Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đến 15 giờ chiều nay, mưa lũ đã làm 3 người chết, 3 người mất tích và 5 người bị thương.
Các nạn nhân bị thiệt mạng là ông Hà Văn Chương, 48 tuổi, ở bản Noong Thăng, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên; ông Phùng Ná Nhì, 80 tuổi, ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và Lầu Chờ Sát, sinh năm 1955, ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ. Các nạn nhân thiệt mạng đều do bất cẩn đi làm nương hoặc ở nhà bị sạt lở đất đá đè chết.
Lũ tại cầu Chu Va, Tam Đường, Lai Châu
Ba nạn nhân mất tích là bà Lò Thị Òng, 60 tuổi, bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; ông Dương Ngọc Hưng, 58 tuổi (trú tại thành phố Lai Châu) là chủ trại cá nước lạnh tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và ông Ly Pờ Ti, bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn.
Ngoài ra, địa phương cũng ghi nhận có 5 người khác bị thương ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên do đất sạt lở vào nhà. Hiện các nạn nhân đang được điều trị tại gia đình, trạm y tế xã và bệnh viện huyện.
Hiện các nạn nhân thiệt mạng đã được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình mai táng. Các nạn nhân mất tích đang được người thân phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm.
Trước đó, tại Lai Châu mưa lớn từ đêm đến sáng 24/6 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn.
Cụ thể, lượng mưa đo được lớn nhất tại trạm Nậm Giàng, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ vào đêm qua là 173mm, còn lại tại các huyện đều từ trên 50 đến 100mm.
Ngoài ra, mưa lũ đã làm hư hỏng cây cầu treo tại bản Sang Ngà, xã Phúc Than, huyện Than Uyên; hồ Noong Thăng nằm sát quốc lộ 32, thuộc xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên bị ngập, gây ách tắc giao thông cục bộ; hơn 30ha lúa, hoa màu bị ngập và nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã, liên bản bị sạt lở đất đá... ước tính thiệt hại ban đầu về tài sản là hơn 1 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Đây là đợt mưa kéo dài đầu mùa, nhưng bước đầu đã ghi nhận thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngay trong buổi sáng nay, đoàn công tác của tỉnh đã xuống các địa bàn bị thiệt hại để chỉ đạo công tác khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời yêu cầu các huyện rà soát các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao để di chuyển đến nơi an toàn.
Trước đó, tại Hà Giang, vào khoảng 20h ngày 22/6, do lượng mưa quá lớn trong những ngày qua trên địa bàn huyện Quản Bạ khiến khu vực quốc lộ 4c Km62 đến Km 65, đường Hà Giang đi Đồng Văn thuộc địa phận xã Cán Tỷ sạt lở khối lượng trên 500m3 đất chiếm hơn nửa lòng đường. Tại trường mầm non xã Cán Tỷ, đồ dùng, trang thiết bị và một số hạng mục công trình bị hư hỏng nặng ước tính thiệt hại trên 250 triệu đồng.
Nước ngập sâu ở nhiều nơi
Diện tích ngô, hoa màu của nhân dân bị đổ nát thiệt hại 17 ha. Nhà ở của các hộ dân Thôn Sủa, Cán Tỷ bị nước mưa cuốn sợi đá, chảy vào nhà là đổ tường, hỏng mái, đất vùi lấp gây thiệt hại trên 100 triệu đồng. Theo ghi nhận,tại khu vực xảy ra sạt lở, chỉ có phương tiện xe máy lưu thông được, còn lại các phương tiện xe ô tô, xe tải bị ùn tắc lại.
Mưa lũ gây ngập nhà dân
Mưa lũ tại Lào Cai cũng làm cho tuyến đường sang Lai Châu bị tê liệt hoàn toàn. Tại xã Minh Lương, Dương Quỳ, Hoà Mạc và xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, xuất hiện mưa lớn dữ dội kéo dài trút xuống, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, lúa, hoa màu các loại của người dân địa phương. Tại xã Văn Bàn, lũ xuất hiện rất nhanh trên suối Ngòi Chăn rồi ảnh hưởng ra các xã xung quanh, bắt đầu khoảng 3h sáng tại Minh Lương, Nậm Xé rồi lan xuống Hòa Mạc, Dương Quỳ.
Thống kê sơ bộ, mưa lớn làm nước lũ tràn vào 14 hộ dân gây thiệt hại nhiều tài sản bên trong, nước lũ dâng cao làm ngập úng trên 70ha lúa, hoa màu các loại. Mưa lớn làm sạt lở 3 điểm, với khối lượng hàng trăm mét khối đất đá từ trên đồi cao trượt xuống, khiến tuyến đường Văn Bàn đi Than Uyên, tỉnh Lai Châu bị tê liệt hoàn toàn. Hiện các địa phương trên đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Tuyến Quốc lộ 279 từ Văn Bàn, tỉnh Lào Cai sang huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu bị tê liệt hoàn toàn do sạt lở đất đá. Tại Km60 trên quốc lộ 12, tuyến đường từ Lai Châu đi Điện Biên thuộc xã Noọng Hẻo, cách ngã 3 Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ 12 km do sạt lở hàng trăm mét khối đất đá khiến tuyến đường này cũng bị tê liệt hoàn toàn; Quốc lộ 32 đoạn qua bản Noong Thăng, xã Phúc Than,huyện Than Uyên cũng bị ách tắc. Theo các cơ quan chức năng, do trời vẫn mưa to nên phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể thông đường.
Đường giao thông bị đất đá sạt lở chắn lối
Mưa lũ đã làm trôi một cây cầu cứng qua suối Nậm Mít, thuộc bản Lào, bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; làm hư hỏng 2 công trình thủy lợi tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông cục bộ ở Điện Biên
TTXVN dẫn lời ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên cho biết: Từ ngày 23/6, do chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 đến 25 độ Vĩ Bắc kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m trên khu vực phía Bắc nên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to.
Hoa màu bị hư hỏng
Tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 23/6 đến sáng 24/6 tại một số nơi như: Thuỷ văn Mường Lay 43mm, Khí tượng Mường Lay 42mm, đèo Pha Đin 35mm, huyện Tuần Giáo 33mm; đo mưa tự động tại Tả Phình 44mm, Mường Tùng 25mm.
Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp đang có xu hướng hoạt động mạnh dần, từ ngày 24/6 đến ngày 26/6, tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Cảnh báo lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt, tại các địa phương như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và vùng lân cận nguy cơ xảy ra lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai thuộc cấp độ 1.
Theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 23/6 tình trạng sạt lở đất đá đã xảy ra ở một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như: Quốc lộ 12, tỉnh lộ 4H… gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ; một số con sông, suối lớn mực nước đã dâng cao và lưu lượng nước đổ về có chiều hướng tăng mạnh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được ra sông, suối vớt củi, đi chăn thả gia súc, gia cầm gần khu vực sông suối khi mưa lũ xảy ra, tránh thiệt hại đáng tiếc về người.
Chiều 24/6, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tình hình mưa lũ tại một số tỉnh Tây Bắc ảnh hưởng đến hệ thống các Quốc lộ, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Tây Bắc đã được khắc phục; trong đó 2 Quốc lộ bị ảnh hưởng nhất là Quốc lộ 279 và Quốc lộ 6 cơ bản đã được thông tuyến, giao thông đi lại bình thường.
“Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm sụt trượt lẻ tẻ trên một số tuyến. Cục Quản lý đường bộ I đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì khẩn trương khắc phục trong chiều nay”, Cục trưởng Trần Hưng Hà cho hay./.
Nhóm PV VOV.VN