Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần giữ bình yên địa bàn (Ảnh minh họa: Thúy Phượng)
Nhận diện những luận điệu "xàm ngôn", vô căn cứ
Thực tế, không phải đợi đến thời điểm ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị mới ra chiêu xuyên tạc, chống phá. Ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo Luật, lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân cũng như quá trình Quốc hội thảo luận về Luật này, chúng đã liên tục tung ra các luận điệu xuyên tạc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng này đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đến thời điểm các địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (ngày 01/7/2024), chúng lại tiếp tục “nhai lại” các luận điệu sai trái, hướng lái tiêu cực nhằm kích động sự hoài nghi, mâu thuẫn trong xã hội xung quanh việc thành lập lực lượng này. Một số trang tin từ nước ngoài của các tổ chức phản động đăng tải nhiều bài viết thiếu thiện cảm, nhiều thông tin sai sự thật. Chúng tung ra những luận điệu như “Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là gánh nặng cho người dân”, “mục đích việc thành lập lực lượng này là nhằm đàn áp nhân dân”, “việc gia tăng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là để quản lý người dân, doanh nghiệp và chính đảng viên để có thể bị trừng trị bất cứ khi nào”, “lập thêm lực lượng này là để bòn rút nhân dân”,...
Trên Facebook “Chân trời mới media” và kênh YouTube của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải một số bài viết và clip có nội dung xuyên tạc Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Chúng rêu rao rằng, từ ngày 01/7/2024, Bộ Công an “sẽ ngày càng phình to ra” và “luật này ban hành là để trói buộc, gò ép người dân”. Chúng còn tung các luận điệu gây mất đoàn kết như “gia tăng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là để Công an đấu với Quân đội”...
Trên Đài Á châu tự do (RFA) và VOV tiếng Việt đã đăng tải một số bài viết với luận điệu xuyên tạc rằng ra mắt lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là để củng cố quyền lực, là “giữ đất nước trong vòng sợ hãi”... Các bài viết thực hiện các cuộc phỏng vấn ẩn danh để rêu rao luận điệu “lực lượng này được lập ra để bảo vệ chế độ chứ không phải để bảo vệ người dân”. RFA còn dẫn lời phỏng vấn đối tượng được gọi là “Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài” để công kích rằng, lực lượng này bị công an thâu tóm để hưởng nguồn ngân sách rất lớn...
Tất cả những luận điệu trên đều theo kiểu “già mồm”, “xàm ngôn”, “khiên cưỡng”, không có cơ sở thực tiễn và hoàn toàn bịa đặt về ý nghĩa và hiệu quả của việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
"Cánh tay nối dài" trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở
Thực tế, từ năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là dự án Luật quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ ANTT. Vì vậy, quá trình xây dựng Luật được triển khai khoa học và chặt chẽ. Ngày 27/8/2020, Chính phủ có tờ trình số 387/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Dự thảo Luật sau đó đã được thảo luận, cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, XV. Với tinh thần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo đã điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, bảo đảm mục tiêu cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới...
Thực tế cho thấy, những vụ việc, hiện tượng liên quan đến ANTT phần lớn đều xảy ra tại địa bàn cơ sở, xuất phát từ cơ sở; do đó, công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, là yêu cầu khách quan trong tình hình mới. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng không phải mới ra đời. Về mặt bản chất, đây là sự điều chỉnh lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động ở địa bàn cơ sở từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng.
Thực tế cho thấy, lực lượng này góp phần quan trọng trong đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ bình yên của Tổ quốc; là "cánh tay nối dài" của lực lượng công an trong bảo đảm ANTT từ cơ sở. Bởi vậy, để phát huy những kết quả đã đạt, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh từ thực tiễn, việc thống nhất các lực lượng kể trên thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Phải mất 4 năm, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở mới hoàn thiện và có hiệu lực thi hành. Điều đó cho thấy Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và cơ quan chức năng đã rất thận trọng để tiếp thu, thảo luận, chỉnh sửa các điều, khoản cho phù hợp với tình hình mới. Bởi lẽ, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy” thì việc giữ vững ANTT ở cơ sở đóng vai trò then chốt. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh táo, kịp thời nhận diện, đấu tranh với các âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; phải nhận thức rõ và đúng về vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong tình hình mới./.
HL