Minh họa: Thiện Mỹ
Lão bà bà từ ngoài đi vào, ném cho Vy cái nhìn thiếu thiện cảm, “Làm báo mà mang đôi giày cao chót vót như đi diễn thời trang”. Trời hỡi! sao mà có người đáng ghét đến vậy. Nhìn qua thôi cũng biết lão bà bà hơn Vy cả ba mươi tuổi và Vy đáng tuổi con cháu bà, sao lại đối xử như vậy với Vy chứ?
Bước vào Phòng Trị sự, Vy chớp chớp mắt ra vẻ ngây thơ lắm, rồi nhỏ nhẹ: “Con chào chú, em chào mấy chị, con là Thảo Vy, phóng viên tập sự. Hôm nay, con đến nhận việc ạ!”. Chú trưởng phòng cười thật hiền, hướng dẫn Vy lên Phòng Phóng viên: “Phóng viên mà hiền quá coi chừng bị ăn hiếp nha con!”. Vy cúi đầu chào chú rồi bước lên cầu thang, trong lòng thầm nhủ “Ráng thùy mị, phải tròn vai thỏ trắng, đừng lộ cái đuôi sư tử”.
Phòng Phóng viên có chừng mười mấy người, kể cả bốn phóng viên tập sự, trong đó có Vy. Hôm nay đầu tuần, cả phòng họp nhận nhiệm vụ. Vy cố giữ nụ cười kiểu “hoa hậu thân thiện” chào hỏi tất cả mọi người. Đến bàn cuối, ôi, lão bà bà! Đáp lại lời chào và nụ cười quá ư thân thiện của Vy là ánh mắt lạnh lùng đến vô cảm của bà. Bà nhìn Vy rồi lại dán mắt vào màn hình máy tính, không có lấy một nụ cười. Không khí như ngột ngạt hơn, Vy ngước mắt nhìn cô trưởng phòng như cầu cứu, nụ cười thân thiện của cô như xoa dịu những lo lắng trong lòng cô bé vừa tốt nghiệp đại học, chân ướt chân ráo đến với tòa soạn. Sau màn chào xã giao, các thành viên nhanh chóng nhận nhiệm vụ mới. Mỗi phóng viên tập sự được kềm cặp bởi một phóng viên cũ. Vy nhìn hết một lượt, có anh phóng viên đẹp trai kiểu diễn viên Kim Soo Huyn của Hàn Quốc nhưng ra dáng phong trần và lãng tử hơn một chút. Nhìn lại thì Vy cũng giống Jeon Ji-hyun chứ bộ! Kỳ này sẽ kết hợp với anh thành một cặp đôi đình đám kiểu như phim Vì sao đưa anh tới. Còn đang miên man suy nghĩ về anh phóng viên đẹp trai thì giọng cô trưởng phòng kéo Vy về thực tại “Thảo Vy sẽ do cô Yên hướng dẫn. Cô Yên là một trong những phóng viên kỳ cựu và dày dạn kinh nghiệm của báo, ráng học hỏi ở cô Yên nha con!”. Ôi trời, sao có thể như vậy được chứ, sao lại là lão bà bà, chả lẽ đời Vy xui xẻo đến thế sao? Ôi anh Kim Soo Huyn của Vy…
Lão bà bà đúng là khó gần mặc dù Vy cố gắng rất nhiều nhưng thật ra, bà bà đã cứu Vy nhiều bàn trông thấy. Lần đầu theo bà, Vy được phân công chụp ảnh. Đến khi đổ hình vào máy, tấm thì nhòe, tấm thì mất nét… không tấm nào sử dụng được hết. Đang lo lắng không biết lấy hình đâu để nộp thì bà bà kêu Vy lấy tấm cuối cùng trong máy ảnh. Tấm ảnh đúng là rõ chuẩn, trong veo, chuẩn từ nét đến khung hình. Tấm này là chắc chắn không phải Vy chụp rồi, chắc là lão bà bà, mà rõ ràng Vy đâu thấy bà chụp. Mà thôi, dù sao có ảnh nộp là được rồi. Và lần đó, lời cảm ơn lão bà bà, Vy vẫn còn nợ. Lần kế tiếp, Vy được phân công đưa tin về hội nghị. Cầm nguyên cái báo cáo dài cộp trên tay, Vy như “tường thuật trực tiếp” cả hội nghị. Loay hoay cả buổi, hoàn thành cái tin dài hai trang giấy A4. Hí hửng nhờ bà bà xem giúp, Vy nhận được câu nói lạnh lùng: “Cắt lại còn nửa trang”. Cả tâm huyết của Vy mà giờ kêu cắt mà chỉ còn nửa trang nữa chứ, sao cắt được. Lại vật lộn với cái tin hơn hai tiếng đồng hồ, chắc chịu thua thôi. Lúc này, lão bà bà đặt trước mặt Vy bản tin được cắt gọt gọn gàng, phản ánh đúng trọng tâm nội dung hội nghị. Vy cứ đọc tới đọc lui hai bản tin, so sánh để bỏ bớt những nội dung không cần thiết trong bản tin của mình. Cứ thế, sau hai tháng theo lão bà bà, Vy học được rất nhiều điều và lúc này hình ảnh lão bà bà trong Vy trở nên gần gũi hơn dẫu bà vẫn luôn lạnh lùng. Một sáng, nhận được tin nhắn “Cà phê đi, đang ở Điểm Hẹn”, Vy ù té chạy đến quán. Vẫn lão bà bà với những nét quen thuộc. Chiếc áo linen màu vỏ đậu, chiếc khăn choàng hờ hững đôi lúc được quấn lên đầu, cái túi nỉ hình như lâu lắm rồi, Vy nhớ lúc bảy, tám tuổi gì đó, thấy mẹ từng dùng. Vẫn những câu nói lạnh lùng, cộc lốc, bà bà kêu Vy đi viết về bạo lực học đường. Hai ngày sau, bài viết được gửi cho bà, đọc xong, bà xé cái roẹt, “Bài báo chứ không phải là cái báo cáo mà chỉ thể hiện có bao nhiêu vụ việc, trường này làm gì, trường kia làm sao. Phải có những vụ việc cụ thể, những ảnh hưởng của nạn bạo lực và phải đưa ra được cách giải quyết vấn đề”. Thế là đi viết lại, lân la tìm hiểu từ học sinh, lấy ý kiến thầy, cô giáo. Bài thứ hai bị sửa từa lưa, bà bà yêu cầu bỏ bớt phần này, thêm ý kiến kia. Bài thứ ba tạm ổn nhưng vẫn còn bị sửa và yêu cầu bổ sung một số ý. Đến bài thứ tư, bà bà mới tạm hài lòng và kêu Vy nộp bài cho cô trưởng phòng.
Hai năm rồi, lão bà bà dạy Vy rất nhiều điều nhưng chưa lúc nào bà tỏ ra thân thiện với Vy và Vy cũng biết rất ít về cuộc sống của bà. Vẫn chiếc túi nỉ đựng laptop và máy ảnh, vẫn chiếc Honda Cub lộc cộc, cũ kỹ, bà đi từ huyện này qua huyện khác. Có khi bà ở cơ sở cả tuần và những bài viết của bà lúc nào cũng thật gần gũi khác hẳn với tính cách khó gần của bà. Trong những chuyến đi ấy, có chuyến Vy được tháp tùng học cách lấy tư liệu, chọn góc máy và học cách sống cùng người dân như thế nào. Và đến tận hai năm sau, lời cảm ơn bà, Vy vẫn còn nợ…
Hôm nay, lão bà bà về hưu. Vy bần thần cả tuần trước đó. Vy chưa hình dung ra được tòa soạn vắng bà sẽ như thế nào. À, mà không, vắng bà, Vy sẽ như thế nào mới đúng. Tiệc chia tay, ai cũng ngà ngà say. Vy lãnh nhiệm vụ đưa bà bà về. Thực ra, hai năm nay, nhiều lần ngỏ ý đến nhà nhưng chưa lần nào bà đồng ý. Ngồi sau xe, bà ôm chặt lấy Vy: “Hôm nay, cô vui quá!”. Tiếng “cô” nghe ấm áp làm sao, khác hẳn với những lời nói trống không hàng ngày bà dành cho Vy. Căn nhà nhỏ phía cuối con đường, Vy không nghĩ đó là nhà của bà. Căn nhà được sơn màu tím, nhẹ nhàng. Cái giàn hoa tigon trước nhà rủ xuống những chùm hoa ngan ngát. Cái giá sách trong nhà được phủ rèm cẩn thận, trên đó có nhiều quyển sách quý: Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy… và nhiều quyển về nghiệp vụ báo chí. Bà nói sẽ tặng Vy một quyển, thích quyển nào cứ chọn. Vy dừng lại ở tấm hình thờ. Người đàn ông với đôi mắt ấm áp. Bà bà bảo: “Chú đó, ổng cũng là nhà báo, nhưng ổng bỏ cô đi lâu rồi, ổng hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam. Cái túi nỉ này nè là kỷ vật cuối cùng của ổng được đồng đội đem về cho cô, lúc đó bên trong có cái máy ảnh, cây viết và quyển sổ. Cái túi theo cô mấy chục năm nay rồi, coi như lúc nào ổng cũng ở cạnh bên cô”. Bà bà ngồi xuống ghế salon, mắt cứ mãi nhìn lên tấm hình thờ, hình như bà muốn nói nhiều điều lắm nhưng lại thôi. “Uống với cô lon bia nữa nha, nay cô muốn uống”. Một lon, hai lon, ba lon... lão bà bà lấy ra cái hộp giấy được gói cẩn thận đưa Vy rồi dặn về đến nhà mới được xem.
Chiếc taxi đậu lại trước nhà, Vy vội vàng vào phòng, đóng cửa lại và mở chiếc hộp ra. Một quyển sổ khổ lớn, từng bài viết của Vy được đăng báo trong hai năm qua được bà bà cắt ra rồi dán vào sổ. Bài này lúc đi biên giới với bà bà, bài này được sửa đi sửa lại cả chục lần, bài này, rồi bài này nữa… không thiếu bài nào. Vy nghẹn ngào: “Bà bà ơi, con vẫn còn nợ lời cảm ơn…”./.
Anh Túc