Diện mạo nông thôn huyện Cần Đước ngày càng thay đổi (Trong ảnh: Tuyến đường trên địa bàn ấp 2, xã Phước Tuy)
Lấy sức dân lo cho dân
Mô hình xây dựng mô hình mỗi ấp, khu phố tổ chức nhân dân thực hiện một công trình thiết thực, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân tại ấp, khu phố được gọi tắt là mô hình Mỗi KDC một công trình. Huyện Cần Đước là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát động, triển khai, thực hiện mô hình. Với phương châm “Huy động sức dân để phục vụ nhân dân”, mô hình phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, huy động nguồn lực và sự tham gia trực tiếp của người dân trong giải quyết những vấn đề cấp bách ở từng KDC, thể hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Kim Cương cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện mô hình được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Các công trình phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, được nhân dân đồng thuận cao. Quy mô công trình ngày càng nâng lên. Người dân ngày càng có niềm tin và gắn bó với Mặt trận cơ sở.
Từ năm 2016 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện duy trì tổ chức phát động thực hiện mô hình vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) tại từng địa bàn dân cư. Mỗi năm, huyện có hơn 120 công trình được thực hiện ở KDC, người dân đóng góp hơn 10 tỉ đồng, hiến hàng chục ngàn mét vuông đất và hàng trăm ngày công lao động để triển khai, thực hiện mô hình”.
Công trình xây dựng cổng ấp văn hóa khang trang tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước
Hàng năm, mỗi KDC thực hiện một công trình đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và được nhân dân đề xuất, bàn bạc và quyết định. Riêng năm 2022, huyện có 113/115 KDC thực hiện mô hình, huy động người dân đóng góp với tổng kinh phí hơn 17,9 tỉ đồng, hiến 11.300m2 đất và góp 450 ngày công lao động. Năm 2023, huyện có 113/115 KDC triển khai, thực hiện, huy động được sự đóng góp kinh phí của người dân hơn 18,4 tỉ đồng.
Việc triển khai, thực hiện mô hình góp phần nhựa hóa đường đến 17/17 xã, thị trấn; 2 trục đường chính ở 115/115 ấp được mở rộng, cứng hóa hoặc bêtông hóa mặt đường đạt chuẩn nông thôn mới và hơn 80% tuyến đường giao thông trong ấp đều được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đến nay, 100% tuyến đường đến từng hộ gia đình trên địa bàn huyện đều được rải đá xanh hoặc bêtông hóa, không lầy lội vào mùa mưa. Nhiều công trình nạo vét kênh, rạch tại các ấp được triển khai, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Qua thực hiện mô hình, huyện có 87/126 cổng ấp văn hóa được xây dựng kiên cố, góp phần chỉnh trang diện mạo KDC. Các công trình trồng cây xanh, trồng hoa; xây dựng ảnh Bác và cột cờ; thay thế những trụ điện sau điện kế làm bằng cây thành trụ bêtông nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão được duy trì thực hiện hàng năm.
Phát huy dân chủ ở cơ sở
Cũng như các địa phương khác, UBMTTQ Việt Nam huyện Thạnh Hóa xác định mô hình Mỗi KDC một công trình là việc làm cụ thể vừa góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa huy động sự đóng góp rất lớn và sự đồng thuận cao của nhân dân để chăm lo cho dân trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới. Vì vậy, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phát huy dân chủ ở cơ sở để người dân bàn bạc, đóng góp ý kiến chọn một công trình hiệu quả, phù hợp với từng KDC để thực hiện.
Việc thực hiện mô hình Mỗi khu dân cư một công trình góp phần làm cho diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Thạnh Hóa ngày thêm khởi sắc
Hàng năm, 47 ấp, khu phố trên địa bàn huyện đều đăng ký triển khai, thực hiện mô hình Mỗi KDC một công trình với những công trình, mô hình cụ thể như Ánh sáng an ninh, trật tự; Ánh sáng an toàn giao thông; Đường cờ Tổ quốc; Tuyến đường xanh, sạch đẹp; Xây dựng trụ sở cổng ấp văn hóa; Thu gom, phân loại rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường; Phân loại rác tại nguồn; Trồng hoa hoàng yến trên tuyến đường 30/4, thị trấn Thạnh Hóa;…
Qua tuyên truyền, vận động, người dân huyện Thạnh Hóa nâng cao ý thức trong việc thu gom và xử lý rác đúng theo quy định
Là hộ dân đi đầu thực hiện các công trình do UBMTTQ Việt Nam xã Thuận Nghĩa Hòa phát động, ông Cao Hữu Tâm (ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa) bộc bạch: “Mô hình Mỗi KDC một công trình góp phần khơi dậy, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay xây dựng KDC ngày càng sạch đẹp. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi”.
Để thực hiện hiệu quả mô hình, UBMTTQ Việt Nam xã Thuận Nghĩa Hòa xin ý kiến Đảng ủy xây dựng dự thảo kế hoạch phát động công trình, tổ chức họp thành viên của UBMTTQ Việt Nam xã và bí thư chi bộ, trưởng, phó ấp, Ban Công tác Mặt trận ấp để bàn bạc, góp ý, thống nhất và triển khai. Sau đó, UBMTTQ Việt Nam xã phối hợp tổ chức họp dân lấy ý kiến triển khai, thực hiện.
Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa tích cực tham gia mô hình Mỗi khu dân cư một công trình với những phần việc cụ thể, thiết thực
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thuận Nghĩa Hòa - Phạm Quốc Khánh thông tin: “Mô hình Mỗi KDC một công trình tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng dân cư. Các công trình đều do người dân lựa chọn, quyết định về quy mô và hình thức thực hiện nên được đồng thuận cao. Việc thực hiện mô hình từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần khơi dậy sức mạnh toàn dân chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.
Có thể khẳng định, mô hình Mỗi KDC một công trình đã khơi dậy, nâng cao ý thức cộng đồng chung tay xây dựng KDC ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những việc làm thiết thực, cụ thể ở từng KDC không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mà đời sống vật chất, tinh thần ở cộng đồng dân cư cũng ngày càng nâng cao; tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn bó./.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ đánh giá: “Mô hình Mỗi KDC một công trình được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động và chỉ đạo triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình có ý nghĩa quan trọng, là biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC; góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, nâng cao tinh thần tự quản của cộng đồng, huy động sức dân để lo cho dân; thể hiện vai trò trung tâm của MTTQ trong công tác hiệp thương, phối hợp các tổ chức thành viên”.
Từ khi phát động đến nay, toàn tỉnh huy động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất và ngày công lao động thực hiện được 1.032 công trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các công trình được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch nên người dân đồng thuận cao, đóng góp tổng số tiền hơn 165,9 tỉ đồng, hiến hơn 17.050m2 đất, góp 3.254 ngày công lao động để đầu tư vào các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, môi trường (nước sạch, rác thải,...). Mô hình góp phần thay đổi cảnh quan ở KDC, môi trường được cải thiện, các tuyến đường liên xóm, liên ấp, liên xã được cứng hóa.
|
Quang Nguyên