Nhiều người trong đó có cả trẻ em phải ngồi đợi đến lượt được qua chốt tại chốt kiểm soát người và phương tiện trên tuyến Quốc lộ 62 thuộc huyện Tân Thạnh
Kể từ 00 giờ ngày 21/9/2021, Long An thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh theo Công văn 9229/UBND-VHXH, ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh. Ngay khi công văn có hiệu lực, nhiều người dân tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa (tỉnh Long An) và một số quận ở TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 15 ồ ạt kéo về quê tránh dịch. Điều này làm cho các chốt kiểm soát người và phương tiện trên Quốc lộ 62 và N2 (huyện Tân Thạnh) gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông nói: “Hiện nay, bình quân mỗi ngày các chốt phải kiểm soát trên 2.000 phương tiện cá nhân qua lại, trong đó chủ yếu là người dân tại các tỉnh miền Tây. Theo thống kê, những người đổ về chủ yếu là công nhân đã mất việc nhiều ngày, không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, do chốt bên tỉnh Đồng Tháp chưa cho qua dẫn đến ùn ứ trên địa bàn huyện rất nhiều. Cụ thể, ngày 22/9, có khoảng 200 người dân miền Tây ùn ứ ngay chốt bên tỉnh Đồng Tháp, giáp ranh với huyện Tân Thạnh. Hiện nay, các chốt trên Quốc lộ 62 và N2 tiếp tục ùn ứ vì người dân liên tục đổ về.
Trước tình trạng này, huyện cũng báo cáo UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải để có hướng giải quyết, đồng thời trong quá trình chờ giải quyết huyện cũng lo lương thực, thực phẩm cho người dân”.
Nhiều người chấp nhận rời xa quê hương để có công việc ổn định, cuộc sống bớt vất vả. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người không có việc làm, thu nhập, trong khi đó phải tốn nhiều chi phí nên việc họ bất chấp nguy hiểm, khó khăn về quê là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu trong số những người về quê nếu có một trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 sẽ làm cho thành quả chống dịch mất đi.
Anh Nguyễn Hữu Long (ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Tôi lên huyện Đức Hòa làm công nhân hơn 1 tháng thì dịch bệnh bùng phát dẫn đến mất việc làm hơn 2 tháng. Giờ đây, không còn chi phí sinh hoạt nên tôi quyết định chạy xe về quê. Chiều 22/9, tôi đến chốt tỉnh Đồng Tháp nhưng đến hôm nay vẫn chưa được qua”.
Tương tự, chị Trần Thị Hằng (quê Đồng Tháp) nghẹn ngào: “Tôi lên Đức Hòa làm công nhân, 3 tháng nay mất việc, không có thu nhập, trong khi đó 2 cháu nhỏ còn phải uống sữa. Do đó, khi Long An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, tôi quyết định trả nhà trọ về quê. Biết là việc đi qua các chốt rất khó khăn nhưng chúng tôi không thể ở lại được, giờ chỉ mong chính quyền địa phương sớm giải quyết cho qua chốt”.
Nhiều người quá mệt nên tìm chỗ nằm nghỉ ngơi đợi được qua chốt tại tỉnh Đồng Tháp
Đối với người lớn, việc chạy xe hàng chục, hàng trăm kilomet để về quê là rất mệt mỏi và đầy nguy hiểm, huống chi là những đứa trẻ mới chỉ được vài tháng tuổi. Có tận mắt chứng kiến hình ảnh các mẹ vừa ngồi đợi được qua chốt, vừa cho con uống sữa, chúng ta càng cảm thấy xót xa, vừa lo lắng cho nỗ lực phòng, chống dịch của các cấp, các ngành thời gian quan.
Từ chiều 22/9 đến 10 giờ ngày 23/9, người dân vẫn chưa được qua chốt tại tỉnh Đồng Tháp
Chia sẻ với những người lao động nghèo đang mỏi mòn chờ đợi được qua chốt, người dân xung quanh chốt chủ động nấu ăn, phát nước uống miễn phí. Hành động, việc làm ý nghĩa này cho ta thấy tình người thật ấm áp biết bao, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào người Việt Nam vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau.
Ông Mai Văn Đời (ngụ xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: “Từ 3 giờ chiều ngày 22/9 đã có nhiều người ngồi đợi ở đây để được chờ qua chốt. Thấy vậy, tôi thương quá nên hái rau, bắt cá lên nấu cơm, sau đó cho vào hộp để đó cho ai đói thì đến lấy ăn, còn buổi tối thì đem võng cho họ mượn”.
Nhiều người mỏi mòn chờ được qua chốt, họ chưa bao giờ cảm thấy đường về quê xa đến vậy
Được biết, ngày 19/9, UBND tỉnh Long An có văn bản gửi các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ về việc phối hợp, quản lý, kiểm soát sự di chuyển của người dân qua địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương (đặc biệt là địa phương nơi đi và địa phương nơi đến) về phương án di chuyển của người dân trở về quê hoặc trở lại làm việc, học tập tại các tỉnh thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và thông tin cho UBND tỉnh Long An được biết để phối hợp kiểm soát, dẫn đường,... bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Long An và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đang lên phương án, kế hoạch đưa người dân về. Tuy nhiên, việc người dân ào ạt kéo về quê đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch. Thiết nghĩ, người dân phải thật bình tĩnh và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra trong công tác phòng, chống dịch hiện nay./.
Lê Ngọc