Tiếng Việt | English

30/12/2021 - 08:42

Long An kêu gọi đầu tư vào dự án logistics

Long An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối các tỉnh, thành phố của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP.HCM và miền Đông Nam bộ. Với lợi thế này, cùng những nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng ĐBSCL và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam.

Kêu gọi đầu tư vào dự án logistics

Để phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng kinh tế trọng điểm, trong danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư năm 2021, tỉnh Long An kêu gọi đầu tư các dự án trung tâm logistics; trong đó có Dự án Trung tâm logistics tại xã Lương Hòa (huyện Bến Lức) với diện tích khoảng 50ha. Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể nhằm hướng tới xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, trở thành đầu mối tập trung các dịch vụ logistics tạo thành chuỗi trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics của Vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Một dự án logistics khác mà Long An đang kêu gọi đầu tư là Khu vực tiếp nhận kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Dự án có quy mô 40ha tại huyện Thạnh Hóa, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18,3 triệu USD. Khi đầu tư, doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức với quy mô 10ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Ngoài các dự án logistics này, Long An còn kêu gọi nhiều dự án khác với diện tích hàng trăm hécta đặt tại các xã: Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa (huyện Bến Lức), Trung tâm logistics tại Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).

Hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Quốc tế Long An

Xây dựng cửa ngõ thông thương hàng hóa của vùng

Với vị trí địa lý thuận lợi, Long An được xem là cửa ngõ để Vùng ĐBSCL vươn ra biển lớn nên việc tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cho các trung tâm logistics là cực kỳ quan trọng. Các dự án logistics cũng là một phần trong tầm nhìn lớn hơn để sớm thực hiện mục tiêu đề ra trong Quy hoạch về Trung tâm logistics định hướng 2020 - 2030 của Bộ Công Thương.

Chính vì điều này, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh phối hợp Đồng Tâm Group đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm logistics tại Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) với quy mô 147ha. Cảng Quốc tế Long An có vị trí hết sức thuận lợi do tiếp giáp sông Soài Rạp, cách Cảng biển Hiệp Phước - TP.HCM chỉ 10km đường sông, cách cửa biển Đông 15km.

Thông tin từ Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Long An - Lê Minh Phúc, cảng được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000DWT. Hiện tại, cảng có thể khai thác hàng rời từ 3.000 - 5.000 tấn/ngày đêm, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 25.000 tấn. Hiện nay, cảng thực hiện các dịch vụ logistics như vận hành bến xà lan, hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container, các công trình phụ trợ khác,...

Tất cả hạng mục cũng như hệ thống trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng để có thể hỗ trợ các hoạt động logistics phục vụ doanh nghiệp. Cảng đang phục vụ nhiều khách hàng là doanh nghiệp chuyên doanh sắt thép, thủy sản, nông sản, phân bón, thức ăn gia súc, hàng lỏng,... Đặc biệt, các khách hàng có sản phẩm siêu trường, siêu trọng phục vụ cho ngành điện gió.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù doanh nghiệp khu vực ĐBSCL xuất khẩu gạo chiếm 90% lượng của cả nước, trên 50% lượng thủy sản, 50% lượng rau, quả,... nhưng chỉ có khoảng 20 - 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng trong vùng. Phần hàng hóa xuất khẩu còn lại phải tiếp chuyển đến các cảng ở khu vực TP.HCM, miền Đông Nam bộ bằng đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải ven biển. Sự bất hợp lý đó không chỉ làm tăng chi phí, thời gian mà còn tạo thêm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ trong vùng vốn còn nhiều hạn chế.

Để giải quyết những bất cập này, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, một số ban, ngành khác kết nối giữa doanh nghiệp và Cảng Quốc tế Long An để tạo luồng giao thương mới trong xuất, nhập khẩu hàng hóa. Với sự thuận tiện trong lưu chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp cũng rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra.

Các dự án Trung tâm logistics khi được đầu tư và đi vào hoạt động, cùng với Cảng Quốc tế Long An đang ngày càng hoàn thiện, không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, gián tiếp làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu ngày càng tăng cao của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh Vùng ĐBSCL nói chung.

Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tận dụng tối đa các nội dung hợp tác thương mại song phương Việt Nam đã ký với các nước trên thế giới; kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích