Tiếng Việt | English

02/03/2019 - 10:19

Kim Cương: Từ kỳ nữ đến Nghệ sĩ nhân dân

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Kim Cương sinh ra trong một gia đình trí thức và có truyền thống về nghệ thuật, là ái nữ của cố NSND Bảy Nam và ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (gánh Phước Cương), quê ở Mỹ Tho - Tiền Giang.

Tuổi thơ sớm vương nghiệp dĩ

Trước năm 1975, giới nghệ sĩ (NS) sân khấu không có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và NSND để làm tiêu chí khẳng định tài năng và sự cống hiến của họ, chỉ có những danh hiệu riêng như Đệ nhất danh ca, Đệ nhất danh cầm, Hoàng đế dĩa nhựa, Nữ hoàng sân khấu, Hoàng tử sân khấu, Sầu nữ, Kỳ nữ,... do báo chí và khán giả mến mộ tôn tặng, nhưng cũng chỉ qua sự truyền khẩu. Nếu trước năm 1975, NSND Kim Cương có danh hiệu “kỳ nữ” thì sau năm 1975, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT rồi NSND, và các danh hiệu đó đã nói lên kỳ tài và sự cống hiến của bà cho nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh đó, bà còn làm công tác từ thiện - xã hội nhiều năm qua rất đáng ghi nhận.

Ngay cả sự chào đời của NSND Kim Cương cũng khá cá biệt, dường như Tổ nghiệp đã định sẵn duyên phận của bà với nghề nghiệp. Bà sinh ra và xuất thân từ sân khấu, lúc NSND Bảy Nam (thân mẫu của NSND Kim Cương) đang hát ở gánh Phước Cương do thân phụ của bà làm bầu (ông Nguyễn Ngọc Cương), gánh đang lưu diễn tại Huế thì NSND Bảy Nam hạ sinh Kim Cương tại đó. Chưa được một tháng tuổi, Kim Cương đã có vai diễn ở sân khấu với chai sữa, trong vở Quan Âm Thị Kính, vai đứa bé mà lúc Thị Mầu đem giao cho Thị Kính. Đó là vai diễn đầu tiên trong nghề - trong đời của NSND Kim Cương. Đến năm 6 tuổi thì Kim Cương đã ca diễn nhiều vở.

Ảnh: Internet

Một thời gian sau, khi trở thành thiếu nữ, Kim Cương trở lại sàn diễn cải lương, một cô đào thương chánh xinh đẹp. Thời điểm đó, NS Năm Phỉ vừa qua đời, cô đào Kim Cương tiếp tục sự nghiệp của NS Nam Phỉ (mà cô gọi là má Năm) hát đào chánh thay những vai của NS Năm Phỉ. Vì lúc này, NSND Bảy Nam vừa làm bầu, lại vừa hát đào võ, tên gánh là “Nam Phi - Kim Cương”. Lúc đó, NSND Kim Cương hát đào chánh qua các vở: Trảm Trịnh Ân, Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Triệu Tử đoạt ấu chúa, Túy hoa nữ vương,... Và cũng trong giai đoạn này, báo chí Sài Gòn tôn tặng cô đào Kim Cương mỹ danh “kỳ nữ”. 

Kịch nói và điện ảnh

Có thể nói, về nghệ thuật cải lương thì NSND Kim Cương chịu ảnh hưởng của mẹ (cố NSND Bảy Nam) và má nuôi (NS Năm Phỉ), còn kịch nói và điện ảnh thì chịu sự ảnh hưởng của cha. Trước năm 1975, NSND Kim Cương được cha đưa sang Pháp du học về kịch nghệ. Sau này (1985-1987), bà lại được Nhà nước cho tu nghiệp ở sân khấu Bungari.

Năm 1960, NSND Kim Cương rời sàn diễn cải lương sang hoạt động ở lĩnh vực sân khấu kịch nói và điện ảnh. Theo bà, có lẽ khả năng của bà thích hợp với kịch nói và điện ảnh nhiều hơn và bà lý giải: “Mỗi loại hình nghệ thuật đều có nét độc đáo, cái hay riêng, cải lương là bộ môn sân khấu truyền thống của Việt Nam rất hay, tính ước lệ rất phong phú, tưởng tượng cái gì là ra cái đó. Vì tính đặc trưng đó mà cải lương đi đến vấn đề bằng con đường ca diễn, còn kịch là mũi nhọn đi thẳng vào hiện thực và cách xây dựng hình tượng nhân vật cụ thể hơn. Tôi luôn vận dụng những cái hay của cải lương vào kịch và điện ảnh; mặc dù hoạt động ở lĩnh vực khác, tôi luôn nhớ đến và tôn trọng cải lương như người đã sinh ra mình”. Năm 1960, NSND Kim Cương lập đoàn kịch nói là một ý tưởng sáng tạo và linh động với thời cuộc vì lúc đó, cả Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng chưa xuất hiện loại hình kịch nói, chỉ có điện ảnh và ca nhạc tạp kỹ. Ngay sau đó, Đoàn kịch nói Kim Cương và Đoàn kịch nói Vân Nam ra đời (năm 1961) được xem là 2 đơn vị kịch nói đầu tiên của Sài Gòn trước năm 1975. Kịch nói Kim Cương nhanh chóng nổi tiếng hơn nhờ khâu kịch bản vì bà tự sáng tác kịch bản thích hợp với khả năng cho lực lượng diễn viên đoàn kịch của bà, nhất là cho những vai bà thủ diễn “đo ni đóng giày”, với bút danh Hoàng Dũng tác giả kịch nói và bà đã viết hàng chục kịch bản. Nếu trước năm 1975, NSND Kim Cương là một trong những người đầu tiên thành lập loại hình kịch nói ở Sài Gòn thì sau năm 1975, bà cũng là người tái lập kịch nói đầu tiên ở TP.HCM, “Đoàn kịch Kim Cương”, đơn vị kịch nói nổi tiếng và có sức sống dài nhất ở phía Nam (18 năm).

Ở lĩnh vực điện ảnh, NSND Kim Cương có những thành công lớn từ trước năm 1975, khán giả thời đó mến mộ và biết đến bà qua các chương trình Kịch sống của Đài Truyền hình Sài Gòn, Cần Thơ và các đại nhạc hội trước năm 1975 với rất nhiều vai nổi tiếng cũng như hầu hết các vai ở kịch nói. Năm 1974, Sài Gòn Đại hội Điện ảnh bầu chọn nữ diễn viên đóng nhiều phim nhất, bà đạt Diễn viên đóng nhiều phim nhất với số lượng đã đóng 50 phim. Cũng năm đó, bà đoạt hai giải Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc): Diễn viên xuất sắc nhất và Tác giả lời thoại hay nhất.

Khi cục diện chung của sân khấu gặp khó khăn, Đoàn kịch Kim Cương ngưng hoạt động (năm 1994) nhưng sau đó, NSND vẫn tiếp tục hoạt động bằng hình thức khác, tổ chức biểu diễn gây quỹ từ thiện, cứu tế xã hội, rồi sau đó vì tuổi cao, bà không biểu diễn thì chuyển sang hoạt động công tác từ thiện khá thường xuyên. Bà quan niệm, xem nghề nghiệp là “đạo” và việc làm từ thiện là cái “đức”. Nghĩa là người NS không còn khả năng biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng thì làm công tác từ thiện cũng mang ý nghĩa phục vụ xã hội, chia sẻ với những cảnh đời khó khăn, bất hạnh,... Được biết, NSND Kim Cương tham gia hoạt động từ thiện khá lâu, từ những năm 1995, 1996, bà về quê nhà Tiền Giang, cùng nhóm bác sĩ thực hiện chương trình vá sứt môi cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Tiền Giang, cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Tiền Giang thành lập Hội Công tác từ thiện và bà là thành viên của hội. Ở TP.HCM, bà cũng thường xuyên tổ chức công tác từ thiện cho đến nay bằng nhiều cách, đến cứu trợ nhiều nơi ở các tỉnh, các trung tâm bảo trợ xã hội,... 

NSND Kim Cương là người của công chúng, suốt cuộc đời của bà hầu như cũng vì mục tiêu là hướng đến công chúng, phạm trù “đạo đức” của bà là vì ý nghĩa đó. Từ danh hiệu “kỳ nữ” đến danh hiệu NSND cũng là để khẳng định quan niệm của bà về “đạo” và “đức”./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết