Tiếng Việt | English

04/11/2022 - 11:09

Khởi động Hội thi Tiếng hát người làm báo khu vực miền Đông và Tây Nam bộ năm 2022

Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) tổ chức Hội thi Tiếng hát người làm báo khu vực miền Đông và Tây Nam bộ năm 2022 với chủ đề Âm vang vọng cổ. Đây là hội thi ca cổ đầu tiên trên cả nước dành riêng cho người làm báo.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các nghệ sĩ trong Hội đồng Giám khảo

Theo Ban Tổ chức, Hội thi Tiếng hát người làm báo nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương đặc trưng của vùng đất Nam bộ; đồng thời, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, nhà báo thuộc 20 Hội Nhà báo khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, hội thi được tổ chức nhân dịp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch và Lễ hội Dạ cổ hoài lang diễn ra từ ngày 27 đến 29/11/2022.

Đối tượng tham gia dự thi là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí của các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ (trừ các thí sinh đã đoạt giải nhất, nhì, ba hoặc giải vàng, bạc, đồng các cuộc thi về cải lương, vọng cổ cấp tỉnh, thành phố, bộ, ngành). Hội thi gồm các vòng: Sơ tuyển, bán kết và chung kết.

Vòng sơ tuyển diễn ra từ ngày 21 đến 31/10/2022. Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ tổ chức điểm sơ tuyển. Thí sinh hát 1 bài tân cổ tự chọn 4 câu, đơn ca hoặc song ca, nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu con người, quê hương, đất nước; ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc ta nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng. Ban Tổ chức sẽ chọn mỗi Hội Nhà báo tỉnh, thành phố 2 tiết mục đề cử tham gia vòng bán kết diễn ra từ ngày 14 đến 21/11/2022. Theo đó, Hội Nhà báo các tỉnh khu vực Bắc sông Hậu (Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Long An) tổ chức thi tại tỉnh Đồng Tháp. Hội Nhà báo các tỉnh khu vực Nam sông Hậu (TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang) tổ chức thi tại TP.Bạc Liêu. Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận) và TP.HCM tổ chức tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.

Trong vòng bán kết diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu và TP.HCM, mỗi điểm chọn ra 2 tiết mục đặc sắc nhất và 1 tiết mục của Hội Nhà báo TP.HCM vào chung kết xếp hạng (tổng cộng 7 tiết mục). Ngoài ra, tại mỗi điểm diễn ra vòng bán kết chọn thêm 1 tiết mục đặc sắc liền kề để xét chọn giải khuyến khích, trao giải trong đêm chung kết xếp hạng diễn ra ngày 26/11/2022 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hội đồng Giám khảo hội thi gồm: Thạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải (Trưởng ban);  Nghệ sĩ ưu tú Đào Vũ Thanh và nghệ sĩ Thanh Hằng.

Hội thi Tiếng hát người làm báo sẽ trao 1 giải nhất, với giải thưởng cúp Âm vang vọng cổ và 10 triệu đồng; 2 giải nhì: Kỷ niệm chương và 8 triệu đồng/giải; 3 giải ba: Kỷ niệm chương và 5 triệu đồng/giải; 4 giải khuyến khích: Kỷ niệm chương và 3 triệu đồng/giải.

Phát biểu tại buổi họp báo vừa qua, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Trần Trọng Dũng cho biết: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Có thể nói, loại hình nghệ thuật này là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân Nam bộ. Các cơ quan báo chí thường xuyên tích cực tuyên truyền nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt vào dịp tôn vinh 100 năm sân khấu cải lương vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Hầu hết đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành khu vực Nam bộ đều có các chương trình vọng cổ, cải lương, trong đó, có nhiều chương trình, cuộc thi truyền thống và nổi tiếng, thu hút đông đảo khán, thính giả. Không chỉ làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, là những người con của đất Nam bộ - cái nôi của đờn ca tài tử, những người làm báo các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông và Tây Nam bộ cũng yêu thích loại hình nghệ thuật này và không ít nhà báo đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi về ca cổ, cải lương,... Hội thi Tiếng hát người làm báo năm nay với chủ đề Âm vang vọng cổ sẽ góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương đặc trưng của vùng đất Nam bộ, làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội của tỉnh Bạc Liêu./.

An Biên

Chia sẻ bài viết