Tiếng Việt | English

09/11/2018 - 15:27

Một gia đình cải lương ở Tiền Giang

Những năm công tác tại Tiền Giang, tôi có dịp gặp được cụ Sáu Chí (em trai của nghệ sĩ (NS) Năm Phỉ (1), anh của cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bảy Nam) nên ghi lại khá nhiều tư liệu về gia đình cải lương này.

Nghệ sĩ Năm Phỉ - một thiên tài của cải lương

Theo lời kể của những NS cải lương tiền bối cũng như một số tài liệu miêu tả, NS Năm Phỉ là nữ NS tài sắc vẹn toàn. Bà là bậc kỳ tài của cải lương. Trong cuộc đời biểu diễn nghệ thuật cải lương của NS Năm Phỉ có nhiều vai diễn nổi tiếng, nhưng có 2 vai xuất sắc nhất: Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi và vai Lan trong Hoa rơi cửa Phật (Lan và Điệp). Thuở thiếu thời, NS Năm Phỉ đam mê đờn ca tài tử và cải lương. Do vậy, bất cứ gánh hát nào lưu diễn đến Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ít khi vắng mặt bà trên hàng ghế khán giả. Ông Hai Cu, một người làm nghề thợ bạc ở gần nhà Năm Phỉ có dự định lập gánh hát, nên khi nghe được giọng ca ngọt ngào, truyền cảm của bà, ông liền qua nhà xin mẹ bà cho bà đi hát. Gánh cải lương Nam Đồng Ban của ông Hai Cu ra đời (năm 1920) với cặp đào - kép chánh là Năm Phỉ - Hai Giỏi (kép Hai Giỏi là con trai của ông Hai Cu). Một năm sau, kép Hai Giỏi gặp cơn bạo bệnh và qua đời lúc tài năng nghệ thuật của ông đang phát triển. Mất đi một người bạn diễn tâm đầu ý hợp, mất đi một tình cảm riêng tư, NS Năm Phỉ đau buồn không muốn đi hát nữa.

Khi NS Năm Phỉ rời gánh Nam Đồng Ban không lâu thì gánh cũng tan rã (năm 1921). Sau một thời gian nguôi ngoai, cũng là lúc bà Tư Sự lập Gánh hát Tái Đồng Ban và bà đến mời NS Năm Phỉ cộng tác. Ngay đêm diễn đầu tiên, khán giả đến xem rất đông và hầu hết là khán giả cũ của NS Năm Phỉ hồi còn hát Nam Đồng Ban. Sau đêm diễn đó, NS Năm Phỉ nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả; trong đó, có một thư khen và động viên của một trí thức trẻ
từng du học ở Pháp, ông tên là Nguyễn Ngọc Cương. Năm 1926, ông Cương lập gánh Phước Cương - một đại ban cải lương nhất, nhì ở Nam bộ lúc đó và mời NS Năm Phỉ về hát đào chánh.

Với vai Bàng Quý Phi và vai Lan, NS Năm Phỉ tạo dấu ấn với khán giả phương Tây khi năm 1931, gánh Phước Cương được mời trình diễn ở Paris (Pháp) và vài quốc gia lân cận. Ngày 02-6-1954, NS Năm Phỉ qua đời do một cơn bạo bệnh, trong giới và khán giả vô cùng thương tiếc một tài danh cải lương ra đi sớm quá, khi tuổi đời mới 46, độ tuổi tài năng đang chín rộ.

Cố Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - tài danh trên 3 lĩnh vực

Tôi không thể nào quên hình ảnh một bà lão có gương mặt phúc hậu, giọng nói chân chất, mộc mạc như những cụ bà ở miền quê Nam bộ, vậy mà đến với nghệ thuật, bà là một NS lừng danh, đó là cố NSND Bảy Nam - một tài danh trên cả 3 lĩnh vực: Cải lương, kịch nói và điện ảnh.

Cố NSND Bảy Nam (1913-2004) sinh ra ở Mỹ Tho trong gia đình có 11 anh chị em, trong đó có 3 chị em theo cải lương là NS Năm Phỉ, bà và cô Mười Truyền. Năm bà 14 tuổi thì thân phụ của bà qua đời, bà xin phép mẹ lên Sài Gòn theo NS Năm Phỉ đi hát. Lúc này, NS Năm Phỉ lập gánh Nam Phi chuyên hát tuồng Tàu. NSND Bảy Nam lúc đó nhanh chóng trưởng thành và hình thành sở trường của mình ở lĩnh vực cải lương, bà nổi tiếng thời đó với các vai đào võ và giả kép như Đào Tam Xuân trong vở Trảm Trịnh Ân, Lý Nhu trong Phụng Nghi Đình, Triệu Tử trong Triệu Tử đoạt ấu chúa,...

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đầu năm 1946, 3 chị em bà (Năm Phỉ - Bảy Nam - Mười Truyền) lập lại gánh Tam Phụng cũng chuyên hát tuồng Tàu và bà vẫn thủ hầu hết các vai đào võ. Thời kỳ này, NS Bảy Nam càng khẳng định sở trường của mình hơn, một số vai đào võ được khán giả mến mộ, nổi bật nhất là Lưu Kim Đính trong vở Sát tứ môn.

Năm 1954, NS Năm Phỉ qua đời và gánh Tam Phụng được đổi tên thành gánh Nam Phi - Kim Cương, tức là lấy tên Nam Phi để nhớ công ơn chị của bà - NS Năm Phỉ ban đầu lập gánh, và các vai tuồng của NS Năm Phỉ sau này do NS Kim Cương thay thế.

Cố NSND Bảy Nam từng kể: “Tôi có 3 người con, 2 gái, 1 trai, sanh ra ở 3 miền Nam - Trung - Bắc. Kim Cương sanh ra tại Huế, Kim Quang tại Hà Nội và cậu trai ở Sài Gòn (mất trước năm 1975). Đáng nhớ nhất là những năm cuối thập niên 30, lúc còn ở gánh Nam Phi, tôi hát chung với chị Năm Phỉ, anh Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu). Đang diễn lớp phải quỳ hát với anh Năm Châu, hết lớp, đứng lên để đi vô sân khấu thì bào thai bị trằn xuống, đứng lên không được, tôi mới nói nhỏ với anh Năm là bị thai trằn. anh Năm rất linh hoạt, ảnh nói lối cương một câu: “Thôi em hãy đứng lên đi đừng quỳ nữa” và dìu tôi vô trong sân khấu (sau đó, bà sinh NS Kim Cương tại Huế). Từ đó, mỗi lần hát lớp này thì tôi và anh lại cười, câu đó cũng đã trở thành câu chính thức trong vở”.

Năm 1975, Đoàn Kịch nói Kim Cương được thành lập, NSND Bảy Nam bước sang sân khấu kịch. Có lẽ ở lĩnh vực kịch nói, trong nhiều vai diễn của cố NSND Bảy Nam, có một vai mà cho đến bây giờ, những khán giả từng xem rồi không thể quên được, đó là vai Bà Tư trong vở Lá sầu riêng. Đó là hình ảnh bà mẹ quê, bà ngoại (Bảy Nam) lên thành phố thăm con gái (Diệu - NS Kim Cương) và cháu ngoại, run run cả đôi tay và đôi môi trên gương mặt mếu máo đau khổ khi thấy con gái mình sống trong cảnh bất hạnh bên chồng không hạnh phúc, không được chồng gọi chính chức danh là vợ, không được con gọi là mẹ mà phải gọi né là “chị hai”...

Về điện ảnh, trước năm 1975, NSND Bảy Nam tham gia một số phim, sau năm 1975 thì diễn kịch, cho đến những năm cuối thế kỷ XX, bà trở lại tham gia lĩnh vực điện ảnh. Lúc này, NSND Bảy Nam tuổi đã cao nhưng vẫn còn khỏe nên thường thủ những vai bà mẹ, bà già điên. Mặc dù những vai đó không phải là vai chánh nhưng lại gây xúc động, làm rơi nước mắt khán giả rất nhiều, bởi tài nghệ của NSND Bảy Nam. Có thể thấy trong những vai diễn đó, nổi bật là vai bà ngoại, bà mẹ trong phim như Nước mắt học trò, Bông lục bình, Con sói trở về,... Có lẽ hơn 70 năm NSND Bảy Nam gắn bó với nghệ thuật, ngoài tài năng trên 3 lĩnh vực, bà còn là nữ NS đạt nhiều kỷ lục Việt Nam: Nữ NS cải lương làm bầu cải lương trẻ nhất (năm bà 19 tuổi), Nữ tác giả viết kịch bản sân khấu hay đầu tiên, Nữ NS cải lương đóng vai bà già điên hay nhất,...

Bao nhiêu năm trôi qua nhưng hình ảnh NSND Bảy Nam vẫn chiếm vị trí nhất định trong lòng người mộ điệu và tô thắm hình ảnh về một gia đình cải lương ở Tiền Giang./.

(1) NS Năm Phỉ không dùng chữ “cố” (cố NS Năm Phỉ), vì những nhân vật nổi tiếng hay nghệ sĩ tài danh đã qua đời từ hơn 50 năm thì không dùng chữ “cố” để chỉ sự quá cố của họ, mà dùng tên nguyên mẫu.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích