Tiếng Việt | English

21/06/2024 - 15:36

Kỹ thuật dựng phim - công việc thầm lặng

Không xuất hiện trên màn hình nhưng là nhân tố góp phần tạo nên một chương trình truyền hình, hàng ngày, kỹ thuật viên (KTV) vẫn miệt mài dựng phim, lặng lẽ đóng góp cho tác phẩm báo chí thêm hoàn chỉnh.

Đội ngũ kỹ thuật viên Phòng Báo điện tử và Tư liệu, Báo Long An đều nỗ lực làm việc

Trưởng phòng Báo điện tử và Tư liệu, Báo Long An - Trần Thanh Hiểu cho biết: “Công việc dựng phim cũng khá vất vả, đòi hỏi phải có kiến thức, tỉ mỉ, siêng năng. Công việc của đội ngũ KTV dựng phim là chọn âm thanh và hình ảnh chất lượng cao, sắp xếp và định hình cách trình bày tác phẩm, bảo đảm tính bắt mắt, nổi bật và gắn kết, cung cấp đến độc giả thông tin càng sớm càng tốt”.

Kỹ thuật dựng phim được xem là giai đoạn hậu kỳ trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Nếu phóng viên quay phim được ví như việc đi chợ, mua nguyên liệu, chế biến thì công việc của KTV dựng phim có thể được so sánh với những người trình bày, sắp xếp mâm cỗ. Từ những cảnh quay thô sơ và tiếng ồn hiện trường, qua bàn tay của các KTV dựng sẽ thành những thước phim sinh động, hấp dẫn.

“Ngày nay, công việc dựng không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại hình ảnh mà còn phải kết hợp âm thanh và kỹ xảo để tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic, bảo đảm tính thẩm mỹ và truyền tải nội dung chân thực, sống động và thu hút người xem” - phóng viên quay phim Hồ Vũ Hoàng Tuân, Phòng Báo điện tử và Tư liệu, Báo Long An, chia sẻ.

Phóng viên quay phim Hồ Vũ Hoàng Tuân (Phòng Báo điện tử và Tư liệu, Báo Long An) dựng tin hội nghị của tỉnh

Tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Phòng Chuyên đề, KTV dựng phim là bộ phận rất quan trọng vì là khâu cuối cùng của tác phẩm hoàn chỉnh nên KTV luôn cẩn trọng trong việc truyền sản phẩm và kiểm tra bước đầu ở phòng truyền dẫn phát sóng trước khi lên sóng chính thức.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các đài phát thanh và truyền hình muốn tồn tại thì đòi hỏi tác phẩm tạo ra ngoài kịch bản, hình ảnh quay phim, yếu tố đồ họa, kỹ xảo truyền hình trong mỗi tác phẩm cũng không thể thiếu. Chị Trương Thị Xuân Tiền - KTV dựng phim, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, cho biết: “Tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn khai thác tối đa những ưu điểm của phần mềm dựng phim Adobe Premiere tạo ra những sáng kiến, cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học nhằm tăng hiệu quả, chất lượng hình ảnh hấp dẫn, âm thanh sống động cho mỗi tác phẩm báo chí”.

Theo chị Trương Thị Xuân Tiền (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An), công việc dựng phim phải luôn sáng tạo, cập nhật nhanh công nghệ

Chị Tiền chia sẻ, chị mày mò, tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều lần để hiệu ứng âm thanh sử dụng trong phóng sự gần giống như tiếng động hiện trường. Mỗi tác phẩm được chị ứng dụng những hiệu ứng âm thanh làm người xem cảm nhận đó, là một câu chuyện thật được diễn tả lại bằng hình ảnh và âm thanh. Khi khai thác các hiệu ứng âm thanh đó, thông tin được truyền tải nhanh chóng, sinh động, chính xác, khách quan và đi sâu vào lòng của người xem.

Với tinh thần trách nhiệm và không ngại khó, năm 2023, chị Tiền đã hoàn thành gần 300 tác phẩm được phát sóng trên kênh LA34. Bên cạnh đó, chị Tiền ứng dụng công nghệ khai thác các kỹ xảo để tạo ra các sản phẩm gây ấn tượng và hấp dẫn, được cấp trên đánh giá cao. Điển hình như các phóng sự: Vượt lên thử thách vững bước đi lên; 75 năm ngành Kiểm tra Đảng; Long An kết nối Đông Tây; Long An qua 3 năm xây dựng nông thôn mới;...

Với những nỗ lực đó, chị Tiền được Bộ Khoa học và Công nghệ khen thưởng vào cuối năm 2022. Ngoài ra, chị còn nhận giải thưởng liên hoan truyền hình toàn quốc; các giải thưởng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giải báo chí tỉnh;...

Chị Tiền chia sẻ thêm: “Mỗi công việc đều có những đặc thù và khó khăn riêng nhưng vì yêu công việc nên tôi cố gắng khắc phục. Những hôm làm ca tối, về nhà quá nửa đêm nhưng tôi vẫn vui vì luôn được chồng con động viên và thông cảm với công việc của tôi”.

Anh Tuân cho biết: “Niềm đam mê thôi chưa đủ, tôi trụ được nhờ người thân hiểu và thông cảm với công việc. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc, tôi sắp xếp thời gian dành cho gia đình để gắn kết tình cảm và cũng để tìm được niềm vui, giải tỏa áp lực công việc”.

Hàng ngày, những người đứng sau khung hình cần mẫn như những chú ong chăm chỉ. Họ lặng lẽ góp phần quan trọng vào việc tạo nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh./.

Phóng viên trẻ: Từ ước mơ đến hiện thực

Phóng viên trẻ: Từ ước mơ đến hiện thực 

Chị Phan Thanh Vy (phường 3, thị xã Kiến Tường) và chị Lê Toàn Mỹ Uyên (phường Tân Khánh, TP.Tân An) ấp ủ ước mơ trở thành một nhà báo từ bé, mong muốn dùng ngòi bút phản ánh sự thật.

Cao Tâm

Chia sẻ bài viết