Chính vì vậy qua các đợt tổ chức hội chợ sách quốc tế cũng như việc đẩy mạnh chương trình hợp tác thì Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức mã số sách quốc tế.

Sách Việt Nam muốn ra thế giới đương nhiên phải tham gia các Hội chợ sách quốc tế. Muốn vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị lượng sách có chất lượng, thực hiện chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài và thêm nữa là một chiến lược quảng bá bài bản. Điều này phụ thuộc vào sự chủ động của các đơn vị làm sách cũng như ngành xuất bản.

Bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch tổ chức Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt và thị trường xuất bản thế giới (Đức) cho rằng: Việt Nam cần giới thiệu và quảng bá thật tốt xuất bản phẩm với bạn bè trong khu vực trước khi nghĩ đến việc tham gia hội chợ sách thế giới. Khó khăn nhất là dịch bao nhiêu đầu sách, nguồn vốn đã có chưa? Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ thì việc tìm người dịch, xuất bản sách cũng mất nhiều năm. Hãy dành ít nhất 3 năm để dịch sách trước khi tính đến việc tham dự hội sách. Điều quan trọng là phải có lực lượng vững vàng là các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mới có thể tham dự hội chợ.

Qua 5 lần tổ chức Hội chợ-triển lãm sách quốc tế, chúng ta đã mở ra hai con đường hợp tác xuất bản. Một mặt tạo điều kiện cho các nhà xuất bản, công ty sách trong nước tiếp cận với các đơn vị làm sách, Hiệp hội Xuất bản ở nước ngoài, mặt khác tiếp cận với công nghệ, trao đổi bản quyền. Việc quảng bá sách Việt Nam từ các hội chợ trong nước cho đến các Hội chợ sách khu vực và quốc tế là mục tiêu quan trọng cần hướng đến trong tương lai gần, không chỉ tiến tới cân bằng cán cân xuất-nhập khẩu mà còn để sách Việt được quảng bá ra thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau./.

Phương Thúy/VOV-Trung tâm tin

Chia sẻ bài viết