Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2019 đạt 506.258ha, sản lượng cả năm đạt trên 2,769 triệu tấn
Tăng trưởng khu vực I đạt 2,64%
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Kết thúc năm 2019, khu vực I tăng trưởng đạt 2,64% (kế hoạch 1,5%). Trong sản xuất nông nghiệp, ngoại trừ chăn nuôi heo gặp khó khăn, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi khác đều phát triển, hiệu quả, nông dân có lãi. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao. Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như cơ giới hóa trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ sinh học,… tiếp tục cho hiệu quả cao.
Năm 2019, tổng diện tích lúa đạt 506.258ha, sản lượng cả năm trên 2,769 triệu tấn, đạt 100,7% kế hoạch (2,75 triệu tấn), trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 1,37 triệu tấn. Đến nay, tỉnh có trên 15.075ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (đạt 75,38% kế hoạch), trong đó có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao và cơ giới hóa trong sản xuất. Kết quả từ các mô hình điểm cho thấy, chi phí giảm so với ngoài mô hình từ 0,8-1,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2 - 4 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6 - 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, một số nông dân còn sử dụng “Máy bay thông minh siêu nhẹ trong phun thuốc quản lý dịch hại trên cây trồng”.
Ngành công nghiệp dẫn dắt mức tăng trưởng chung
Theo báo cáo từ UBND tỉnh, năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 9,41% (kế hoạch 9,6%), tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm đến 45,51% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và tăng 14,83% so với năm 2018.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò dẫn dắt mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt kế hoạch nhưng tốc độ tăng trưởng khu vực II vẫn duy trì ở mức khá cao, đạt 14,45%. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với kế hoạch và năm 2018 vì trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực này luôn ở mức cao, đóng góp phần lớn trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục rất khó, do đó tốc độ tăng trưởng khu vực II ở mức khoảng 14,5% đã là thành công. Thành công này là nhờ lãnh đạo tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN. Theo đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tập trung hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước,... Từ những nỗ lực này, số lượng các DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào tỉnh tăng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 18.672 tỉ đồng, tăng 19,7% về số DN so với năm 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11.305 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 297.403 tỉ đồng. Tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 185 dự án với số vốn đăng ký 21.408 tỉ đồng, tăng 34 dự án và vốn đăng ký tăng 3.260 tỉ đồng so cùng kỳ. Đến nay, tỉnh có 1.910 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 216.679 tỉ đồng.
Lĩnh vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng tăng. Trong năm, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 109 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 320 triệu USD, tăng 38 dự án nhưng giảm 45 triệu USD vốn đầu tư so cùng kỳ. Đến nay, có hơn 1.000 dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 6.166 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, chiếm 57,0% tổng số dự án đăng ký với tổng vốn thực hiện khoảng 3.614 triệu USD, đạt 58,61% tổng vốn đăng ký.
Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích khoảng 2.277ha, lấp đầy gần 86%. Các khu công nghiệp thu hút được 1.514 dự án đầu tư, trong đó có 731 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4.144 triệu USD và 783 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 84.385 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 21 cụm công nghiệp đang hoạt động, lấp đầy trên 89%. Các cụm công nghiệp thu hút 544 dự án với tổng vốn đầu tư 15.635 tỉ đồng, trong đó có 60 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 209 triệu USD.
Một trong những dấu ấn quan trọng trong năm 2019 của tỉnh là nguồn thu ngân sách vượt kế hoạch dự toán và phấn đấu. Theo đó, dự kiến đến hết năm 2019, nguồn thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 18.000 tỉ đồng, trong đó, nguồn thu nội địa khoảng 14.500 tỉ đồng, nguồn thu từ thuế xuất, nhập khẩu khoảng 3.500 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế tăng cao, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách, duy trì tốc độ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Năm 2019, nguồn thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng và cốt lõi, chiếm hơn 50% tổng số thu. Những năm tới, DN đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, chắc chắn, tỷ lệ này sẽ tăng nhiều hơn nữa. Một điểm sáng khác của ngành thuế trong năm 2019 là số thu từ DN đầu tư nước ngoài đạt khá cao so với dự toán.
Đường tỉnh 833B thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm hoàn thành (đoạn kết nối từ Quốc lộ 1 - xã Long Hiệp, huyện Bến Lức)
Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cũng đạt nhiều kết quả nhất định. Trong đó, có 8/14 công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm hoàn thành; 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đang tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đường tỉnh 830 đang triển khai thi công và đưa vào hoạt động toàn tuyến vào năm 2020. Đường Vành đai TP.Tân An đang tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Phạm Văn Ngô, qua phường Tân Khánh và đoạn Phan Văn Tuấn nối Nguyễn Tấn Chính; Trục động lực Tiền Giang-Long An-TP.HCM đang thực hiện đồ án quy hoạch và phương án đầu tư.
Bên cạnh những dấu ấn về kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch: Trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 49,8% (kế hoạch 48%); người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,77% (kế hoạch đạt 86,3%); số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 90,8% (kế hoạch 72%); hộ sử dụng điện đạt 99,93% (kế hoạch 99,9%);...
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định, tuy kết thúc năm 2019, tỉnh có 3/26 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH của năm chưa đạt so với kế hoạch nhưng nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Đây là tiền đề, động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh đặt mục tiêu cho năm 2020 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư; kiểm soát đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách theo đúng quy định của pháp luật; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục cải cách hành chính, củng cố, tổ chức bộ máy hoạt động ổn định, hiệu quả gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
"Tuy kết thúc năm 2019 tỉnh có 3/26 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH của năm chưa đạt so với kế hoạch nhưng nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Đây chính là tiền đề, động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo".
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần
|
Mai Hương