Ghe thuyền đánh cá vào neo đậu tại Bãi Bàng
Hè trong tôi là những ngày háo hức của đôi chân khi được vẽ thêm nhiều cung đường mới ở nơi có biển, có đảo. Và tôi nghĩ tháng 8 vẫn còn dư dả thời gian cho những ai thích cảm giác vẫy vùng trong làn nước trong vắt, lặn ngắm san hô đủ sắc màu, lắng nghe tiếng sóng ầm ầm vỗ vào ghềnh đá, làn gió mát rượi thổi qua và thỏa sức thưởng thức đủ loại hải sản tươi ngon. Hãy suy nghĩ và lên đường, ít nhất là đến nơi mà tôi sẽ kể cho bạn nghe ngay sau đây nhé!
Đảo Hòn Sơn (hay còn gọi là Hòn Sơn Rái), thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nằm giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, cách thành phố Rạch Giá khoảng 65km về phía Tây, có diện tích 11,5km2. Nếu tính từ nơi tôi đang ở - TP.Tân An - sẽ mất gần 7 giờ đi xe qua chặng đường gần 230km đến với thành phố Rạch Giá và gần 1 giờ 30 phút đi tàu từ Rạch Giá đến Hòn Sơn.
Những ghềnh đá hoang sơ dọc bờ biển
Điều thú vị là tôi và một vài người bạn đến với Hòn Sơn không hề có chủ ý và trước đó tôi cũng chưa từng biết đến Hòn Sơn. Đó là một ngày mà theo dự báo thời tiết sẽ có gió mạnh. Tôi chần chừ bước chân xuống tàu cao tốc Super Dong - con tàu khá hiện đại với vận tốc 30 hải lý/giờ và có sức chứa khoảng 300 hành khách – để đến với đảo Nam Du, nơi được gọi là thiên đường của vùng biển phía Nam Tổ quốc.
Tàu lướt êm khoảng 20 phút thì đã khá xa bờ, những cơn sóng lớn bắt đầu xuất hiện, con tàu lặn ngụp rồi ngoi lên, tiếng va đập ầm ầm, cứ ngỡ thân tàu sẽ vỡ tung. Đối với tôi cũng như với tất cả những người say sóng, đó thật sự là một trải nghiệm cực kỳ khó khăn và đáng sợ. Có khoảng hơn một nửa hành khách bị say sóng. Đang cố đấu tranh để đối mặt và vượt qua sự sợ hãi của mình thì tôi nghe nhân viên trên tàu bảo: “Tàu sắp cập bến Hòn Sơn, ai lên thì chuẩn bị hành lý?”. Tôi lần nữa chần chừ, tôi nghĩ tôi chịu đựng được, và vì nơi muốn đến – đảo Nam Du - chỉ còn cách khoảng 20km nữa, nếu sóng to gió lớn như thế này thì ráng chịu thêm khoảng 45 phút là cùng. Nhưng những người bạn của tôi thì không thể, cuối cùng, ngoài một số hành khách là người dân của đảo thì những cơn sóng lớn đã giúp Hòn Sơn chào đón thêm 6 du khách bất đắc dĩ.
Tôm tích rang tỏi
Vừa lên cầu cảng, có rất nhiều anh, chú xe ôm chạy đến. Họ thân thiện và quan tâm chúng tôi như những người quen biết: “Mấy đứa bị say sóng đúng không, có sao không, ngồi hít thở một chút là khỏe lại hà! “Lần đầu đi tàu hả? Thật không may, hôm nay sóng to hơn hôm qua nữa, đang có bão mà dám đi?”. “Mùa này biển động lắm! Mùa biển êm là từ tháng 11 đến tháng 4, sau này có đi thì phải tìm hiểu kỹ trước khi đi nghe chưa?”…
Giọng nói của người miền Tây nghe sao mà hiền và ngọt quá. “Ở đây có nhà nghỉ không chú?”, câu hỏi ngơ ngác của tôi khiến chú xe ôm bật cười: “Có, nhưng không đầy đủ tiện nghi đâu nha, ở đây thỉnh thoảng cũng có khách du lịch ghé qua mà!”. Thế là chúng tôi được chở tới nhà nghỉ gần nhất – đó là một căn nhà rộng, hai tầng, chia ra vài phòng bé xíu, có giường, có quạt, có nhà vệ sinh riêng, thế thôi - giá 170.000 đồng 1 phòng 2 người.
Để đi quanh đảo, có thể đi xe ôm hoặc thuê luôn chiếc xe máy với giá 100.000-150.000 đồng/ngày, tùy người cho thuê và tùy vào cách ngã giá của mình nữa. Hòn Sơn có nét độc đáo riêng bởi sự kết nối của 7 ngọn núi và nằm khuất mình dưới bạt ngàn cây xanh; uy nghiêm, hùng vĩ nhất là đỉnh Ma Thiên Lãnh, có độ cao 450m so với mực nước biển. Nếu có sức bền bỉ, dẻo dai thì nên chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, tận cùng Ma Thiên Lãnh là sân Tiên, ở đấy chúng ta sẽ nhìn toàn cảnh Hòn Sơn và bao la trời biển. Nước biển ở đây tùy vào thời điểm mà có lúc cũng trong vắt; nếu thích cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm và sẵn sàng thách thức cùng sóng biển thì theo dân chài ra khơi câu mực, câu tôm, lặn ngắm san hô. Nhiều bãi cát trải dài quanh đảo tạo thành những bãi tắm đẹp, có những bãi rất hoang sơ, chỉ sóng biển, hàng dừa và ghềnh đá – nơi đây rất lý tưởng cho những ai thích chứng kiến sự chuyển động của mặt trời nhô lên hay chui vào lòng biển với màu đỏ vàng rực rỡ; có những bãi hình thành nên các xóm chài vì ghe thuyền đánh cá rất dễ ra vào, neo đậu – nơi đây thích hợp để tắm, vì có người dân nên chúng ta được nhắc nhở sự an toàn, lại có nước ngọt để tắm lại và có luôn dịch vụ ăn uống. Ấn tượng nhất đối với tôi là dừa, bạt ngàn rặng dừa xanh, trên núi thì thân dừa nhỏ, chen mình giữa um tùm cây bụi, dây leo, rồi vươn cao, thẳng tắp; trên bãi biển thì thân dừa to hơn, thân uốn lượn, ngã nghiêng.
Xóm chài đơn sơ nép mình lặng lẽ dưới những rặng dừa xanh
Đỉnh Ma Thiên Lãnh ngoài vai trò là người anh cả trong 7 ngọn núi thì còn tỏ ra rất “hào phóng” khi cung cấp nguồn nước ngọt mát dường như vô tận cho người dân nơi đây. Cho nên khi đến đây, chúng ta không cần tiết kiệm nước như khi đến các vùng biển, đảo khác, thứ chúng ta phải tiết kiệm đó là điện. Do chưa hòa mạng lưới điện quốc gia, nên điện hay chập chờn, cứ khoảng 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng thì cả Hòn Sơn đều cúp điện.
Người dân trên đảo từ trước đến nay sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, ngoài ra còn có những nghề thủ công như đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực,… Vài năm trở lại đây, sự ghé lại của khách du lịch “phượt” đã giúp cho người dân có thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ nhà nghỉ, lặn ngắm san hô, câu mực, câu tôm,... Bãi Bàng hiện tại đã được đền bù; dân chài nơi đây đang háo hức chờ đón khách, đã có vài công ty du lịch chọn Bãi Bàng là một trong những điểm đến của tour du lịch khám phá quần đảo Nam Du.
Và một điều không thể bỏ sót khi về với biển chính là hải sản. Nhìn thấy cảnh dân chài đem vào bờ từng mẻ cá, mực, tôm, ghẹ tươi roi rói mà thích vô cùng. Những vùng biển, đảo phát triển du lịch thì hải sản dù tươi ngon nhưng không hề rẻ hơn so với nơi thành thị chút nào, nhưng vì Hòn Sơn còn đó sự bình dị và cuộc sống yên ả của những người dân, nên hải sản cũng được bán cho chúng tôi với giá rất là ấn tượng, 60.000 đồng/kg ghẹ, tôm tích,… cá thì còn rẻ hơn nữa. Chúng ta có thể mượn vật dụng của chủ nhà nghỉ để tự tay chế biến những món mà mình thích hoặc có thể thuê người dân chế biến, tiền công không đáng bao nhiêu.
Hòn Sơn là như thế, nhưng sự níu kéo quan trọng nhất chính là những gì tôi đã trải qua, mỗi người khi đến sẽ có trải nghiệm khác nhau, cảm xúc khác nhau. Điều cần thiết và thú vị là những gì chúng ta tận mắt nhìn thấy, chứ không phải chỉ là những gì chúng ta nghe kể,… tôi chắc chắn là vậy!./.
An Bang