Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, Giám đốc bệnh viện - bác sĩ Nguyễn Văn Bay (thứ 5, phải qua) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015
1. Từ nhiều năm nay, huyện Cần Giuộc luôn là lá cờ đầu của tỉnh về lĩnh vực y tế. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Cần Giuộc được biết đến là địa chỉ tin cậy không chỉ với bệnh nhân (BN) trong huyện mà còn có các địa phương lân cận như huyện Cần Đước, Nhà Bè, Bình Chánh (TP.HCM). BV có quy mô 250 giường bệnh, được chia thành 17 khoa, phòng với 287 cán bộ, viên chức (CBVC).
Nhiều năm liên tục, BV luôn giữ vững thành tựu trong công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, BV không ngừng nâng chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện tại, các khoa của BV được đào tạo, chuyển giao và đưa vào ứng dụng một số kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới. BV có siêu âm 4D, nội soi đường tiêu hóa,...
Tập thể CBVC BV luôn thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bí thư Đoàn cơ sở BVĐKKV Cần Giuộc - Phạm Thị Thanh Thúy chia sẻ: “Đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trẻ tuổi luôn được Ban Giám đốc giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là triển khai các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không những vậy, lãnh đạo BV còn tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ nâng cao tinh thần học tập, phục vụ công tác chuyên môn và rèn luyện đạo đức của người thầy thuốc. Hiện Đoàn cơ sở duy trì mô hình đoàn viên, thanh niên ngồi tại bàn hướng dẫn của Khoa Khám bệnh để giải thích, hướng dẫn, tư vấn cho BN các thủ tục cần thiết,... Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên BV còn thực hiện những chuyến khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân ở các xã còn khó khăn của huyện,...”.
Mỗi ngày, BV có từ 800-1.000 lượt BN đến khám và điều trị ngoại trú. Hiện nay, BV duy trì khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vào ngày chủ nhật. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù BN rất đông nhưng tất cả đều được đội ngũ y, bác sĩ niềm nở tiếp đón và hướng dẫn tận tình, chu đáo. Giám đốc BVĐKKV Cần Giuộc - bác sĩ Nguyễn Văn Bay cho biết, lượt BN đến khám và điều trị tại BV mấy năm gần đây tăng hơn những năm trước. Do đó, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của BN. Hiện BV được tỉnh quan tâm đầu tư xây mới với quy mô 300 giường bệnh, kinh phí gần 426 tỉ đồng. Khi BV mới đi vào hoạt động, năm 2018, BV đón thêm 20 bác sĩ về phục vụ. Đây là tín hiệu vui đối với tập thể CBVC và BN. BV thực hiện quy tắc ứng xử dành cho CBVC.
Ngoài ra, CBVC đều được đơn vị tổ chức học tập các chính sách, pháp luật liên quan: Luật CBVC, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, y đức của người thầy thuốc,... BV thực hiện nhiều mô hình gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nhất là mô hình CBVC BV không nhận tiền bồi dưỡng của BN. Từ đó, nhắc nhở mỗi CBVC phải luôn tận tụy, hết lòng vì BN.
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc
Không chỉ khám, điều trị cho BN, BVĐKKV Cần Giuộc còn chăm lo công tác từ thiện xã hội. Nhờ có sự đóng góp của CBVC, các nhà hảo tâm, đến nay, sau 16 năm hoạt động, bếp ăn từ thiện tại BV mang niềm vui đến với bệnh nhân nghèo. Mỗi ngày, bếp cung cấp từ 200-250 suất cơm miễn phí. Riêng ngày cuối tuần, những suất cơm chay này do chùa đảm nhận. Mỗi ngày, tại hành lang cổng chính của BV đều có thông báo về các suất cơm miễn phí, do đơn vị nào tài trợ. Qua đó, vừa giúp BN có thể đăng ký cơm từ thiện, vừa mang đến sự hài lòng của nhiều mạnh thường quân. Chính cách công khai, minh bạch và hiệu quả giúp nguồn quỹ của bếp ăn hiện lên đến trên 200 triệu đồng.
Với những kết quả trên, BV là đơn vị y tế duy nhất trong tỉnh vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; gần đây nhất là bằng khen của Bộ Y tế, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015,...
2. Hòa đồng, vui vẻ, thân thiện là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với Chủ tịch Công đoàn (CĐ) ngành Y tế - chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. 34 năm công tác, chị Nguyệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Suốt chặng đường dài, bản thân chị không ngừng nỗ lực về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn góp phần đưa CĐ ngành Y tế liên tiếp nhiều năm liền là CĐ tiêu biểu; nhận được rất nhiều bằng khen, cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh,...
Trong vai trò người lãnh đạo CĐ, chị đề xuất và đưa ra nhiều hoạt động gắn với lĩnh vực chuyên môn ngành Y tế. Không những vậy, chị tham mưu Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành đổi mới mô hình hoạt động Ban Nữ công CĐ. Từ đó, thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ công nhân viên chức, lao động; tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò của mình.
Bản thân chị nhận được khá nhiều giấy khen, bằng khen của Sở Y tế, UBND tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hơn 10 năm, chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đến chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Hàng năm, chị đều có đề tài nghiên cứu khoa học. Riêng năm 2016, với đề tài mang tên “Xây dựng cơ sở y tế không có thuốc lá” được ứng dụng và lãnh đạo ngành đánh giá cao.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (thứ 2, trái qua) tặng quà tết cho công đoàn viên khó khăn
Trước đây, chị từng là Trưởng khoa Xét nghiệm tại BVĐK Long An. Trong thời gian công tác, chị không ngừng học tập nâng cao trình độ về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, chị là dược sĩ chuyên khoa 1 và tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Y tế Long An. Tuy đảm nhận nhiều nhiệm vụ nhưng chị vẫn làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ trong gia đình. Hiện 2 người con trai của chị, 1 người đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học tại TP.HCM; người con út đang học lớp 8. Cả 2 đều chăm ngoan, học giỏi.
Chia sẻ về công việc, chị nói: “Tôi tâm niệm rằng, dù ở cương vị nào, bản thân phải nêu cao y đức. Ngành Y tế có hơn 6.000 CĐ viên. Số lượng CĐ viên rất đông nên tôi phải đôn đốc, theo dõi thường xuyên, hoạt động CĐ mới mạnh. Hơn nữa, công việc chuyên môn mang tính đặc thù nên mình phải tận dụng, sắp xếp thời gian và lên kế hoạch hợp lý, khoa học để các CĐ viên tham gia. Nhiều năm nay, CĐ ngành không chỉ tổ chức nhiều phong trào giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao mà còn chăm lo tốt đời sống CĐ viên. Trong đó, những CĐ viên khó khăn được CĐ quan tâm thông qua hỗ trợ mái ấm CĐ, tặng quà nhân các ngày lễ, tết,… Từ đó, giúp CĐ viên tin yêu và gắn bó hơn với đơn vị"./.
Thanh Nga