23/02/2016 - 09:44

Lễ hội Làm Chay - Hướng về nguồn cội

Lễ hội Làm Chay hằng năm được xem là “cái tết thứ hai” của người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Theo thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán, người dân nơi đây lại bắt đầu tất bật chuẩn bị cho những ngày lễ hội.


Lãnh đạo địa phương dâng hương tại buổi lễ 

Trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp về thị trấn Tầm Vu - nơi diễn ra lễ hội Làm Chay. Đây là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa của người dân địa phương. Khởi thủy của lễ hội Làm Chay là tín ngưỡng cầu siêu ở đám tang, có lập chay đàn thí thực, cúng thập loại cô hồn với niềm tin cầu siêu cho vong linh liệt sĩ, những người đã khuất và cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lễ hội được tiến hành trong 2 ngày: 15 và 16 tháng Giêng âm lịch - chính xác ngày 15 là ngày khai lễ, thỉnh rước ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ) từ chùa Linh Phước về chùa Ông, thỉnh chư Phật, thỉnh thầy, khai mạc lễ hội, khai kinh tụng niệm cầu an; cúng tế liệt sĩ và đề phan liệt sĩ. Ngày 16 tháng Giêng diễn ra các trò chơi dân gian từ 8 giờ sáng trở đi, bao gồm: Bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, thả - bắt vịt,... Đây là những trò chơi giải trí, đem lại sự hào hứng chứ không mang tính chất đỏ đen, sát phạt nhau. Cũng trong ngày 16, phần lễ được tiến hành gồm: Cúng miếu Âm Nhơn; thỉnh Tiêu diện Đại sĩ lên giàn (rước từ chùa Ông về điểm hành lễ đình Tân Xuân); thỉnh cô hồn, chiêu u; thầy trò Tam Tạng trong Tây du ký đi thỉnh kinh và diễn đánh các động yêu quái với các nhân vật Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng;... Đến khuya thì thầy cúng chẩn tế cô hồn và sau đó xô giàn, đốt ông Tiêu cùng giấy vàng mã.


Cỗ bánh cúng đại diện cho năm Giáp Thân

Được biết, ngay từ đầu tháng Chạp, Đảng ủy, UBND thị trấn Tầm Vu và Ban Quản trị đình họp bàn thống nhất, phân công người phụ trách từng lĩnh vực cụ thể về việc tổ chức thực hiện lễ hội. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tầm Vu - Đỗ Tấn Thảnh cho biết: “Công tác chuẩn bị hoàn thiện theo kế hoạch hằng năm ngay từ trước Tết Nguyên đán. Từ ngày 20 tháng Chạp, UBND thị trấn tham mưu UBND huyện triển khai kế hoạch sơ bộ. Về nội dung, lễ hội cơ bản cũng giống như mọi năm. Tuy nhiên, về hình thức sẽ trang trí hoành tráng hơn, có nhiều nét đổi mới nhờ bàn tay tạo tác của những nghệ nhân chuyên nghiệp”.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức chú trọng các chương trình văn nghệ nhằm thu hút người dân tham gia. Điển hình như chương trình “Nghệ sĩ và tri âm” được tổ chức vào đêm 15 tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi huyện. Mặt khác, công tác tuyên truyền về các vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy,... trước, trong và sau lễ được chú trọng, đặc biệt là vấn đề an ninh, trật tự. Các đội trật tự được tăng cường phối hợp chặt chẽ bảo đảm an toàn cho du khách và người dân tham gia lễ hội. Tại khu vực hành lễ, Ban Tổ chức cũng huy động thêm các lực lượng bảo vệ nhằm hạn chế tối đa nạn ăn xin, móc túi, bảo đảm mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.


Tiêu diện Đại sĩ đã được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ (vào ngày rằm tháng Giêng)

Về Tầm Vu những ngày sau Tết Nguyên đán, cảm nhận đầu tiên khi đến đây là sự tất bật, khẩn trương của Đảng bộ, chính quyền địa phương,... nhất là người dân Tầm Vu khi háo hức chuẩn bị lễ hội. Nhiều ngày trước lễ hội, người dân bắt đầu trang trí các hạng mục tham gia lễ hội, dựng giàn đài liệt sĩ, làm ghe phóng sinh, làm các cỗ bánh, ghe phóng đăng, xe hoa,... Lễ hội Làm Chay là ngày hội của cộng đồng, vì vậy, không ai bảo ai, những người dân địa phương đều thấy mình cần có trách nhiệm chung tay, góp sức vì thành công của lễ hội.

Ông Đỗ Huyền Phi, ngụ khu phố 1, thị trấn Tầm Vu chia sẻ: “Hằng năm, cứ vào khoảng mùng 10 tháng Giêng là người dân lại tập trung về đình Tân Xuân để cùng nhau dọn dẹp, trang trí. Năm nay, số lượng người dân tham gia đông hơn, mỗi ngày có hơn 100 người hỗ trợ. Không chỉ riêng người dân ở địa phương mà du khách thập phương cũng tụ về với mong muốn góp một phần công đức của mình vào lễ hội. Đây là dịp để mọi người cùng ôn lại lịch sử và thể hiện lòng thành kính đối với những bậc tiền nhân”.


Xe hoa diễu hành được các nghệ nhân trang trí công phu

Phó Trưởng ban Tổ chức, phụ trách hành chính lễ hội Làm Chay - Ngô Minh Đa phấn khởi: “Hơn 20 năm tham gia công tác tổ chức, tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Đặc biệt, năm vừa qua, lễ hội được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đình Tân Xuân là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Đây chính là niềm tự hào, vinh dự của người dân Châu Thành và người dân cả tỉnh Long An. Đây cũng là cơ sở để các thế hệ trẻ sau này có thể tiếp nối và giữ vững truyền thống văn hóa của địa phương. Năm nay, nhờ mùa màng thuận lợi, đời sống người dân ngày một đi lên nên ai nấy đều trong tâm thế hào hứng chào đón lễ hội. Công tác xã hội hóa cũng vì thế mà thuận lợi hơn”.

Bên cạnh đó, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng hỗ trợ nấu ăn, cung cấp nước uống miễn phí,... đặc biệt là đăng ký làm những chiếc bánh mang đậm phong vị của người dân Nam bộ, vì những chiếc bánh này thể hiện sự sung túc của một năm làm ăn thịnh vượng nhờ sự phù hộ của người đã khuất. Qua đó, hy vọng năm nay gặt hái được nhiều thành công. Từ hơn 100 năm nay, lễ hội Làm Chay đi sâu vào tâm thức của người dân Tầm Vu và trở thành một mỹ tục được duy trì từ đời này sang đời khác. Dù có đi đâu, về đâu thì đến hẹn “Làm Chay mười sáu”, ai nấy cũng nhớ thu xếp công việc để trở về dự hội. Lễ hội Làm Chay thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết, là bằng chứng sống của lòng yêu nước ở mỗi người dân.

Lễ hội Làm Chay phản ánh lịch sử địa phương trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đó còn là sự tổng hòa các tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tinh thần yêu nước của tất cả tầng lớp nhân dân, đồng thời, nó còn là tín ngưỡng thể hiện tính nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta với các anh hùng liệt sĩ “vị quốc vong thân”. Lễ hội góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch từ thập phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc ta./.

Phạm Ngân - Lê Ngọc - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết
  • Y nghĩa dân gian ui we tôi.

    hoalien -
    Fatal error: Uncaught Error: Call to undefined function ereg_replace() in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php:140 Stack trace: #0 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/box_comment.phtml(22): Default_Model_Common::getPeriod('24-02-2016 11:5...', 'vi') #1 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #2 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #3 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/detail.phtml(1304): Zend_View_Abstract->render(NULL) #4 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #5 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #6 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(897): Zend_View_Abstract->render(NULL) #7 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(918): Zend_Control in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php on line 140