Tiếng Việt | English

24/01/2018 - 02:30

Mỹ An: Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

“Ở Mỹ An, nông dân không chỉ góp công, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn mà còn là nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, góp phần giảm nghèo bền vững; từ đó giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - Lê Văn Sang khẳng định.

Từ góp đất làm đường...

Cách đây 5 năm, vào mùa nước nổi, muốn vào các ấp vùng sâu của xã Mỹ An (giáp ranh huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) rất khó khăn vì nhiều con đường đất bị chìm sâu trong nước lũ. Bây giờ, Mỹ An có nhiều thay đổi, nhất là từ khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nói về kết quả xây dựng NTM ở địa phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An - Lê Văn Sang khẳng định: “Chúng tôi xác định, xây dựng giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực xây dựng thành công xã NTM”. Ông Lê Văn Sang lý giải, nếu giao thông nông thôn không bảo đảm thì nông dân vận chuyển nông sản khó khăn; học sinh đến trường cũng vất vả,...

Cựu chiến binh Phạm Văn Hành giới thiệu con đường mới mở trên đất vườn ông hiến

Cựu chiến binh Phạm Văn Hành giới thiệu con đường mới mở trên đất vườn ông hiến

Từ quyết tâm làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ An xây dựng được 10km đường bêtông và cứng hóa, kết nối, thông thương toàn bộ 4 ấp của xã. Để có kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào Toàn dân tham gia làm giao thông nông thôn với nhiều hình thức như góp công, tháo dỡ vật kiến trúc tạo mặt bằng thông thoáng để thi công đường, hiến đất,... Qua đó, tạo thành phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương. Kết quả, nông dân góp 50.000m2 đất ruộng, 1.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Nhiều gương nông dân được biểu dương như Phạm Văn Hành - thương binh hạng 2/4, ngụ ấp 3, hiến 75m2 đất vườn mặt tiền Quốc lộ 62, trị giá 150 triệu đồng; Lê Bá Lộc, ngụ ấp 1, hiến 500m2 đất lúa để hoàn thành con đường liên ấp. Không chỉ hiến đất, ông Hành còn vận động hội viên cựu chiến binh góp tiền, ngày công mở đường trong ấp dài 530m.

... Đến phát triển kinh tế hợp tác

Men theo con đường bêtông dài gần 2km kết nối trung tâm xã Mỹ An với huyện Tân Phước (Tiền Giang), chúng tôi đến ấp 3 tìm hiểu về phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) của nông dân. Ấp 3 có 337/345 hộ nông dân tham gia sinh hoạt chi hội nông dân. Ở Tổ Sản xuất lúa nếp giống xác nhận IR46-25, những nông dân sản xuất giỏi: Nguyễn Văn Đường, Ba Ngoan được phân công phụ trách 2 tổ lúa giống với tổng diện tích 5ha.

Anh Nguyễn Văn Đường nói: “Để hỗ trợ các thành viên trong 2 tổ hợp tác sản xuất, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa cấp cho mỗi thành viên 50kg lúa giống nguyên chủng IR46-25 (không hoàn lại). Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất vụ Đông Xuân và Hè Thu đạt trung bình 16 tấn/ha/năm. Giá bán lúa giống cũng cao hơn lúa thường từ 300-500 đồng/kg”.

Anh Kiều Văn Bình thoát nghèo nhờ vào tổ hợp tác

Ngoài ra, nông dân ấp 3 còn xây dựng Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sinh sản từ Dự án chăn nuôi bò Heifer (tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ không hoàn lại) cách đây 7 năm với 25 thành viên. Qua 5 năm thực hiện (2011-2015), 25 hộ trong tổ hợp tác phát triển đàn bò trên 100 con. Năm 2011, gia đình Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3 - Nguyễn Văn Thành được trao tặng 1 con bò giống từ Dự án Heifer; đến cuối năm 2017, bò sinh sản được 6 con. Chăn nuôi đạt hiệu quả, ông Thành mua thêm 5 con, nâng tổng đàn bò lên 11 con. Theo ông Nguyễn Văn Thành, sau 6 năm chăn nuôi, ông kiếm được 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, với 1,5ha trồng lúa nếp giống xác nhận IR46-25, ông thu nhập thêm khoảng 130 triệu đồng.

Đến thăm gia đình ông Kiều Văn Bình, chúng tôi cảm phục về ý chí vươn lên thoát nghèo của vợ chồng ông. Không một tấc đất sản xuất, vợ chồng ông khởi nghiệp từ 1 con bò do Dự án Heifer trao tặng, đến năm 2017, đàn bò phát triển lên 9 con, trong đó, xuất bán 5 con. “Nhờ vào tổ hợp tác chăn nuôi nên cuộc sống gia đình dần ổn định. Hàng ngày, vợ cắt cỏ nuôi bò, tôi tranh thủ thời gian rảnh làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập, con trai làm công nhân xưởng hạt điều nên bây giờ, gia đình có thu nhập ổn định và thoát nghèo từ năm 2015” - ông Kiều Văn Bình chia sẻ.

Chặng đường xây dựng thành công xã nông thôn mới của Mỹ An luôn có sự đồng lòng, chung tay thực hiện của nông dân như vậy!

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết