Tiếng Việt | English

12/12/2017 - 11:26

Kỳ vọng một vụ mùa bội thu

Hiện nay, mực nước trên các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) đang rút dần. Đây cũng là thời điểm nông dân bắt đầu khởi động việc xuống giống vụ lúa chính trong năm - Đông Xuân (ĐX) 2017-2018. Dù việc đồng áng vất vả nhưng những người trồng lúa cảm thấy vui và đặt kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu.

Tất bật chuẩn bị

Những ngày gần đây, những cánh đồng lúa trên địa bàn các huyện, thị xã vùng ĐTM trở nên nhộn nhịp bởi tiếng ầm ì của máy trục, máy bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài hòa lẫn tiếng nói, cười của nông dân khi đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa chính trong năm.

Nông dân tất bật chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân

Đang trực máy bơm rút nước cho ruộng lúa gần 2ha vừa gieo sạ xong của gia đình, anh Nguyễn Thế Anh (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “So với mọi năm, vụ ĐX năm nay, người dân xuống giống trễ hơn gần 1 tháng, bởi năm nay nhuần 2 tháng 6 (âm lịch) và nước lũ cao hơn trung bình nhiều năm nên nông dân cố gắng đợi nước rút mới dám gieo sạ. Khi chúng tôi thấy thời tiết thuận lợi, nước lũ rút, đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì mới tiến hành xuống giống. Năm nay, lũ lớn mang về lượng phù sa khá nhiều cho đồng ruộng nên giảm chi phí phân bón. Với những mặt thuận lợi bước đầu, chúng tôi hy vọng, vụ lúa ĐX năm nay sẽ trúng mùa, trúng giá”.

Hiện nay, nông dân vùng ĐTM xuống giống trên 49.200ha lúa ĐX 2017-2018. Theo những nông dân ở đây, việc canh tác cùng một loại giống và gieo sạ chung một thời điểm của từng cánh đồng có rất nhiều thuận lợi, nhất là bảo đảm lịch thời vụ, né rầy, thu hoạch cùng lúc.

Ông Nguyễn Văn Bụi, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng cho biết: “Vụ này, gia đình tôi làm 2,5ha lúa; đến nay,
khâu chuẩn bị đã xong, sẵn sàng để xuống giống. Tuy nhiên, do nước lũ vẫn còn, mực nước đang xuống nên tôi luôn theo dõi thông tin từ các cấp và ngành nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ để vụ ĐX đạt hiệu quả cao”.

Để vụ đông xuân đạt hiệu quả

Để đạt một vụ mùa bội thu, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiến hành tập huấn kỹ thuật cho và vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, đợt 3 từ ngày 25-12-2017 đến 04-01-2018. Để tránh tình trạng nông dân “xé rào” xuống giống, ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân về kỹ thuật trồng lúa, hướng dẫn sạ hàng để giảm lượng giống; đồng thời, cử cán bộ tại các địa bàn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện những loại dịch hại.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện: “Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân nên ưu tiên gieo sạ trong vụ ĐX năm nay các giống lúa: Nhóm giống cao sản chất lượng cao như OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 1352, OM 4218,...; nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: Jasmine 85, Nàng hoa 9, RVT, Nếp IR 4625, VD 20, AGPPS 103,...; nhóm giống chất lượng trung bình: IR 50404; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976; tăng cường sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 100-120kg/ha. Qua khảo sát sơ bộ trong dân và tại một số điểm bán lúa giống trên địa bàn tỉnh thì cơ cấu giống lúa mà nông dân sử dụng trong vụ ĐX này nằm trong khung khuyến cáo. Qua đó, sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp”.

 Nông dân chăm sóc lúa

Cũng theo ông Thiện, trước khi bắt đầu xuống giống cho đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều hoạt động cho công tác chuẩn bị. Cụ thể, ban hành khung lịch thời vụ, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để mời gọi doanh nghiệp thu mua lúa trong và ngoài tỉnh tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân. Đồng thời, Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người trồng lúa để việc canh tác đạt hiệu quả,... Từ những việc làm thiết thực trên, hy vọng vụ lúa ĐX 2017-2018, nông dân sẽ thắng lợi trên nhiều mặt, góp phần phát triển KT-XH chung cho tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành yêu cầu các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu để có những khuyến cáo cho nông dân. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về lịch thời vụ khuyến cáo, diễn biến dịch hại; vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan, không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Riêng ngành sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác điều tra dự tính, dự báo, thông báo, dự báo kịp thời khả năng phát sinh của sâu, bệnh hại quan trọng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra ở mức thấp nhất; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức phong phú, tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “quản lý dịch hại tổng hợp IPM”, “công nghệ sinh thái”, sử dụng nấm xanh, tưới nước tiết kiệm; từng bước hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, mà mục tiêu trước mắt là thực hiện tốt việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa cho nông dân./.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo sạ trên 64.000ha lúa Đông Xuân  2017-2018 (kế hoạch 233.000ha), tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười; trong đó, có 698ha ở huyện Cần Đước thu hoạch, năng suất khô ước đạt 50 tạ/ha, sản lượng 3.490 tấn.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết