Đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương (đoạn qua tỉnh Long An) là tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa miền Tây và TP.HCM cũng như cả nước
Giao thông - Đòn bẩy phát triển kinh tế
Nhận thức được điều này, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống giao thông thủy-bộ, không những chỉ trong tỉnh mà kết nối với các tỉnh bạn và TP.HCM. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ Trung ương, TP.HCM và các tỉnh bạn, những tuyến đường xương sống, huyết mạch liên kết vùng được hình thành gồm: Cao tốc TP.HCM-Trung Lương, cao tốc Bến Lức-Long Thành, các tuyến Quốc lộ (QL) 1, QL62, QL50, QLN2, QLN1, QL14C, đường Hồ Chí Minh đang khai thác, sử dụng. Riêng tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM dự kiến xây dựng ngang qua tỉnh Long An.
Long An đang xúc tiến xây dựng: Trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối với TP.HCM: Tuyến đường nằm về phía Đông của QL1, bắt đầu từ điểm cuối đường Vành đai TP.Tân An, điểm cuối nối với đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM). Chiều dài tuyến khoảng 32km, quy mô dự kiến hoàn thành nền đường rộng 33m, đi qua các địa phương TP.Tân An, các huyện: Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc. Được biết, phía TP.HCM đã xây dựng đường kết nối với phía tỉnh Long An.
Ngoài những tuyến đường lớn nói trên, tỉnh đang phối hợp TP.HCM và tỉnh Tiền Giang xây dựng nhiều tuyến giao thông kết nối phạm vi liên tỉnh, phát huy hiệu quả các tuyến đường xây dựng liên kết tiểu vùng. Cụ thể, một số tuyến: Đường tỉnh (ĐT) 822 (Long An) - Tỉnh lộ 7 (TP.HCM): Kết nối giữa huyện Củ Chi và huyện Đức Hòa; ĐT823 (Long An) - Tỉnh lộ 8 (TP.HCM): Kết nối giữa huyện Củ Chi và huyện Đức Hòa; ĐT825 (Long An) - Tỉnh lộ 10 (TP.HCM): Kết nối giữa huyện Đức Hòa và TP.HCM.
Quốc lộ 1 (đoạn qua Long An) nhộn nhịp giao thôngĐT827 (Long An) - ĐT872 (Tiền Giang): Tuyến đường kết nối thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành và huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. ĐT829 (Long An) - ĐT868 (Tiền Giang): Quy mô hiện hữu đường cấp IV đồng bằng, mặt đường láng nhựa rộng 7m, nền đường rộng 9m; các cầu: Tân Hòa, Xóm Than, Bắc Đông được đầu tư hoàn thành; khai thác tải trọng HL93, đang triển khai thi công cống 1.000 tấn tải trọng HL93.
ĐT836B (Long An) - ĐT867 (Tiền Giang) đang thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng mặt đường và xây mới các cầu đồng bộ trên toàn tuyến. ĐT834B (Long An) - ĐT866 (Tiền Giang) sẽ đầu tư xây dựng mở rộng với quy mô cấp III, nền rộng 12m, mặt đường rộng 11m đoạn từ QL62 đến giao điểm đường Vành đai TP.Tân An. Ngoài ra, còn rất nhiều tuyến thủy-bộ khác giữa Long An - Tiền Giang - TP.HCM đã và đang được xây dựng mới, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và kết nối tiểu vùng.
Sớm hình thành kinh tế vùng
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An, tỉnh đang tập trung nguồn lực xây dựng ĐT830 nối dài nối vùng kinh tế công nghiệp gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức với vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc đến Cảng quốc tế Long An, tuyến đường này là trục xương sống nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh, là điểm trung chuyển hàng hóa của khu vực, thông thương với quốc tế và trong nước thông qua cảng biển Long An, cảng sông Bourbon và các điểm trung chuyển hàng hóa khác. Trên tuyến đường này, dự kiến sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo thành vùng công nghiệp rộng lớn kết nối với tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM và các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ thông qua 2 hệ thống đường cao tốc trên.
Cảng quốc tế Long An hiện đang được đầu tư xây dựng các cầu cảng, dự kiến cuối năm 2016 đưa vào sử dụng các hạng mục, công trình giai đoạn 1. Tuyến ĐT830 nối dài đang hoàn thành giai đoạn cuối, đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh về giao thông, khi cầu cảng Long An hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng, khai thác ngay. Ngoài cảng biển Long An, trên địa bàn tỉnh cặp sông Vàm Cỏ Đông còn có cảng Bourbon (Khu công nghiệp Thuận Đạo), cảng Cẩm Nguyên, cảng Hoàng Tuấn, huyện Bến Lức,...; các cảng chuyên dùng như cảng: Hiệp Hòa, Công ty Xi măng Hà Tiên 2, MT Gas, Bình Điền;...
Âu tàu Rạch Chanh, TP.Tân An sẽ giải quyết bài toán ngăn mặn và giao thông thủy nội địa giữa miền Tây-TP.HCMÂu tàu Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An là một trong những âu tàu lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa giúp ngăn mặn, điều tiết nước, vừa giúp giao thông thủy nội địa phát triển mạnh. Hy vọng thông qua âu tàu Rạch Chanh, hàng năm, đường thủy nội địa của Long An và khu vực sẽ gánh vác một phần lớn lượng hàng hóa vận chuyển, giúp giảm áp lực lên hệ thống đường bộ thực sự quá tải. Lợi thế tự nhiên của tỉnh là có 2 con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây giúp giao thương đường thủy ngày càng phát triển.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Long An, sắp tới, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ hình thành cũng sẽ là một nét giao thông mới, đây là loại hình giao thông vận tải hàng hóa và hành khách với số lượng lớn, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vì giá thành vận chuyển rẻ. Tỉnh Long An xúc tiến kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống đường sắt nội bộ nối cảng biển, cảng sông với các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà nhanh và bền vững./.
Đại Lâm