Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cùng các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện Thủ Thừa khảo sát điểm sạt lở tại ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa
Tập trung khắc phục điểm sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 4 vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở gần 700m. Năm 2023, con số này tăng lên gấp nhiều lần với 19 vụ sạt lở lớn, nhỏ, tổng chiều dài 13.000m, gây thiệt hại 2,5 tỉ đồng. Huyện Thủ Thừa có tần suất sạt lở cao, diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây. Đây cũng là nơi ghi nhận vụ sạt lở đầu tiên ngay trong mùa mưa năm 2024.
Thông tin từ UBND huyện Thủ Thừa, thời gian qua, sạt lở vẫn ngầm diễn ra và có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn, trong đó điểm sạt lở tại khu vực đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây, thuộc khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh với tổng chiều dài sạt lở, sụt lún khoảng 460m.
Trong khu vực sạt lở có 2 hộ dân gồm: Hộ ông Lê Văn Hùm với 6 nhân khẩu và hộ ông Lê Văn Long với 3 nhân khẩu. Trong đó, đoạn sạt lở 200m tại nhà ông Lê Văn Hùm làm sụt lún, nứt nền nhà với độ sâu 0,5m; đoạn giáp nhà ông Lê Văn Hùm dài khoảng 200m bị sụt lún gây nứt nửa thân đê, có chiều hướng tiếp tục mở rộng sạt vào phần diện tích đất sản xuất của người dân; đoạn tại nhà ông Lê Văn Long sạt lở 60m làm sụt lún nền nhà với độ sâu 0,3m, lấn sâu từ mép bờ sông vào cách nhà dân khoảng từ 5-10m và có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới nếu không được xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cùng các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện khảo sát tình trạng sạt lở tuyến đê bao sông Vàm Cỏ Tây tại khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh nhằm ghi nhận, đánh giá hiện trạng sạt lở và kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó trong thời gian tới”.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra sạt lở tại ấp 1, xã Mỹ Thạnh, được nhận định do đoạn đê nằm trong đoạn sông cong, lõm; ngoài ra, lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại nhiều, kết hợp với dòng nước chảy xiết làm cho đất bị xói mòn, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch; đồng thời, mùa khô hạn 2023-2024 kéo dài làm cho đất bờ sông, đê bao khô cằn, mất độ kết dính. Hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa, lượng mưa lớn làm rửa trôi, xói mòn đê bao.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: “Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đã ký Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây, tại khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND huyện Thủ Thừa rà soát, cập nhật vành đai sạt lở; phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình sạt lở, khẩn trương ổn định đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại”.
Người dân cần chủ động ứng phó
Sạt lở gây cản trở giao thông tại kênh Mồng Gà, huyện Cần Giuộc
Điều đáng báo động là không chỉ ven các con sông lớn mà sạt lở đã xuất hiện ở các con sông, kênh, rạch nhỏ như kênh Mồng Gà (huyện Cần Giuộc). Một tuyến kênh nhưng xảy ra tới 13 điểm nứt, sạt lở, lún sâu. “Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những hộ dân sống ven sông, kênh, rạch thường xuyên nâng cao cảnh giác, theo dõi diễn biến bất thường; không nên cất nhà làm tăng áp lực lên mé sông, kênh, rạch” - ông Võ Kim Thuần khuyến cáo.
Trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp và hiểm họa khó lường, nhất là các điểm nguy cơ sạt lở đã được cảnh báo. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương, người dân cần chủ động ứng phó để tránh thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản./.
Bùi Tùng