1. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của người làm báo mà chúng tôi luôn được căn dặn kỹ từ khi mới vào nghề là “Không được tắt điện thoại dù là ban đêm hay ngày nghỉ”. Nghề phóng viên không phải hết giờ làm là có thể toàn tâm toàn ý cho gia đình và bản thân. Đó là công việc thi thoảng trong giờ hành chính có vẻ rất “rảnh rang” và ngày nghỉ vẫn phải trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Khi có vấn đề “nóng” xảy ra, báo chí thuộc nhóm tiên phong có mặt. Dù là nam hay nữ, đã nhận nhiệm vụ là nhất định phải hoàn thành. Đồng nghiệp của tôi từng có mặt ở các khu cách ly ngay những ngày dịch Covid-19 đang đỉnh điểm. Họ cũng là người có mặt ở các khu vực sạt lở nghiêm trọng, đầy nguy hiểm.
Đại dịch đã qua nhưng hình ảnh nữ đồng nghiệp trong bộ đồ bảo hộ màu xanh trùm kín người với chiếc máy ảnh trong tay vẫn luôn khiến tôi xúc động mỗi khi nhớ lại. Chị theo suốt quá trình chống dịch của tỉnh Long An, đưa những thông tin từ tâm dịch đến bạn đọc. Hỏi chị có sợ không? Sao lại không! Tuy nhiên, đó là trách nhiệm. Với vai trò nhà báo phụ trách lĩnh vực y tế, chị không thể đứng ngoài cuộc trong một cơn đại dịch!
Báo chí phải mang tính thực tế, điều đó đòi hỏi người làm báo di chuyển nhiều, tới bất cứ đâu mà công việc yêu cầu. Chuyện buổi sáng có mặt ở trung tâm thành phố, chiều đã về miền biên viễn là hết sức bình thường với những người làm báo chúng tôi. Và hành trình đó, đa số “độc hành”. “Ngày đi đêm viết” trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” đối với cánh phóng viên. Không phải vì chúng tôi không cần nghỉ ngơi mà khi công việc yêu cầu, chúng tôi không thể nào từ chối. Đã chọn làm báo thì phải dành nhiều thời gian cho công việc.
Khi chọn nghề nghĩa là chấp nhận bởi hầu như không có ngoại lệ nào dành cho người làm báo, việc các nữ nhà báo với máy ảnh, máy quay kề vai sát cánh cùng các đồng nghiệp nam trong những sự kiện lớn hoặc giữa vùng biên nắng, gió cũng là chuyện bình thường. Là phụ nữ, được mặc định là phái yếu nhưng điều đó không khiến các nữ nhà báo từ chối những công việc vất vả hay thoái thác nhiệm vụ.
Các nữ đồng nghiệp của tôi vẫn “phăm phăm” tay bút tay máy, kể cả trong những tháng thai kỳ. Các chị em vẫn có mặt ở cơ sở, vẫn độc hành trên những chặng đường xa để tìm kiếm thông tin và hoàn thành nhiệm vụ như bao đồng nghiệp khác. Với các chị, trong chặng đường ấy còn xen lẫn niềm vui khi có một thiên thần nhỏ đang đồng hành cùng mình trong công việc.
Trong suốt hành trình thai kỳ, phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều sản phẩm báo chí chất lượng
Khi được hỏi về những vất vả của mẹ bầu trong quá trình công tác, phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương (Báo Long An) chỉ cười: “Cũng có lúc cảm thấy mệt, người thân cũng có lo lắng cho sức khỏe của 2 mẹ con nhưng tôi nghĩ công việc nào cũng có chút khó khăn riêng nên chỉ cần cố gắng thêm một chút là được”. Không chỉ hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ, phóng viên Huỳnh Hương cùng đồng nghiệp còn kịp hoàn thành 2 loạt bài dài kỳ về đề tài xây dựng Đảng và được đánh giá cao. Phóng viên Huỳnh Hương tiết lộ, chị vẫn đang ấp ủ thêm 1 loạt bài nữa, dự định sẽ hoàn tất trước khi nghỉ thai sản nhưng do ngày sinh quá gần, chị đành gác lại dự định trên.
2. Để có sản phẩm báo chí chất lượng không đơn giản chỉ là đi và viết, đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức trong suốt hành trình làm nghề. Tôi may mắn được gặp gỡ các vị tiền bối trong nghề, những nhà báo kỳ cựu và là những tấm gương sáng về tinh thần lao động nghiêm túc, không ngừng học hỏi. Ở độ tuổi nghỉ hưu, các chú, các bác vẫn đọc, viết mỗi ngày như một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Mỗi người đều giống như một quyển bách khoa toàn thư sống.
Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt từng nói với tôi rằng: “Kiến thức nền là thứ bắt buộc phải có với một nhà báo, để giúp người viết có thể kiểm chứng bước đầu về độ chính xác của thông tin mà mình tiếp nhận và xử lý. Và đó là điều không trường lớp nào dạy chúng ta cả, người làm báo phải tự tích lũy cho mình”. Hành trình tích lũy đó bắt đầu từ việc đi, quan sát, lắng nghe, học hỏi và đọc.
Khi được hỏi điều gì khiến các nhà báo có nhiều động lực trong hành trình của mình, câu trả lời phổ biến nhất có lẽ là vì tình yêu nghề và niềm vui mà nghề mang lại. Có thể hành trình thu thập, xử lý thông tin vất vả nhưng khi một sản phẩm báo chí hoàn tất, đến được với công chúng và nhận được phản hồi tích cực thì đó là niềm vui khó lòng diễn tả. Bằng ngòi bút của mình, nhà báo phản ánh những thông tin thực tế, nói giúp người dân tâm tư, nguyện vọng và đưa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn.
Gần 15 năm làm nghề, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nga (thứ 3, trái qua) có nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, đoạt giải báo chí tỉnh, khu vực và bộ, ngành
Những năm gần đây, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nga (Báo Long An) là tác giả của nhiều loạt bài chất lượng về đời sống, văn hóa của người dân miền Tây. Mỗi nhân vật, địa danh trong các loạt bài của chị đều được lựa chọn cẩn thận, thể hiện khéo léo, bộc lộ tốt ý đồ của tác giả và phản ánh chân thực về những vấn đề “nóng” tại Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở, hạn, mặn,...
Gần 15 năm trong nghề, chị rèn luyện cho mình tính chịu khó, “chắt chiu” tư liệu, tính xông pha, hết lòng, hết sức với nghề. Để đến khi mọi nỗ lực vừa “độ chín”, chị có cho mình những tác phẩm chất lượng, được bạn đọc đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng báo chí cấp tỉnh, khu vực, bộ, ngành,... Đối với người làm báo, các giải thưởng báo chí là thước đo cho những nỗ lực của mình và sự công nhận của độc giả chính là động lực lớn lao để các nhà báo bám trụ với nghề!
Nghề báo nhìn từ bên ngoài rất dễ thấy đây là công việc có thời gian linh động, có vẻ an nhàn và người làm nghề thường có mối quen biết rộng, có chút hào nhoáng nhưng khi đã thực sự bước vào, yêu thương và gắn bó thì mới rõ, sự hào nhoáng ấy chỉ là một chút gia vị nhỏ trong hành trình làm nghề đầy vất vả, thăng trầm của người làm báo!/.
Thu Lam