Tiếng Việt | English

28/02/2024 - 09:30

Mạo danh ngân hàng cho vay vốn online để lừa đảo - Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Lợi dụng nhu cầu vay vốn của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ, các đối tượng mạo danh các ngân hàng cho vay trực tuyến với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn này, người dân cần nâng cao cảnh giác và chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết trong bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân.

Một banner quảng cáo cho vay trực tuyến với lãi suất thấp trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng tạo lập hàng ngàn tài khoản Facebook ảo, tham gia vào hàng trăm hội, nhóm, diễn đàn để đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp trực tuyến với lãi suất thấp (1%/tháng). Với thủ tục vay vốn hết sức đơn giản “3 không”: Không cần gặp trực tiếp, không thế chấp, không thẩm định; chỉ cần căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền,... Kết quả, hàng loạt ngân hàng thương mại bị các đối tượng mạo danh như Agribank, BIDV, TechcomBank, VietinBank, TPBank,... cùng với hàng vạn nạn nhân đã bị lừa đảo.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, thủ đoạn mạo danh các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để lừa đảo vay vốn trực tuyến với lãi suất thấp là một chuỗi các hoạt động lừa đảo. Khởi đầu là đối tượng để nạn nhân vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500.000 - 5 triệu đồng) phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay,... Các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn mạo danh, dẫn dụ người vay tiền "sập bẫy" lừa đảo như khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân: Họ tên, số điện thoại, ảnh chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ảnh chụp chân dung,... phục vụ làm hồ sơ vay.

Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân,...). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống, hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, chắc chắn tiền của nạn nhân đã “một đi không bao giờ trở lại”./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết