Tiếng Việt | English

19/03/2016 - 09:59

Mỹ sắp chế tạo chiến đấu cơ siêu thanh đạt tốc độ Mach 6

CEO Lockheed Martin Marillyn Hewson vừa công bố, hãng đã “đạt được đột phá” trong việc chế tạo chiến đấu cơ siêu thanh đạt tốc độ Mach 6.

Tạp chí Fortune dẫn lời bà Hewson cho biết, hãng đang thử nghiệm chiến đấu cơ siêu thanh HTV-3X thuộc Dự án Chim Cắt của DARPA với tham vọng chế tạo được một loại chiến đấu cơ có thể thực hiện các vụ tấn công ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong vòng 1 giờ sau khi được điều động.


Mẫu thiết kế chiến đấu cơ siêu thanh HTV-3X. Ảnh Pinterest

Bà Hewson nhấn mạnh, Lockheed Martin có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo các máy bay siêu thanh, bao gồm cả các máy bay thuộc dự án của DARPA.

“Chúng tôi đã đạt được một số đột phá với mẫu HTV-3X và đang tiến đến việc sản xuất một loại máy bay dễ điều khiển, có tính khí động học cao có khả năng hoạt động ổn định từ khi cất cánh đến lúc đạt tốc độ gần siêu thanh, siêu thanh và lên tới Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tương đương 7.000km/h).

Quan trọng hơn, chúng tôi đã có thể chứng minh được rằng, hãng có thể chế tạo một máy bay siêu thanh với giá cả phải chăng. Chúng tôi ước tính, chi phí phát triển và sản xuất loại máy bay này chỉ ở mức dưới 1 tỷ USD”, bà Hewson nói.

Trong khi đó, mẫu HTV-2 cũng thuộc chương trình chế tạo chiến đấu cơ siêu thanh của DARPA, đã cho thấy, loại máy bay này có thể hoạt động ổn định và dễ dàng điều khiển dù bay ở tốc độ cao hơn Mach 20 (gần 25.000km/h).

Cả hai mẫu HTV-2 và HTV-3X đều là những máy bay siêu thanh không người lái có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa. HTV-2 đã tham gia vào 2 vụ phóng thử vào năm 2010 và 2011, tuy nhiên HTV-3X đã bị ngừng lại từ năm 2008 do thiếu ngân sách.

Theo đó, trong vụ phóng thử lần thứ 2 từ tên lửa Minotaur IV, HTV-2 đã thành công trong việc đạt đến tốc độ từ Mach 17-22 trước khi được cho lao xuống Thái Bình Dương để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, HTV-3X (còn được gọi là Blackswift) khác với HTV-2 ở chỗ nó có thể được phóng theo cách thông thường thay vì được tên lửa đẩy và cũng có kích thước của một chiến đấu cơ truyền thống.

Ngoài ra, hãng Lockheed Martin cũng đang phát triển mẫu máy bay trinh sát siêu thanh SR-72 với mục tiêu cũng đạt được tốc độ Mach 6- tức là bay nhanh gấp đôi so với mẫu tiền nhiệm SR-71 Blackbird vốn đã không còn được sử dụng từ năm 1998. Dự kiến, SR-72 sẽ được bay thử sớm nhất vào năm 2018./.

Trần Khánh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết