Đường Sương Nguyệt Ánh (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) được trang trí lồng đèn, nón lá
Những người tô điểm mùa xuân
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cận tết, về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến trung tâm huyện, chúng tôi rất bất ngờ xen lẫn háo hức khi nhìn thấy sắc màu rực rỡ của hoa mai, hoa đào, đèn led và các tiểu cảnh được trang trí khắp nơi trong huyện. Đó là tiểu cảnh Xuân Tân Sửu 2021 được trang trí ngay ngã năm mũi tàu, với con trâu vàng, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét,... Hay đó là hình ảnh công viên Nguyễn Thị Bảy được trang trí hoa mai, hoa đào hòa cùng ánh đèn nhấp nháy. Đặc biệt, cách trang trí lồng đèn, nón lá, với nhiều màu sắc khác nhau trên đường Sương Nguyệt Ánh rất giống các con đường trong Phố cổ Hội An khiến nhiều người trầm trồ. Tự hào về quê hương mình, ông Đỗ Văn Ba, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, bộc bạch: “Năm nào huyện cũng đầu tư trang trí tết đẹp lắm, có rất nhiều chỗ chụp hình cho người dân”.
Theo thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, nguồn kinh phí trang trí tết được huyện trích một phần ngân sách, còn lại huy động từ nhiều nguồn lực. Anh Nguyễn Minh Khôi, ngụ thị trấn Cần Giuộc, là một trong những người đóng góp tích cực trong việc lên ý tưởng, xây dựng các tiểu cảnh tết của huyện trong thời gian qua. Anh bộc bạch: “Đầu tháng 11 Âm lịch, tôi bắt đầu lên ý tưởng trang trí tết cho huyện. Và sau khi được huyện thông qua, tôi thuê thêm 3 người gia công các chi tiết ở nhà, ban đêm thì tiến hành thi công vì buổi tối ít xe qua lại, không gây nguy hiểm cho người làm và người đi đường; đồng thời, trời tối nên thử đèn led dễ hơn”.
Sơn lại chậu kiểng, dọn dẹp vệ sinh tại khuôn viên UBND huyện Cần Đước
Rời huyện Cần Giuộc, chúng tôi tiếp tục đến thăm huyện Cần Đước, huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh. Ở đây, các con đường, công viên trên địa bàn huyện được trang trí đèn led sặc sỡ cùng các chậu kiểng, cây xanh. Còn tại khuôn viên UBND huyện, nhiều công nhân đang tất bật dọn dẹp, “khoác áo mới” cho hàng rào, chậu kiểng. Ông Nguyễn Văn Ngô, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, cho biết: “Gia đình tôi chuyên nhận sửa, chăm sóc cây xanh, dọn dẹp đường, khuôn viên cho huyện. Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ rất sớm và kết thúc vào lúc tối, thậm chí gần tết phải tăng ca đến 22 giờ mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi rất phấn khởi vì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong những ngày tết đến, xuân về và góp phần gọi mùa xuân về thật sớm”.
Chỉnh trang đô thị đón tết
Trong cái nắng gay gắt giữa trưa, các nhân viên Công ty Cổ phần 676 (Bình Dương) đang tất bật sơn lại các vạch đường trên Quốc lộ N2 (đoạn từ huyện Đức Hòa về Thạnh Hóa). Được biết, Quốc lộ N2 có lưu lượng xe qua lại rất đông, vậy mà những công nhân này vẫn tích cực làm việc nhằm giúp đường phố được sạch đẹp trong những ngày tết đến, xuân về. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Huỳnh Trung Giang (công nhân Công ty Cổ phần 676) nói: “Biết được tính chất nguy hiểm của công việc, các anh em trong công ty chia nhau canh xe, đặt biển báo và đi thành từng đoàn. Công việc này chúng tôi làm thường xuyên nhưng tết là thời gian cao điểm nhất, phải làm việc gấp hai lần ngày thường. Dù vất vả nhưng anh em chúng tôi cảm thấy rất vui vì tết đến, chuẩn bị được về nhà đón tết bên gia đình”.
Các con đường trên địa bàn huyện Tân Thạnh được trang trí đèn
Những năm trước, huyện Tân Thạnh chưa quan tâm đến việc đầu tư các tiểu cảnh hay tạo điểm vui chơi, giải trí cho người dân trong những ngày tết. Riêng năm nay, huyện xuất ngân sách gần 3 tỉ đồng xây dựng các công trình trang trí tết và cải tạo diện mạo đô thị Tân Thạnh. Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Tết năm nay, huyện thực hiện mô hình linh vật chào mừng năm mới, cải tạo vòng xoay Quốc lộ 62 thay đèn thác nước thành đồng hồ và trang trí chân trụ, panô trang trí điện hình biểu trưng logo huyện tại nhiều tuyến đường trong trung tâm huyện,… Chắc chắn Tết Tân Sửu 2021, người dân huyện Tân Thạnh sẽ có được các điểm du xuân hấp dẫn, không cần phải đi xa như những năm trước”.
Hiện nay, các công nhân đang thi công trang trí tết ở huyện Tân Thạnh tất bật hoàn thành các công đoạn cuối. Ở đó, họ làm việc cả ngày lẫn đêm, bằng tất cả tấm lòng hướng về một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Bà Trần Thị Tươi (quê Tiền Giang) tâm sự: “Tết năm nào, gia đình tôi cũng nhận trang trí đèn led cho các địa phương. Nhìn người dân thích thú các sản phẩm mình làm ra là vui lắm, từ đó có thêm động lực hoàn thành tốt công việc còn lại”.
Công nhân Công ty Cổ phần 276 sơn lại các vạch đường trên Quốc lộ N2
Còn tại thị xã Kiến Tường đã hoàn thành các công trình trang trí tết như xây dựng mới cổng chào; trang trí đèn dải phân cách đường Hùng Vương, cổng led nghệ thuật đường 30/4, hoa sen cách điệu, tiểu cảnh hoa trang trí, sửa chữa và lắp đặt mới đèn led dọc tuyến Quốc lộ 62,... với tổng kinh phí trên 4,7 tỉ đồng. Ngoài ra, các công nhân vệ sinh môi trường cũng đang tích cực chăm sóc cây xanh, hoa kiểng và vệ sinh trên các tuyến đường, bảo đảm không gian sạch, đẹp trước thềm năm mới.
Người dân chụp ảnh tại Công viên Nguyễn Thị Bảy
TP.Tân An được xem là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, thành phố lại khoác lên mình đầy màu sắc với cờ, hoa rực rỡ, ánh đèn sáng lấp lánh,... Và chỉ cần chạy vòng quanh TP.Tân An, bất cứ ai cũng cảm nhận mùa xuân đến, cố gắng hoàn thành công việc để nhanh chân về bên gia đình đón mùa xuân mới. Chị Trịnh Thị Mai, ngụ phường 4, cho biết: “Những ngày này, tôi ra đường là nôn tết ngay, bởi TP.Tân An trang trí rất đẹp, đường sá trở nên đông đúc, nhịp sống hối hả hơn”.
Những ngày cận tết, các con đường, ngõ xóm từ thành thị đến nông thôn đều được “khoác” lên mình “chiếc áo mới”, rực rỡ cờ, hoa, hứa hẹn một mùa xuân ấm no, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người./.
Minh Thư