Tiếng Việt | English

12/01/2023 - 18:20

Hương rượu ngày xuân

Không biết nghề nấu rượu có tự bao giờ nhưng từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình. Cứ gần đến Tết Cổ truyền, các lò nấu rượu ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An lại đỏ lửa xuyên đêm để cho ra những bình rượu chất lượng, phục vụ thị trường.

Chúng tôi đến ấp Bình Lợi, xã Đức Tân để tìm hiểu về nghề nấu rượu truyền thống của người dân nơi đây. Men theo con đường bêtông đến nhà bà Lưu Thị Nhung, cổng vừa mở, chúng tôi ngửi được mùi thoang thoảng của nếp hòa cùng mùi men. Bà Nhung nói: “Rượu Đức Tân không chỉ nổi tiếng trong huyện mà còn tại các tỉnh, thành phố khác như TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai,... Bình quân, gia đình cung cấp cho thị trường 25 lít rượu/ngày, dịp tết tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Để nấu được những mẻ rượu ngon, người nấu không chỉ có kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn phải đặt cả cái tâm vào đó”.

Bà Lưu Thị Nhung thường đo độ rượu để tránh lấy rượu ngọn, ảnh hưởng đến chất lượng

Nấu rượu trải qua nhiều công đoạn: Đầu tiên vo nếp, để ráo nước, sau đó đun sôi một lượng nước vừa đủ, khi nước sôi, bỏ nếp đã vo vào nồi. Quá trình nấu phải thường xuyên xới cơm và canh lửa để cơm chín đều, hạt nở, xốp, không cháy khét. Cơm chín thì đem ra phơi cho hết nóng rồi bỏ vào hũ, rải men, trộn đều, thêm ít nước, ủ ít nhất 7 ngày. Khi kiểm tra nước trong thì bắt đầu cho vào nồi nấu chưng cất rượu.

Công đoạn chưng cất rượu là khó nhất. Người nấu phải dùng một cái nồi, trên nắp có đục lỗ nhỏ để dẫn hơi vào, tích tụ thành rượu chảy xuống một cái thùng đã chuẩn bị sẵn, sau đó dùng cám pha nước thành hỗn hợp sền sệt, trét xung quanh những khe hở khi đậy nắp lại, tránh để rượu bay hơi ra ngoài. Trong quá trình chưng cất rượu phải canh lửa thật nhỏ, thường xuyên đo độ rượu để tránh lấy phải rượu ngọn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, thậm chí làm rượu bị chua.

Theo bà Bùi Thị Hoa (ấp Bình Lợi, xã Đức Tân), hiện nay, các công đoạn nấu rượu đã được rút ngắn vì nguyên liệu có sẵn. Ngày trước, sau khi lúa nếp được thu hoạch, người dân mua về phơi khô, trữ một thời gian, sau đó đem xay; còn men thì chỉ có men viên, mua về phải dùng cối xay thật nhuyễn, khi cơm chín, trộn men ủ 3 đêm, sau đó chan nước chứ không chan liền như hiện nay. Bà Hoa chia sẻ: “Gia đình tôi 4 đời nấu rượu. Nhờ nghề nấu rượu mà tôi nuôi 4 người con khôn lớn. Bình quân hàng tháng, tôi nấu gần 500kg nếp, cho ra trên 400 lít rượu. Sau khi trừ chi phí, tôi có thu nhập 3 triệu đồng/tháng”.

Bà Bùi Thị Hoa (bìa trái) giới thiệu về nghề nấu rượu truyền thống của gia đình

Hiện nay, ấp Bình Lợi có gần 30 hộ nấu rượu truyền thống. Mỗi người có cách nấu rượu khác nhau nhưng điểm chung là nguyên liệu chỉ có gạo nếp, men và nước, không sử dụng hóa chất. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận của các hộ nấu rượu truyền thống sẽ thấp, nhưng đổi lại khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là giữ được nghề truyền thống của quê hương. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Lợi - Lê Thị Dựa cho biết: “Trong các cuộc sinh hoạt chi hội, tôi đều nhắc nhở hội viên nấu rượu phải đặt cái tâm lên trên lợi nhuận, không được làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thà lãi ít nhưng bán được nhiều và khẳng định được thương hiệu. Khi đó, khách hàng sẽ không quay lưng lại với mình”.

Ngày tết, chúc nhau ly rượu mừng là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ bao đời nay. Trên bàn thờ tổ tiên, khi dâng cúng cũng không thể thiếu ly rượu. Và những lò nấu rượu truyền thống đã góp phần mang hương xuân đến với mọi nhà./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Mua vang ý nhập khẩu giá tốt Vang Argentina Red Apron Fine Wines and Spirits