Một thời thanh xuân
Theo chân Chủ tịch Cựu TNXP huyện Bến Lức - Bùi Văn Tấn, chúng tôi được gặp các nữ TNXP từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nhiệm vụ chăm sóc thương, bệnh binh. Các bà, các cô giờ đã ở độ tuổi “thất thập” nhưng những ký ức về một thời “hoa lửa” vẫn còn rõ nét như mới diễn ra ngày hôm qua.
Bà Phạm Thị Tuyết (SN 1952, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) với lòng dũng cảm, ý chí căm thù giặc đã thoát ly gia đình khi 14 tuổi. Tuổi nhỏ, bà được phân công làm giao liên tại địa phương 3 năm thì lên chiến khu Đ (Trung ương cục miền Nam) để học y tá, chăm sóc thương, bệnh binh. “Ngày đó, còn nhỏ mà đã xa gia đình, cứ mỗi tối nhớ nhà, tôi lại nằm thút thít nhưng không dám để đồng chí, đồng đội biết rồi tự động viên mình phải cố gắng mạnh mẽ, khi nào hòa bình thì về thăm quê. Tôi biết các chị em chung đơn vị có cùng tâm trạng nhưng ai cũng giấu trong lòng, phải hết sức kiên cường, không nản chí vì một khi đã ra đi thì phải thật dũng cảm, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do”.
Bà Phạm Thị Tuyết, Lê Ngọc Phương và Phạm Thị Thanh (từ ngoài vào) là những nữ thanh niên xung phong giải phóng miền Nam - những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc
Cùng tuổi với bà Phạm Thị Tuyết, bà Lê Ngọc Phương (quê ở Tiền Giang) mới 13 tuổi đã tham gia làm giao liên ở quê rồi chính thức thoát ly, tham gia TNXP năm 14 tuổi. Dọc đường lên căn cứ, đề phòng biệt kích Mỹ chặn đường, bà cùng 28 anh chị em cứ “đêm đi, ngày nghỉ”, hơn 1 tuần mới đến nơi. Khi đó, tuổi đời nhỏ nhất đơn vị lại gầy nên bà thường được ưu tiên, lúc nào đi không nổi, bà còn được các anh cõng trên lưng, vừa mệt, vừa nguy hiểm nhưng mới thấy được tình đồng chí, đồng đội, anh em gắn bó, thương yêu nhau rất nhiều. Chính những tình cảm ấy giúp bà tự tin, kiên cường hơn; ý chí, quyết tâm của cô gái nhỏ càng được hun đúc.
Tương tự, bà Phạm Thị Thanh (SN 1949, quê xã An Thạnh, huyện Bến Lức) có một tuổi xuân đáng nhớ khi trốn gia đình tham gia Đội TNXP 29 Hiệp Hòa anh dũng I (C29 - Hiệp Hòa anh dũng) từ năm 15 tuổi, làm nhiệm vụ tải gạo cho bộ đội. Sau này, bà được chuyển sang làm y tá, chăm sóc thương, bệnh binh thuộc Cục Hậu cần - Đoàn 86, Quân khu 7. Nhiều năm liền theo đơn vị công tác ra tiền phương, sống chết trong gang tấc, chẳng hề liên lạc về nhà, công việc vô cùng hiểm nguy, vất vả nhưng với bà, đây là quãng thời gian đẹp nhất khi được sống, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
Con gái bà Phạm Thị Thanh - chị Nguyễn Thị Thu thường nghe mẹ kể về những ngày chiến đấu gian khó, noi gương mẹ, chị cũng theo học ngành Y và hiện là Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức
Hy sinh tuổi xuân vì hòa bình, độc lập
Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng các nữ TNXP này chính là hậu phương vững chắc cho các đồng chí, đồng đội nơi chiến trường. Họ làm nhiệm vụ chăm sóc thương, bệnh binh, chuyển thương, tải đạn, tải gạo,... cho bộ đội. Vóc dáng nhỏ bé, sức khỏe có hạn nhưng có lẽ, sức mạnh của các bà, các cô thời đó chính là ý chí, lòng quyết tâm về một ngày mai đất nước độc lập, thế nên ai nấy đều hết lòng vì nhiệm vụ, chẳng nề hà hiểm nguy, gian khó.
Bà Lê Ngọc Phương vẫn nhớ mãi kỷ niệm đau thương vào năm 1972, quân đội Mỹ dội bom liên tục, bà và đồng đội phải sống trong hầm trú ẩn tại căn cứ đóng ở đầu sông Sài Gòn. Lần đó, một nhóm 7 chị em đang tắm thì bị Mỹ dội bom chết hết. “Chẳng có nỗi đau nào tả xiết khi chứng kiến người mình vừa nói chuyện cách đây ít phút đã ra đi mà thân thể chẳng còn nguyên vẹn. Các chị em hy sinh trong trận này đều ở độ tuổi 17, 18 - độ tuổi đẹp nhất của người con gái, vậy mà...” - bà Phương nghẹn ngào.
Năm 1972 là năm đáng nhớ với những người tham gia kháng chiến chống Mỹ vì thời điểm này, Mỹ dội bom rất ác liệt tại chiến trường miền Nam. Bà Phạm Thị Tuyết cũng bàng hoàng nhớ về một trận càn trong năm đó, khi căn cứ bị dội bom, thương, bệnh binh trong đợt ấy chết gần hết. Bà có một lần chạy khỏi căn cứ thì bị sụp hầm, bất tỉnh, nếu đồng đội không phát hiện kịp cũng đã hy sinh.
Trong không khí ấm áp, thân tình, các cựu thanh niên xung phong kể cho nhau nghe về kỷ niệm của một thời “hoa lửa”
Đau đớn, khó khăn chất chồng, nhiều lần chứng kiến đồng đội ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, các bà, các cô càng hun đúc lòng căm thù giặc. Ngày lên đường còn là những cô gái mới lớn “chân yếu, tay mềm”, qua thời gian, các bà, các cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có thể sử dụng thành thạo vũ khí, đạn dược và tinh thần, ý chí càng cao. “Ngày đó cực mà chẳng hề sợ chết, nhiệm vụ nào được phân công thì chúng tôi cố gắng làm, chẳng nề hà gian khó.
Có lúc thương binh đông đến nỗi tôi và đồng đội nhịn đói, chỉ uống nước cầm hơi trong 3 ngày liên tục để phẫu thuật, chuyển thương, ấy vậy mà vẫn “trụ” được để cứu các anh, các chú. Có lần đang trên đường hành quân thì bị bom văng trúng lưng, vết thương đến giờ thỉnh thoảng vẫn đau nhức nhưng với tôi, đây là những kỷ niệm không thể quên của một thời tuổi trẻ” - bà Phạm Thị Thanh hồi tưởng. Quả thật, với những người đã từng “vào sinh ra tử” trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, để có được hòa bình, tự do như hôm nay phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, được lành lặn trở về đã là vô cùng may mắn.
Con gái bà Thanh - chị Nguyễn Thị Thu thường nghe mẹ kể về những ngày chiến đấu gian khó, noi gương mẹ, chị cũng theo học ngành Y và hiện là Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Chị Thu chia sẻ: “Người cán bộ y tế dù thời chiến hay thời bình đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì sức khỏe người dân. Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi mãi không quên quãng thời gian chống dịch của năm 2021. Tuy nhiên, những vất vả ấy chẳng là gì so với những hiểm nguy, sống chết trong gang tấc mà mẹ cùng các cô, các dì đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh. Tôi luôn tự hào về mẹ, nguyện hết lòng, dốc sức làm thật tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc, tận tụy phụng sự quê hương”.
Sau ngần ấy năm, những người con gái tuổi đôi mươi ngày nào giờ tóc đã bạc, da điểm đồi mồi nhưng những ký ức về một thời thanh xuân rực lửa mãi còn trong tâm trí. Những lúc trái gió trở trời, vết thương do chiến tranh để lại vẫn còn âm ỉ nhưng với họ, đây là những dấu ấn nhắc về quãng thời gian gian khổ nhưng vinh quang. Xin cảm ơn các bà, các chị - những người đã hy sinh tuổi xuân, không tiếc máu xương, góp công vì hòa bình, độc lập!./.
Phạm Ngân